MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 quy tắc giúp làm tròn chữ hiếu

23-07-2023 - 13:39 PM | Sống

3 quy tắc giúp làm tròn chữ hiếu

Cha mẹ sinh ra không phải đã làm cha, làm mẹ, họ cũng cần học từng ngày. Phận làm con cũng vậy, cũng cần học để làm tròn bổn phận người con, làm tròn chữ Hiếu.

Ảnh minh họa

Sinh trưởng trong một gia đình có 4 anh chị em, ông Chu là con thứ 2. Mỗi khi trong nhà có việc gì, cha mẹ không hỏi anh chị ở gần mà đều tìm đến ông ở xa mấy chục cây số. Cha mẹ biết ông hiếu thảo, làm ăn cũng khấm khá nên coi ông như con cả trong nhà, muốn gia đình hòa thuận, yêu thương nhau, nên mọi chuyện đều nhờ cậy.

Việc cha mẹ muốn dọn đến sống cùng vợ chồng ông đã gây ra không ít sóng gió, thậm chí vợ ông còn phản đối và đòi ly hôn. Đến khi cha mẹ dọn vào cũng xảy ra không ít chuyện, khi họ ốm đau nhập viện và phải trả viện phí lên đến hàng chục triệu đồng, các anh chị em lại quay ra nói ông không chăm sóc tốt cha mẹ. Nhớ lại trước đây, khi đề cập đến chuyện phụng dưỡng thì không ai trong số họ đứng ra nhận trách nhiệm về mình, ai nấy đều đùn đẩy nhau với những lý do nghe có vẻ hợp lý.

Cha mẹ, anh chị em có lý do riêng, bạn đời cũng đưa ra những lý do rất hợp lý và chính bạn cũng có lý lẽ của riêng mình. Vậy ai đúng, ai sai? Đây có lẽ là câu chuyện phổ biến của rất nhiều gia đình. 3 nguyên tắc dưới đây sẽ giúp bạn gỡ rối khó khăn này.

Sự công bằng

Lòng hiếu thảo là một truyền thống và đức tính tốt đẹp của người Việt. Nhưng khách quan mà nói, nó có thể trở thành gánh nặng với nhiều gia đình khi cha mẹ đau ốm, nằm liệt giường không thể tự chăm sóc bản thân, không có lương hưu hay tiền tiết kiệm.

Bản thân hoàn cảnh mỗi người con cũng là vấn đề lớn, có người kiếm tiền giỏi, giàu có, có người lại chỉ kiếm đủ sống qua ngày. Người hợp tính cha mẹ, dễ nói chuyện tâm sự, người vừa nói vài ba câu đã bất đồng quan điểm, to tiếng.

Do đó việc phân chia nhau phụng dưỡng cần công bằng nhưng cũng không thể như phép chia đều, kết quả rõ ràng một hai, cần dựa trên điều kiện thực tế để điều chỉnh cho phù hợp, người góp tiền bạc, người góp sức lực. Tốt hơn hết, mọi người nên bàn bạc trước, tránh xảy ra cãi vã, gây mâu thuẫn về sau vì sự không rạch ròi.

Sự lắng nghe, thấu hiểu

Không thể nào áp đặt suy nghĩ của người trẻ lên bố mẹ đã già yếu. Bạn có thể thoải mái ở yên trong căn chung cư cao tầng suốt cả tuần, nhưng cha mẹ lại muốn gần gũi thiên nhiên, hít thở khí trời, gặp gỡ những người đồng trang lứa, cùng trò chuyện, bầu bạn tuổi già.

Các con thường oán trách bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa? Và ngược lại, con cái trưởng thành có gia đình riêng, công việc riêng, bố mẹ cũng nên cố gắng giúp đỡ con nhiều nhất có thể, đừng để con cảm thấy mình là gánh nặng, nếu không sớm muộn chúng cũng sẽ mệt mỏi, chán ghét.

Vậy nên sự chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu là cần thiết. Mọi người đều phải học, phải kiên nhẫn để thích nghi với những thay đổi. Biết đón nhận và chấp nhận sự khác biệt là chìa khóa mở cửa yêu thương.

Sự độc lập

Gia đình nhỏ nằm trong gia đình to. Nhưng không đồng nghĩa khi gia đình nhỏ xảy ra chuyện, cha mẹ ngay lập tức can dự, vì vốn dĩ chỉ người trong cuộc mới hiểu được nội tình.

Đặt ra ranh giới với cha mẹ ngay từ đầu để nếu chẳng may phát sinh vấn đề, vợ chồng bất hòa cãi vã, sẽ không xảy ra tình trạng mẹ chồng bênh con trai, làm con dâu tủi thân. Hạnh phúc gia đình nhỏ cũng góp phần xây dựng gia đình to.

Con cái độc lập giải quyết vấn đề của mình, nhưng hãy mở lòng để đón nhận những góp ý, chỉ bảo kinh nghiệm từ bậc cha mẹ đi trước.

Tóm lại, chữ hiếu với cha mẹ là điều không cần phải suy nghĩ hay đắn đo, nhất định phải làm, phải dứt khoát làm, không sau này sẽ phải hối hận. Nhưng làm bằng cách nào, làm như thế nào thì bạn cần học để đưa ra những quyết định, lựa chọn sáng suốt nhất.

Ngọc Mai

Phụ nữ số

Trở lên trên