MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 tháng nữa hết năm vẫn không tiết kiệm được đồng nào

03-10-2024 - 10:37 AM | Sống

Tiền nong luôn là vấn đề khiến nhiều bạn trẻ đau đầu.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Còn nhớ hồi đầu năm, nhiều người rủ nhau chăm chỉ làm việc, lập kế hoạch tiết kiệm để năm mới dư dả hơn, bớt lo lắng về tiền nong.

Nhưng vèo một cái là chỉ còn 1 quý nữa là kết thúc năm cũ, không biết tình hình tiết kiệm của bạn thế nào. Trên mạng xã hội, nhiều người đang chia sẻ kết quả tiết kiệm của năm cũ. Nhưng đáng buồn là họ không để dành được đồng nào, thậm chí còn mang nợ.

3 tháng nữa hết năm vẫn không tiết kiệm được đồng nào- Ảnh 1.

Hỏi thật: Giờ bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi?

3 tháng nữa hết năm vẫn không tiết kiệm được đồng nào- Ảnh 2.

Nhiều người thú nhận không để dành được đồng nào

3 tháng nữa hết năm vẫn không tiết kiệm được đồng nào- Ảnh 3.

Năm nay không có nợ là may rồi

Tại sao cuối năm vẫn trắng ví?

Cuối năm không tiết kiệm được một xu là tình trạng chung của nhiều người trẻ. Có muôn vàn lý do dẫn đến tình trạng “đáng buồn này”, như tiền lương thấp, chi tiêu quá tay hay đột nhiên có một sự cố xảy đến khiến bạn trẻ phải tiêu hết số tiền tích lũy trước đó,...

Phúc Đặng (26 tuổi, Hà Nội) cho hay ngay từ đầu năm, anh đặt mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 20-30% lương hàng tháng. Nhưng vì thiếu nghiêm túc trong theo đuổi kế hoạch tài chính nên đến giờ quỹ tiết kiệm của anh còn bị… thâm hụt hơn so với hồi đầu năm.

Phúc Đặng chia sẻ: “Hôm nào mình cũng nói từ ngày mai bắt đầu tiết kiệm. Nhưng rồi vì lười, thói quen trì hoãn, suy nghĩ nhớ nhớ quên quên nên toàn bỏ quên thực hiện kế hoạch ban đầu.

Chẳng hạn có một thời gian mình tự dặn sẽ nấu cơm mang lên công ty liên tiếp trong 15 ngày. Nhưng vì lười nên mình chỉ làm được trong 2 ngày đầu. Hay mình đặt mục tiêu tháng này sẽ bắt đầu để riêng 20% lương để tiết kiệm, nhưng vì đột nhiên muốn đi chơi nên kế hoạch không bao giờ được thực hiện”.

Một trường hợp khác, Bảo Ngọc (23 tuổi, Hà Nội) cho hay, cả năm nay cô không tiết kiệm được đồng nào vì đột nhiên phải nhập viện.

Bảo Ngọc chia sẻ: “Từ đầu năm ngoái, mỗi tháng mình có thể tiết kiệm được 3-4 triệu. Mình vẫn duy trì thói quen này cho đến tháng 7 năm nay, mình phải nhập viện, vậy là số tiền tích góp trong gần 2 năm đột nhiên mất sạch. Sau khi ra viện, mình vừa phải cày lại công việc, vừa bắt đầu tiết kiệm tiền từ đầu”.

Nhắc tới 3 chữ quỹ tiết kiệm, Thu Thủy (24 tuổi, Hà Nội) cũng thở dài. Cô cho hay: “Từ tháng 4 năm nay, mình bị công ty đột ngột sa thải. Đến tháng 8 thì mình mới tìm được việc mới. Khi ở nhà, mình đã tiêu hết số tiền kiếm được trước đó. May là mình ở nhà chị, không mất chi phí cho nhà ở nên sống không quá khó khăn trong thời gian bị thất nghiệp. Kết hợp với sự kiện này là trước đó, mình có đầu tư chứng khoán nhưng thua lỗ. Cuối cùng, gần hết năm mà mình vẫn không tiết kiệm được đồng nào”.

Còn bạn thì sao? Chỉ còn 1 quý nữa là kết thúc năm 2024, lúc này, nhìn vào số dư trong tài khoản, bạn có thấy hài lòng không?

Nhiều người trẻ cùng rơi vào cảnh gần hết năm nhưng không tiết kiệm được đồng nào? (Ảnh minh họa)

Lời khuyên giúp tiết kiệm tiền dễ hơn

Gần đến cuối năm, nhiều người có thể phải chi nhiều hơn cho các hoạt động vui chơi, đầu tư cho công việc. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiết kiệm được tiền nếu duy trì được sự kỷ luật và tuân theo kế hoạch tài chính.

Dưới đây là một vài mẹo giúp bạn tiết kiệm tiền dễ hơn:

1. Chuyển một phần thu nhập sang tài khoản khác

Cách tốt nhất để nhanh chóng có quỹ tiết kiệm là dùng nhiều hơn một tài khoản ngân hàng. Trong đó, bạn dùng một tài khoản cho các giao dịch hàng ngày, một tài khoản dành để lưu trữ quỹ tiết kiệm dài hạn. Theo CNBC, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, giao dịch bằng tiền mặt giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn bởi bạn có thể ý thức được khi nào đồng tiền ra vào ở ví ngay lập tức.

Hàng tháng, bạn nên tự động chuyển khoản một phần thu nhập vào tài khoản tiết kiệm. Một nguyên tắc tài chính cơ bản mà bạn có thể tham khảo là 50-30-20. Tức là bạn dùng 50% chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản và nhu cầu thiết yếu, 30% dành cho sở thích cá nhân và 20% cuối cùng dành riêng để tiết kiệm.

2. Thanh lọc chi tiêu

Nếu thấy mình chi tiêu bốc đồng quá nhiều, bạn nên hạn chế tiêu tiền vào những khoản chi không thiết yếu. Đây được xem là cách “thanh lọc” các thói quen chi tiêu.

Cách này phù hợp với những người quen mua sắm quá đà. Nhưng nó sẽ kém hiệu quả và gây khó khăn cho những người vốn đã có thói quen tiết kiệm.

Lợi ích của chúng là bạn sẽ để dành được tiền, chống lại cám dỗ tiêu dùng và dần dần có ý thức quản lý tài chính cá nhân. Hãy khuyến khích bản thân theo đuổi các thói quen không tốn kém như đi thư viện, mua sách, tập thể dục thay vì chi tiền cho thú vui đắt hơn như đi bar, ăn uống, xem phim.

3. Theo dõi bảng thu chi

Hiện nay, có một số ứng dụng theo dõi thu chi hiệu quả, thân thiện với người dùng. Nhờ theo dõi bảng thu chi, bạn có thể tiết kiệm hơn. Khi dùng ứng dụng thu chi hoặc tự mình ghi chép lại thu chi, bạn nên đặt ngân sách cụ thể cho từng danh mục. Ví dụ, nếu bạn thấy mình đang chi tiêu quá mức cho thời trang, hãy cố gắng giảm số tiền cho danh mục này xuống.

Theo Nguyệt

Phụ nữ mới

Trở lên trên