30 năm, Trung Quốc tăng 69 bậc về GDP bình quân đầu người
Chỉ còn chưa đầy 2% dân số Trung Quốc sống dưới chuẩn nghèo của thế giới...
- 24-06-2017Dự báo dân số 2050: Châu Âu giảm, châu Phi tăng mạnh, Ấn Độ vượt Trung Quốc
- 23-06-2017Kinh tế Trung Quốc ảm đạm, thị trường kim loại cũng tăm tối theo
- 23-06-2017Đóng cửa công ty vì mất 90% xe đạp chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh "nền kinh tế chia sẻ" khổng lồ tại Trung Quốc
Cuộc chuyển mình từ nghèo thành giàu của Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, theo Bloomberg.
Hãng tin này nói rằng, nhờ cuộc cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng hồi cuối thập niên 1970 mở ra tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, sự “thần kỳ kinh tế” của đất nước đông dân nhất thế giới được dự báo vẫn sẽ tiếp tục.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên vị trí 64 trên 166 quốc gia được xếp hạng trên thế giới trong thời gian từ nay đến năm 2022. Vào năm 1992, Trung Quốc xếp thứ 133 thế giới về phương diện này, ngang hàng với Haiti, với hơn một nửa dân số sống dưới mức 2 USD/ngày.
Như vậy, trong vòng 30 năm, Trung Quốc có thể tăng 69 bậc trong xếp hạng thế giới về GDP bình quân đầu người. Dân số nước này hiện là 1,371 tỷ người.
Nếu tính theo đồng giá sức mua, mức GDP bình quân đầu người 16.667 USD/năm hiện nay của Trung Quốc đã cao hơn so với của Brazil - theo phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Quan trọng hơn, kết quả này đã chuyển thành những lợi ích hữu hình cho người Trung Quốc. Tính bình quân, tuổi thọ của người Trung Quốc đã tăng thêm 6 năm. Ngoài ra, người dân nước này đã được tiếp cận đầy đủ với điện, và chỉ còn chưa đầy 2% dân số Trung Quốc sống dưới chuẩn nghèo của thế giới - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong vòng 5 năm tới, mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua Mexico và quốc gia nhiều dầu lửa Azerbaijan, đồng thời sẽ chỉ kém chút ít so với Argentina.
Việc nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển từ chỗ dựa trên sản xuất sang dựa trên dịch vụ, cũng như việc nước này ngừng áp dụng chính sách một con, có thể sẽ đóng góp một phần trong sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, cùng với đó, khoảng cách giàu nghèo và sức ép đối với môi trường ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Cũng giống như Trung Quốc, ba quốc gia khác trong nhóm G-20 là Ấn Độ, Hàn Quốc, và Indonesia cũng được dự báo sẽ đạt những bước nhảy hai con số về thứ hạng GDP bình quân đầu người trong thời gian 1992-2022. Trong đó, Ấn Độ được dự báo sẽ nhảy 27 bậc, Hàn Quốc 19 bậc, và Indonesia 13 bậc.
Trong khi đó, Mỹ được dự báo sẽ “dậm chân tại chỗ” ở vị trí thứ 10 thế giới về GDP bình quân đầu người.
Trung Quốc cũng được Bloomberg dự báo sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu kinh tế nổi trội trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hay còn gọi là nhóm BRICS.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Nga, sau khi đã vượt qua Nam Phi và Brazil tương ứng vào các năm 2014 và 2016.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn cách các nước giàu nhất thế giới một khoảng lớn về GDP bình quân đầu người. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đang kém Nhật (26.000 USD) và kém Mỹ (43.000 USD). Sau 5 năm, khoảng cách này được dự báo không có nhiều thay đổi.
VnEconomy