MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

300 năm lịch sử các Ngân hàng Trung ương và những cuộc chiến không bao giờ kết thúc

01-05-2017 - 12:13 PM | Tài chính quốc tế

Trách nhiệm của các NHTW bị giới hạn trong một số mục tiêu: ổn định tiền tệ, chống lạm phát, bảo vệ sự an toàn của thị trường tài chính, phối hợp với các nước khác về chính sách tiền tệ và giúp nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên những mục tiêu này rất phức tạp và không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.

Tháng 5 của 20 năm trước, Chính phủ Anh đã có một quyết định mang tính lịch sử: cho phép NHTW Anh (BoA) quyền tự do thiết lập và điều chỉnh lãi suất. Và quyết định này đã trở thành một phần của xu hướng biến các NHTW trên toàn thế giới thành những định chế hùng mạnh nhất trong thế giới tài chính. Không chỉ quản lý lãi suất, các NHTW còn mua vào hàng nghìn tỷ USD tài sản, quản lý tỷ giá và điều chỉnh chu kỳ kinh tế.

Mặc dù ngày nay các NHTW khá độc lập, sức mạnh của họ đang suy giảm. Lãnh đạo các NHTW trên toàn thế giới đã bị chỉ trích là đi quá giới hạn thẩm quyền, can thiệp đến cả những vấn đề rộng hơn (Raghuram Rajan của NHTW Ấn Độ bàn luận đến cả vấn đề tôn giáo, trong khi ông Mark Carney của NHTW Anh nói chuyện biến đổi khí hậu). Ở một vài nước khác, công việc của NHTW lại bị bộ máy chính trị can thiệp quá sâu và khiến những nền tảng cơ bản của chính sách tiền tệ bị tấn công: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan không tiếc lời nhiếc móc NHTW nước này vì ông tin rằng lãi suất tăng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát. Và trong khủng hoảng tài chính 2007-08, các NHTW lại bị chỉ trích thậm tệ vì đã tung phao cứu trợ giải cứu khu vực tài chính, khiến người dân bình thường mất trắng số tiền họ dành dụm cả đời.

Những tranh cãi này cũng “lâu đời” như chính bản thân các NHTW. Trong suốt 300 năm qua, sức mạnh của các NHTW đã suy giảm đáng kể. Trách nhiệm của các NHTW bị giới hạn trong một số mục tiêu: ổn định tiền tệ, chống lạm phát, bảo vệ sự an toàn của thị trường tài chính, phối hợp với các nước khác về chính sách tiền tệ và giúp nền kinh tế hồi phục.

Tuy nhiên những mục tiêu này rất phức tạp và không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, đôi lúc đạt được các mục tiêu sẽ dẫn đến những hệ quả về mặt chính trị, lôi các NHTW vào nhưng cuộc tranh luận về dân chủ. Trong vài thập kỷ đầu tiên sau khi độc lập, nước Mỹ có 2 NHTW được lập ra, để rồi nhập làm một thành Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) năm 1913. Trong cuộc Đại khủng hoảng thời kỳ những năm 1930, trong thời kỳ lạm phát tăng cao vào những năm 1960 và 1970 hay bong bóng tín dụng trong thời kỳ đầu những năm 2000, vai trò của các NHTW đều bị chỉ trích.

Ngược dòng lịch sử

Các NHTW đầu tiên được thành lập với mục đích gia tăng sức mạnh tài chính cho các chính phủ. Đi đầu là Sveriges Riksbank, ngân hàng được thành lập năm 1668 và đóng vai trò như 1 công cụ quản lý tài chính của Chính phủ Thụy Điển quản lý nền tài chính (lễ kỷ niệm 300 năm của định chế này bao gồm cả sự kiện ra đời giải Nobel Kinh tế). Tuy nhiên, hình mẫu của các NHTW lại là NHTW Anh, tổ chức được thành lập năm 1694 bởi William III, ông vua cai trị cả vương quốc Anh và Hà Lan, trong bối cảnh Anh đang chiến tranh với Pháp. Để đổi lấy 1 khoản vay, BoA được quyền phát hành giấy bạc. Hoàng thân sẽ không bao giờ vỡ nợ và các chủ nợ không được phép đòi nợ họ. Tuy nhiên, vua William phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của Nghị viện, và Nghị viện lại phải phục vụ lợi ích của những người tài trợ cho NHTW. Do đó sự ra đời của BoA sẽ làm yên lòng các chủ nợ, đồng thời cũng giúp Chính phủ vay mượn dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn.

Ở thời điểm đó, không ai nghĩ rằng các NHTW có thể tiến hóa thành những định chế hùng mạnh như ngày nay. Dấu hiệu đầu tiên là những chiến lược mà John Law – người đã làm khuynh đảo cả nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ của nước Pháp – đã thực hiện ở Pháp từ năm 1716 đến 1720. John Law đã thuyết phục quan nhiếp chính (nhà vua lúc đó, Louis XV, là 1 trẻ mồ côi) cho phép chính mình thành lập 1 ngân hàng quốc gia và ra chỉ thị yêu cầu mọi loại thuế phải được nộp bằng giấy bạc do ngân hàng quốc gia phát hành. Ý tưởng là nhằm mục đích giảm bớt áp lực đè nặng vương triều đang nặng nợ. Sau đó ngân hàng quốc gia sẽ phát hành nợ quốc gia, các nhà đầu tư được thuyết phục đổi trái phiếu lấy các cổ phần của Mississippi, công ty được đặt ở Mỹ (lúc đó đang là thuộc địa của Anh).

Một trong những bong bóng đầu cơ đầu tiên trong lịch sử đã nhanh chóng hình thành. Cụm từ “triệu phú” cũng được ra đời trong thời kỳ này, khi cổ phiếu Mississippi tăng giá chóng mặt. Tuy nhiên, công ty này không hề có lợi nhuận và khi mô hình của Law sụp đổ, người dân Pháp bắt đầu quay sang nghi ngờ về tiền giấy.

Dù thất bại, Law được coi là một trong những tác giả đầu tiên của đồng tiền giấy, người phát minh ra nhiều sản phẩm tài chính. Việc giao dịch tiền giấy thuận tiện hơn nhiều so với vàng hay bạc, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với số lượng lớn. Các ngân hàng tư nhân cũng có thể phát hành giấy bạc nhưng chúng không tin cậy bằng những tờ giấy bạc được phát hành bởi ngân hàng quốc gia vốn được hậu thuẫn bởi 1 Chính phủ có quyền lực thu thuế. Bởi vì tiền giấy giao dịch thuận tiện hơn, hoạt động kinh tế cũng sẽ khởi sắc hơn và từ đó khả năng tài chính của Chính phủ được cải thiện.

Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên, rất ngưỡng mộ hệ thống tài chính của nước Anh. Sau độc lập, hệ thống tài chính Mỹ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi Continental, đồng tiền đầu tiên của nước Mỹ, khổ sở vì siêu lạm phát. Hamilton tin rằng sự tồn tại của NHTW sẽ giúp tiền tệ ổn định và giảm chi phí vay nợ, từ đó nền kinh tế dễ dàng cất cánh. Nhưng những người phản đối ông cho rằng NHTW có thể trở nên quá hùng mạnh và sẽ hành động dựa trên lợi ích của những chủ nợ.

NHTW chính là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử 50 năm đầu tiên của nước Mỹ. Ngân hàng của Hamilton tồn tại được 20 năm, cho tới khi giấy phép hoạt động hết hạn năm 1811. Ngân hàng thứ 2 ra đời vào năm 1816, nhưng cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Andrew Jackson, một vị Tổng thống đi theo chủ nghĩa dân túy, phản đối tái tục giấy phép cho nó vào năm 1836.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên