MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3.100 tỷ USD tài sản của giới siêu giàu sẽ bị Covid-19 'đánh bay' trong năm 2020

14-06-2020 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Giới siêu giàu có thể phải tạm hoãn việc mua du thuyền xa xỉ khi đại dịch Covid-19 được dự đoán "đánh bay" 3.100 tỷ USD khỏi khối tài sản ròng giá trị cao (Hight Net Worth - HNW) toàn cầu vào năm 2020.

Theo báo cáo mới của Morgan Stanley và Oliver Wyman, tác động tài chính từ Covid-19 sẽ làm khối tài sản của các cá nhân giàu có giảm 4% trong năm nay, chấm dứt một thập kỷ tăng trưởng ổn định.

Cũng theo báo cáo, các tác động này sẽ còn kéo dài, làm chậm tốc độ tăng trưởng trong tương lai, trong cả 3 kịch bản được dự kiến.

Kịch bản “suy thoái và hồi phục” dự đoán dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp kích thích kinh tế được thực hiện, làm cơ sở cho sự phục hồi kinh tế hình chữ U. Trong kịch bản này, tổng tài sản giá trị cao trên toàn cầu sẽ giảm từ 79.000 tỷ USD xuống còn 76.000 tỷ USD. Nhưng do còn nhiều lo ngại về nền kinh tế, Oliver Wyman hạ mức dự đoán tăng trưởng thường niên của khối tài sản HNW trong 5 năm từ 6% trước đại dịch xuống còn 5,1%.

Trong kịch bản khả quan nhất, sự phục hồi ngắn hạn mạnh mẽ của giá trị tài sản sẽ làm HNW tăng 0,9%, lên 80.000 tỷ USD vào cuối năm 2020. Dù vậy, trong kịch bản này, mức tăng trưởng thường niên trong 5 năm tới “chỉ tăng một cách khiêm tốn từ kịch bản gốc” vào mức 5,4%.

Trong mô hình gấu bi quan, dựa trên kịch bản “sụt giảm đáng kể” hơn nữa, khối tài sản HNW sẽ hạ 10,2%, tương đương 8.000 tỷ USD, xuống còn 71.000 tỷ USD. Điều này cho thấy nhiều rủi ro đi xuống và tác động tiêu cực sẽ còn kéo dài. Trong kịch bản này, mức tăng trưởng tài sản thường niên trung bình cho đến năm 2024 sẽ chỉ dừng ở 1%.

Theo báo cáo, “Điều này ám chỉ rằng sẽ mất ít nhất 4 năm để khối tài sản HNW toàn cầu trở về mức năm 2019”.

3.100 tỷ USD tài sản của giới siêu giàu sẽ bị Covid-19 đánh bay trong năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh hoàng hôn tại khu vực kinh doanh Thượng Hải với nền kinh tế đang trong trạng thái hồi phục. Ảnh: AFP/Getty Images

Các dự đoán lớn đã được đưa ra trong tuần vừa qua. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng trong trường hợp khả quan nhất, nghĩa là không có làn sóng Covid-19 thứ hai, hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2020. Nếu có làn sóng thứ hai, OECD cảnh báo mức sụt giảm này sẽ còn đi xuống hơn nữa ở mức 7,6%.

Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, Laurence Boone cho biết, “Cả 2 kịch bản trên đều có khả năng xảy ra, bởi hoạt động kinh tế chưa và không thể trở về trạng thái bình thường trong các trường hợp này”. Bà nói thêm, “Vào cuối năm 2021, mức thiệt hại thu nhập sẽ vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong vòng 100 năm qua không tính thời chiến, với những hậu quả trầm trọng và lâu dài cho người dân, các doanh nghiệp và chính phủ".

Hai tốc độ phục hồi kinh tế

Tốc độ phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới cũng có nhiều điểm khác biệt, với Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ dẫn đầu.

OECD dự đoán GDP Trung Quốc sẽ giảm 2,7% trong năm 2020 nếu tránh được đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, sau đó sẽ tăng 4,5% vào năm tới. Hàn Quốc, được coi là một trong những quốc gia kiểm soát virus corona hiệu quả nhất, dự kiến sẽ giảm 1,2%, trước khi tăng 3,1% vào năm 2021.

Điều này hoàn toàn trái ngược với phương Tây. Mỹ dự kiến GDP giảm 7,3% trước khi phục hồi 4,1% vào năm tới. Cùng với đó, khu vực đồng tiền chung euro được dự đoán giảm 9,1%, tiếp theo đó phục hồi tăng trưởng ở mức 6,5%. OECD tin rằng nước Anh sẽ quốc gia chịu ảnh hưởng tệ nhất, với mức sụt giảm 11,5% năm nay, trước khi tăng 9% vào năm 2021.

Morgan Stanley và Oliver Wyman dự đoán điều này sẽ được phản ánh trong dòng chảy của khối tài sản HNW toàn cầu trong 5 năm tới. Họ cho rằng các quỹ quản lý tài sản AUM (Tài sản đang quản lý) sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với các thị trường phát triển truyền thống.

Ông Kai Upadek, đối tác của Oliver Wyman và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết  “Khi khối tài sản toàn cầu phục hồi từ những thiệt hại trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng triển vọng tăng trưởng của AUM sẽ dịch chuyển xa hơn các thị trường phát triển. Dù trong 5 năm trước khi Covid-19 ập đến, AUM công nghiệp tăng 7% thường niên tại các thị trường phát triển, chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng sẽ chậm lại ở 3-4% thường niên ở các thị trường này".

Oliver Wyman dự đoán Trung Quốc sẽ là người thắng cuộc nổi bật, với tăng trưởng AUM 12% trong vòng 5 năm tới. Châu Mỹ Latinh được dự đoán có AUM tăng trưởng nhanh thứ hai ở mức 8%, vượt qua các nước châu Á Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc ở mức 7%. So sánh với mức 4% tại Mỹ, 3% tại Tây Âu và Nhật Bản, điều này đã củng cố niềm tin vào một tương lai bình thường mới.

Theo Hoàng Hà

NDH

Trở lên trên