32 tuổi, cô gái lên kế hoạch tiết kiệm 700 triệu VNĐ/năm, mua 2 BĐS để nghỉ hưu ở tuổi 45
“Mình cần có 10 tỷ, 2 bất động sản bao gồm 1 cái ở thành phố, 1 cái để dưỡng già”, kế hoạch của cô gái 32 tuổi được đặt ra rất rõ ràng.
- 21-07-2022Tuổi 27 xây dựng 2 doanh nghiệp triệu USD từ con số 0: “Hãy tìm 1 kỹ năng mà bạn rất giỏi, biến nó thành dịch vụ hàng đầu rồi bán giá cao”
- 20-07-2022Hầu hết trẻ em lớn lên trong gia đình có đủ 3 điều này đều rất giỏi giang, thông minh: Giàu có hay không, không quan trọng
- 19-07-2022Ái nữ của đế chế Kering: Luôn muốn hoàn hảo, là người thừa kế tiềm năng nhưng chỉ thích sống giản đơn
Chia sẻ trong Podcast Có Tiền Làm Gì? với chủ đề “Liệu có thể nghỉ hưu sớm năm 45 tuổi với 10 tỷ trong tài khoản?”, khách mời Trà My đã nói về ước mơ nghỉ hưu sớm vào tuổi 45 của mình.
Là một người bình thường với ý niệm về tiền phi thường, Trà My đã bắt đầu lập kế hoạch độc lập tài chính từ năm 22 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học.
Đến nay, cô bước sang tuổi 32 với ý định sẽ sống 1 mình, không lấy chồng. Cô bạn cho rằng, để sống 1 mình, chăm sóc được cho bản thân, đầu tiên phải có tiền. “Mình càng muốn tự do, càng muốn hạnh phúc thì cần 1 công cụ cầu nối đó là tiền”, cô chia sẻ.
Đối với nhiều người, độc lập tài chính đơn giản là mong muốn được thoát khỏi áp lực công việc, về quê nghỉ dưỡng, hay có thời gian cho 1 chuyến du lịch vòng quanh thế giới.
Còn Trà My thì nhận định rất cụ thể: “Độc lập tài chính là đủ tài chính để lo cho mình, chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày sẽ có định mức khác nhau. Nhu cầu cơ bản của mình bao gồm ăn, ngủ, nghỉ. Sau đó là học tập, các mối quan hệ, du lịch hưởng thụ, các mối quan hệ gia đình. Nó sẽ thay đổi theo từng năm thậm chí từng tháng, tùy thời điểm, tỷ lệ cho những khoản mục này sẽ khác nhau”.
Do đó, Trà My đặt mục tiêu là có thể nghỉ hưu ở tuổi 45 với 10 tỷ đồng trong tay. Ban đầu, cô dự tính mỗi năm phải tích lũy được tối thiểu 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhận thấy sức khỏe đi xuống, cô thay đổi kế hoạch xuống còn 700 triệu đồng/năm. Năm nay ít thì năm sau có thể bù lại, đặt ra mục tiêu để bản thân có động lực hơn.
“Đôi lúc đặt ra mục tiêu không phải để có trọn vẹn nó mà chỉ để tạo động lực, đích đến. Nếu không lượng hóa đích đến thành con số rõ ràng, sẽ rất mơ hồ và mông lung, mình cũng rất dễ để đi trượt”, Trà My bày tỏ quan điểm của bản thân.
Để đạt được điều đó, trước năm 30 tuổi, cô đã tập trung phát triển “chiều rộng” của bản thân đó là làm những gì mình thích, không ngừng học hỏi và tiếp thu những điều mới. Những trải nghiệm này giúp cô xác định được cái nào là thế mạnh nhất của bản thân.
Hiện tại, thu nhập của cô gái 32 tuổi ít nhất là 50 triệu đồng, nhưng số tiền tiêu trong 1 tháng chỉ 20 triệu đồng. Thời điểm kiếm được nhiều nhất của cô nàng là trước dịch Covid-19, dao động 90-100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trà My cũng tiết lộ, kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình cũng cần có 2 bất động sản bao gồm 1 cái ở thành phố, 1 cái để dưỡng già. “Bây giờ, mình đã hoàn thành 1 trong 2 bất động sản ở thành phố mua vào năm 2020, giờ chỉ còn nợ vài ba trăm triệu đồng”, cô cho biết.
Khi đưa ra lời khuyên cho giới trẻ, cô bộc bạch: “Tuổi trẻ đừng chọn cuộc sống không có áp lực, mình thấy như vậy khá phí hoài với cuộc đời. Khi bạn không kiếm được tiền, không đủ năng lực, không có cơ hội, hoặc bạn chưa dám khổ để kiếm tiền thì mới nói tiền không quan trọng. Có áp lực kiếm tiền thì bản thân và gia đình mới có cuộc sống tốt hơn về sau”.
Cô bạn 32 tuổi 1 lần nữa nhấn mạnh quan điểm của bản thân, tiền không phải quan trọng nhất nhưng là phương tiện quan trọng nhất trong cuộc sống này. Từ phương tiện để đạt mục tiêu, duy trì cuộc sống, thể hiện tình cảm.
"Không nên đặt mục tiêu quá cứng nhắc, mà phải hiểu mình chi tiêu như thế nào. Bạn chỉ tự do tài chính khi bạn thỏa mãn với những gì bạn có. Bạn cảm thấy cuộc sống như vậy đủ rồi, vậy là bạn tự do tài chính thôi”, Trà My chia sẻ.
Nguồn ảnh: Cap màn hình