3,74 tỷ USD vốn FDI 'đổ' vào TP.HCM trong năm 2021
Tính đến ngày 20/12, TP.HCM thu hút vốn FDI đạt 3,74 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2020.
- 30-12-2021Mới: Đề xuất danh sách bệnh được hưởng BHXH một lần
- 30-12-2021Đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 giảm 1,6 lần do một dự án của PVN
- 30-12-2021Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 đạt gần 2.900 nghìn tỷ đồng, tăng mức thấp nhất nhiều năm
Điểm sáng FDI
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh nên tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế, bao gồm cả hoạt động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, điểm sáng là vốn đầu tư từ các dự án cấp mới và điều chỉnh năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tính từ ngày 1/1-20/12/2021, tổng vốn FDI vào TP.HCM là 3,74 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu chỉ tính riêng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư thì số vốn năm 2021 ở TP.HCM đạt 1,81 tỷ USD, tăng 53,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, TP.HCM cấp mới 633 dự án với vốn đăng ký đạt 686,6 triệu USD. Riêng cấp mới dự án Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&N Global vốn đăng ký đã đạt 101 triệu USD.
Cấp mới dự án FDI tuy giảm 33,4% về số giấy phép nhưng lại tăng 7,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Bình quân vốn đăng ký một dự án đạt 1,08 triệu USD (năm 2020 là 0,67 triệu USD).
Đáng chú ý, nguồn vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu ở 3 ngành là kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông và thương nghiệp. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản chiếm 31,2% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương là 214,1 triệu USD. Kế đến là thông tin và truyền thông chiếm 30,1%, vốn đăng ký là 206,6 triệu USD và thương nghiệp chiếm 17,9%, vốn đăng ký đạt 123,2 triệu USD.
Các quốc gia có tích cực đầu tư vào TP.HCM là Singapore 104 dự án, vốn 310 triệu USD (chiếm 45,2%); Hàn Quốc 80 dự án, vốn đầu tư 125,2 triệu USD (chiếm 18,2%); Hà Lan 20 dự án, vốn đăng ký 87,5 triệu USD (chiếm 12,7%); Nhật Bản 55 dự án, vốn đầu tư 71,4 triệu USD (chiếm 10,4%).
Theo hình thức đầu tư thì có 581 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 563,3 triệu USD; liên doanh có 52 dự án, vốn đăng ký là 123,4 triệu USD.
Bên cạnh đó, điều chỉnh vốn đầu tư ở TP.HCM có 178 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 1,125 tỷ USD. Có thể kể đến một số dự án có vốn điều chỉnh tăng cao là dự án của Công ty TNHH Nipro Việt Nam 270 triệu USD; Công ty TNHH Elanco Việt Nam 229,9 triệu USD; Công ty TNHH Jabil Việt Nam 100 triệu USD.
Điều chỉnh vốn đầu tư năm nay giảm 28,8% về số giấy phép, nhưng vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn tăng 414,1 triệu USD (chiếm 36,8% tổng vốn điều chỉnh); thương nghiệp là 378,3 triệu USD (chiếm 33,6%) và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là 214,2 triệu USD (chiếm 19,1%).
Nhật Bản là nhà đầu tư có vốn điều chỉnh cao nhất, với số vốn tăng là 281,9 triệu USD, chiếm 25,1%; Singapore đạt 263 triệu USD (chiếm 23,4%) và Hoa Kỳ với 237,1 triệu USD (chiếm 21,1%).
Ngoài ra, trong năm qua, TP.HCM có 2.289 trường hợp góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đạt 1,93 tỷ USD, giảm 39,4% về vốn so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/12, TP.HCM có 149 dự án chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động, với tổng vốn đầu tư là 152,4 triệu USD; 10.441 dự án còn hiệu lực hoạt động với vốn đăng ký là 49,47 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).
GRDP giảm sâu chưa từng có
Năm nay, trải qua “cơn bão” dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ đã ảnh hưởng sâu đến nền kinh tế TP.HCM. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành), giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 2,36% so với cùng kỳ năm. Riêng tháng 12, CPI tăng 1,24% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tất cả các thành phần cấu thành GRDP của TP.HCM đều giảm, gồm khu vực nông lâm thủy sản giảm 13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,43%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 14,3%... Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,7%, sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,8%.
Còn khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,4% GRDP của TP.HCM nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 822.592 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với GRDP, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong năm 2021 ở TP.HCM lại vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ, tương ứng 383.703 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 253.281 tỷ đồng, vượt 2% dự toán, giảm 0,9%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.400 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Việc thu ngân sách vượt kế hoạch chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán và từ tác động chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP.
“Tổng thu ngân sách gồm nhiều khoản thu trực tiếp, gián tiếp, như hoạt động sản xuất, thuế thu nhập chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân. Trong cơ cấu tổng thu ngân sách, có một số thành phần tính vào tăng trưởng GRDP như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt chứ không phải tất cả khoản thu”, đại diện Cục Thống kê TP.HCM lý giải việc GRDP giảm sâu nhưng thu ngân sách vượt kế hoạch.
Nhà đầu tư