MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

38.000 tỷ đồng - Nguồn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động

27-09-2021 - 07:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Dùng nguồn lực từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, là chính sách thực tiễn mà hiện nay các doanh nghiệp đang mong chờ.

Hỗ trợ đi vào thực tiễn

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có phiên họp bất thường về đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Do cả hai chính sách này đều chưa được quy định trong Luật Việc làm năm 2013, nên việc điều chỉnh chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

38.000 tỷ đồng - Nguồn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động - Ảnh 1.

Tổng trị giá gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp vào khoảng 38.000 tỷ đồng (ảnh minh hoạ)

Sau thảo luận, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 về hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 38.000 tỷ đồng.

Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ tiền mặt và các mức hỗ trợ khác nhau dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể. Thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2021-31/12/2021.

Tổng số tiền hỗ trợ tới người sử dụng lao động là khoảng 8.000 tỷ đồng, thông qua hình thức giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện 12 tháng, từ 01/10/2021-30/09/2022.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng cho biết, là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và cũng từng tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhìn chung quá trình tiếp cận các gói hỗ trợ còn khó khăn. Từ đó, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không mặn mà với hỗ trợ vì “mệt”, trong khi còn phải giải quyết các vấn đề nội tại như tiết giảm chi phí, quản lý đầu vào, đầu ra trong sản xuất, vận tải hàng hoá, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên,...

38.000 tỷ đồng - Nguồn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động - Ảnh 2.

Ông Vương Công Văn

Trong bối cảnh hiện nay, sẽ không ai có thể đưa ra được kế hoạch kinh doanh cụ thể, khi thị trường đang bị khoanh vùng, rời rạc, các nơi áp dụng Chỉ thị không đồng bộ và diễn biến dịch chưa thể đoán trước.

Ngoài ra, ví dụ về sự thiếu đồng bộ giữa các Bộ ngành đó là, tại một khu vực bị dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi hỏi cơ quan bảo hiểm về việc bị dừng như vậy thì có được miễn giảm tiền bảo hiểm không. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm trả lời chưa có hướng dẫn cụ thể, cho nên vẫn phải nộp đủ bảo hiểm trong khi công nhân không đi làm. Vì vậy, Nghị quyết 03/2021 của Quốc hội sẽ là những hỗ trợ rất thực tiễn đối với doanh nghiệp và người lao động, thay vì những hỗ trợ "trên bàn giấy" khó cho doanh nghiệp”, ông Văn nói.

Gỡ kết dư quỹ BHTN

Trước đó, 16 Hiệp hội, ngành nghề chủ lực gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tập thể về đề xuất giải quyết một số nội dung hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh, đã đề cập đến vấn đề hỗ trợ cụ thể và chi phí bảo hiểm.

Theo phản ánh của một công ty thủy sản, họ đang có mức thua lỗ trung bình là 10 tỷ đồng/tháng ngưng sản xuất. Còn trong ngành dệt may, một doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người với mức bình quân 2,5 triệu đồng/người, con số cũng lên tới 10 tỷ đồng.

38.000 tỷ đồng - Nguồn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt phản ánh các chi phí cho người lao động như tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí Công đoàn đang trở thành gánh nặng (ảnh: Internet)

"Hầu hết các ngành hàng của chúng tôi đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động như tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí Công đoàn là chi phi lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí trên vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc, khiến khó khăn càng chống chất, khó trụ vững dài ngày", các Hiệp hội, hội ngành nghề bày tỏ.

Trong tổng hợp báo cáo của các cấp công đoàn cả nước về tình hình người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân, lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.

Con số thống kê chỉ ra, có 44.554 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 51 tỉnh, thành. Trong khi đó, tổng số kết dư quỹ BHTN năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89.100 tỷ đồng. Vì vậy, LĐLĐVN đã kiến nghị tới Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bằng việc xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia BHTN từ 6 tháng trở lên, để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho họ.

Đến nay, việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia BHTN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hai chính sách nêu trên bảo đảm không bị trùng lặp về đối tượng hưởng với các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết. MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ báo cáo Quốc hội chính sách này tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên