4 cấp độ làm cha mẹ dạy nên những đứa trẻ giỏi giang hoặc bình thường: Sẵn sàng chi tiền cho con cái chỉ là ‘hạ sách’
Cha mẹ là người hướng dẫn con cái, nhưng không phải cha mẹ nào cũng hoàn toàn có đủ năng lực ngay từ đầu, thay vào đó, họ trưởng thành từng bước qua một thời gian dài rèn luyện.
- 25-11-2023Chuyên gia tâm lý nói: Có 1 thứ trong gia đình thường bị cha mẹ đánh giá thấp nhưng tác động tới con cái vô cùng lớn
- 24-11-2023Con than: "Mẹ ơi, con bị bạn cùng lớp đánh" - phản ứng sau đó của cha mẹ cứu rỗi cuộc đời cậu bé
- 24-11-2023Giáo sư nổi tiếng nói: Cha mẹ càng "nhẫn tâm" trong 4 khía cạnh này thì tương lai con cái càng rực rỡ
Một nghiên cứu cho thấy:
Trước khi trẻ đủ 18 tuổi, tác động của giáo dục nhà trường chiếm 30%, tác động của giáo dục xã hội chiếm 10% và 60% còn lại đến từ giáo dục gia đình.
Cha mẹ là người hướng dẫn con cái, nhưng không phải cha mẹ nào cũng hoàn toàn có đủ năng lực ngay từ đầu, thay vào đó, họ trưởng thành từng bước qua một thời gian dài rèn luyện.
Làm cha mẹ có 4 cấp độ. Bạn đang ở cấp độ nào?
01
Cấp độ 1: Sẵn sàng chi tiền cho con cái
Xu hướng đưa trẻ đi khám phá thế giới đang dần trở nên phổ biến.
Có người đưa con đi học ở những trường danh tiếng ở Anh, Mỹ. Một số đăng ký cho con tham gia các trại hè thể thao khác nhau, chẳng hạn như lướt sóng, chèo thuyền và khúc côn cầu. Có những người cùng con cái đi du lịch trong và ngoài nước, ghé thăm nhiều điểm tham quan nổi tiếng trên mạng...
Đằng sau tất cả những thứ đó là một mức giá có thể dễ dàng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu.
"Mức lương hàng tháng 60 triệu nhưng tôi vẫn không đủ khả năng chi trả cho kỳ nghỉ hè của con mình".
"Đưa con gái đi trại hè ngắn hạn ở nước ngoài, đồng nghĩa với phá sản."
Thế hệ cha mẹ hiện tại dường như là những người sẵn sàng chi tiền cho con cái nhất.
Đặc biệt khi nói đến giáo dục, con em mình phải là đứa trẻ tài năng ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng sự thiệt thòi của người khác. Vậy nhưng, kết quả đạt được thì ít, còn gánh nặng cho tài chính gia đình lại lớn biết bao.
Trong một bộ phim Ấn Độ có độ có tên "Cuộc chiến phụ huynh", cặp vợ chồng Meeta đã chi hết tiền để đưa con gái vào trường tiểu học tư thục, giúp con giành chiến thắng ở vạch xuất phát.
Đầu tiên, họ mua một căn nhà đắt tiền ở gần trường, sau đó tổ chức một bữa tiệc sang trọng tại nhà để con gái họ nhanh chóng kết bạn mới.
Để tham dự kỳ thi tuyển sinh, họ đã sắp xếp nhiều khóa bồi dưỡng tài năng cho con gái từ sáng đến tối, bản thân họ đồng thời cũng trải qua hàng loạt cuộc lột xác từ hình ảnh đến cách nói chuyện...
Nhưng kết quả là con trẻ thì kiệt sức, mất đi sự hồn nhiên và nụ cười, còn cha mẹ thì kiệt sức vì những chi phí không tên ngày càng tăng.
Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền cho việc học hành của con nhưng sự đóng góp về vật chất chỉ là mức độ hài lòng thấp nhất đối với con và nó không thể sánh bằng tình yêu thương.
Cha mẹ ở cấp độ thấp nhất chỉ coi trọng những đóng góp vật chất mà bỏ qua những nhu cầu tâm lý, tình cảm bên trong của con cái.
02
Cấp độ thứ hai: sẵn sàng dành thời gian cho con cái
Trong bộ phim truyền hình có tên "Kỳ thi quan trọng", cha mẹ của cô bé Văn bận kiếm tiền từ khi cô bé còn nhỏ nên họ để cô bé cho bà ngoại, vài năm mới về nhà một lần.
Do không được cha mẹ chăm sóc và đồng hành trong suốt một thời gian dài, Văn trở nên nhạy cảm và mong manh, một khoảng cách vô hình không thể vượt qua cũng nảy sinh giữa cô và cha mẹ.
Khi nhà có trộm, cô bé rất sợ, nhưng Văn thà nhờ ủy ban xóm giúp đỡ còn hơn là báo cho bố mẹ.
Khi bị bệnh sốt cao, cô bé cũng không mong nhận được sự chăm sóc của cha mẹ.
Những đứa trẻ khác được cha mẹ đi cùng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng cô bé phải đối mặt với nó một mình, kết quả là cô bị lũ lụt mắc kẹt ở nhà, suýt bỏ lỡ kỳ thi, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ của Văn thì luôn nghĩ rằng cố gắng tranh thủ kiếm thêm nhiều tiền rồi sẽ đón con về ở cùng. Nhưng họ đâu biết rằng đối với một đứa trẻ, ngôi nhà có sang trọng đến mấy cũng không thể so sánh được với việc có bố mẹ bên cạnh.
Những đứa trẻ thiếu cha mẹ đồng hành thời thơ ấu sẽ hình thành nên một "sa mạc cảm xúc" trong lòng.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong, vô cùng bận rộn với công việc ngày thường nhưng bà luôn cố gắng hết sức để dành thời gian cho các con. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn: "Khi hai đứa con của tôi còn nhỏ, chúng tôi chưa bao giờ thuê giúp việc. Tôi tự mình nấu nướng tất cả. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Bọn trẻ nên cảm thấy rằng mẹ đang chăm sóc chúng".
Sau khi hai con trai sang Anh du học, bà sẵn sàng từ bỏ vị trí quản lý, xin từ chức và chuyển về văn phòng ở London, chỉ để dành nhiều thời gian hơn cho các con.
Sự đồng hành và sự quan tâm đầy đủ sẽ mang lại cho trẻ nguồn năng lượng tích cực vô tận. Cả hai con trai của bà khi lớn lên đều rất thân thiết với bà, đều là những học sinh giỏi, đều tốt nghiệp Đại học Cambridge, một trường đại học danh tiếng.
Ở mọi giai đoạn phát triển của trẻ, vai trò của cha mẹ là không thể thay thế.
Sự ôm ấp và đáp lại khi chúng mới bập bẹ bắt đầu cuộc sống, sự chăm sóc và hướng dẫn trong thời thơ ấu cũng như sự khẳng định và hỗ trợ ở tuổi thiếu niên đều là nguồn gốc mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, hạnh phúc và tự tin.
Chỉ khi cha mẹ đầu tư thời gian và sức lực để thiết lập mối liên hệ tình cảm với con cái, họ mới có thể không ngừng nuôi dưỡng trái tim và mang lại cho chúng sự tự tin để vượt qua những trở ngại.
03
Cấp độ thứ ba: sẵn lòng học hỏi vì trẻ
Một nhà tâm lý học từng kể một câu chuyện như sau: Một cặp cha mẹ là nhạc sĩ hy vọng rằng con cái của họ có thể đạt được thành công về đàn nhị, vì vậy đã áp dụng phương pháp "giáo dục đánh đòn" truyền thống và nghiêm ngặt với các con ngay từ khi chúng còn nhỏ.
Thời gian trôi qua, cậu con trai ngày càng cảm thấy chán ghét việc chơi đàn nhị và nói rằng cả đời cũng không bao giờ muốn chạm vào nó nữa.
Cô con gái mặc dù không từ bỏ việc chơi đàn nhị nhưng cô bé lại nảy sinh tâm lý đối đầu sâu sắc đối với cha mẹ và cắt đứt liên lạc với họ.
Trong một cuốn sách có tên "Nuôi dạy con kiểu Trung Quốc mới", có viết: Trên đời này có hai kiểu cha mẹ. Một kiểu là "giáo dục kế thừa", họ sử dụng một loạt các phương pháp giáo dục mà họ đã nhận được trong quá khứ để giáo dục con cái, nếu con họ học không tốt, họ cũng sẽ chỉ nghĩ rằng giáo dục truyền thống không có vấn đề gì, và rằng vấn đề nằm ở đứa trẻ. Kiểu còn lại là "kiểu học", họ sẽ tìm tòi những phương pháp giáo dục bắt kịp thời đại, nếu con cái làm không tốt thì họ sẽ suy ngẫm và tìm ra cách giáo dục con phù hợp hơn.
Dịch Qua, một tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh, bị điểm kém nghiêm trọng khi còn học trung học cơ sở vì nghiện chơi game.
Thấy con như vậy nhưng cha anh không đánh đập hay ép buộc anh, thay vào đó, ông bắt đầu suy ngẫm về phương pháp giáo dục của chính mình. Ông chủ động tìm hiểu kiến thức giáo dục, cách hướng dẫn con, đồng thời ghi chép cẩn thận và chia sẻ những gì học được hôm nay với con trai trước khi đi ngủ.
Khi con trai ông gặp nhiều áp lực trong học tập, tâm trạng không tốt, ông dùng những kiến thức đã học để giúp con điều chỉnh. Để việc giáo dục thuyết phục hơn, ông quy định cả gia đình cùng nhau cắt Internet và TV, thay vào đó cùng các con đọc sách ngoài trời.
Với nỗ lực của cha mình, Dịch Ca đã bỏ chứng nghiện Internet và thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh, ngôi trường hàng đầu tại đất nước tỷ dân.
Có người từng nói: Không phải cứ trở thành cha mẹ là có đủ tư cách làm cha mẹ, nuôi dạy con cái là một "nghề" lớn cần phải học tập và trau dồi suốt đời.
Hành trình giáo dục trẻ em cũng giống như việc tưới nước cho một cái cây nhỏ.
Muốn cho con mình được nuôi dưỡng với năng lượng tích cực vô tận, bản thân cha mẹ cũng cần phải có một nguồn nước sống vô tận.
Và suối nước sống này đến từ sự học hỏi không ngừng của cha mẹ.
Nếu cha mẹ sẵn sàng liên tục tổng hợp kinh nghiệm, suy ngẫm về bản thân và cập nhật kịp thời các phương thức giáo dục của mình trong quá trình nuôi dạy con cái, thì xin chúc mừng, bạn đã đạt đến cấp độ làm cha mẹ thứ ba.
04
Cấp độ 4: Sẵn sàng thay đổi vì con
Con cái như một tấm gương, phản chiếu cái bóng của cha mẹ.
Khi con gặp vấn đề, nhiều bậc cha mẹ thích đổ lỗi cho con và buộc con phải thay đổi.
Nhưng những bậc cha mẹ thực sự tuyệt vời là những người sẵn sàng thay đổi bản thân, thậm chí biến mình thành sách giáo khoa cho con.
Trong bộ phim tài liệu "Lần thứ hai trong đời" của Trung Quốc, nhân vật Phương, 42 tuổi, rời nhà sau khi tốt nghiệp trung học và đi làm ở bên ngoài. Con trai cô chuẩn bị tới tuổi học trung học cơ sở, để con trai tiếp tục học ở Thâm Quyến, cô đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ - định cư ở Thâm Quyến bằng cách lấy bằng cử nhân.
Mấy chục năm không đụng tới sách vở, lấy được bằng cử nhân không phải dễ. Ngày nào cô cũng bận rộn, ban ngày vất vả, tối về nhà phải làm việc nhà và cùng con trai làm bài tập. Phải đến tận đêm khuya, khi mọi người trong nhà đã ngủ say, cô mới có thời gian ngồi bên bàn ăn tối lờ mờ, chăm chú nghe video bài học và ghi chép cẩn thận. Bằng cách này, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Phương không chỉ đỗ đại học tại Đại học Sơn Đông mà còn trở thành "trưởng phòng".
Dưới ảnh hưởng của người mẹ hằng ngày thức khuya để học tập, cậu con trai vốn từng nghịch ngợm, tinh nghịch của cô cũng bị ảnh hưởng sâu sắc và chuyên tâm vào việc học.
Hàng đêm, hai mẹ con động viên nhau tại bàn làm việc và cùng nhau hướng tới lý tưởng của mình.
Chuyên gia giáo dục Sissy Goff từng nói: "Lý do chúng ta trở thành cha mẹ không phải để viết nên cuộc đời của con cái mà là để thanh lọc tâm hồn và cho phép chúng ta thay đổi bản thân hoàn toàn."
Bản chất của việc giáo dục trẻ em là quá trình tự giáo dục của cha mẹ.
Khi cha mẹ dám vượt qua chính mình và sống cuộc sống tuyệt vời của riêng mình, họ sẽ tự nhiên trở thành ánh sáng rực rỡ soi đường cho cuộc đời con cái, dẫn dắt chúng tiến về phía trước.
Đằng sau mỗi đứa trẻ xuất sắc không phải là sự ngẫu nhiên mà là thành quả lao động không ngừng nghỉ, là sự dụng tâm của mỗi bậc cha mẹ.
Cùng nhìn nhận lại xem bạn đang ở đâu và sau đó hướng tới việc trở thành những người cha người mẹ tốt hơn.
Đời sống và pháp luật