4 dấu hiệu chứng tỏ cha mẹ đang quá nghiêm khắc với con
Làm bạn với con sẽ giúp cuộc sống của cả gia đình trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn là áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con cái.
- 16-10-20226 người con có 5 người vào Harvard, 1 người đỗ đạt Yale, bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm dạy con đặc biệt: Chú ý đến giai đoạn tiểu học
- 13-10-2022Quách Phú Thành áp dụng cách này để dạy con
- 12-10-2022Người mẹ từ chối cho bạn mượn 60 triệu đồng và bài học dạy con đáng suy ngẫm
Những đứa trẻ thường nhạy cảm và suy nghĩ nhiều hơn người lớn chúng ta tưởng. Có nhiều sự việc bạn cho rằng bình thường, phải nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan nhưng lại không biết rằng điều này âm thầm tạo ra sự dồn nén trong tâm hồn non nớt của con. Dù có nghiêm khắc tới đâu thì bố mẹ cũng nên hiểu rằng làm bạn với con mới là điều khó nhất trên hành trình làm cha mẹ.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang quá khắt khe với con cái, nên thay đổi điều đó để cuộc sống của bản thân trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn nhé.
1. Bạn ra quyết định cho mọi vấn đề liên quan tới con
Dù con còn nhỏ nhưng khi trẻ đã có thể hiểu lời người lớn nói, bạn nên hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ về câu chuyện đã làm tổn thương lòng tự trọng của con như sau: một người bạn tới nhà chơi và rất thích chiếc ô tô của con trai, người mẹ thấy vậy nên đã tặng luôn cho bé đó mà không hề hỏi ý kiến con mình. Tới lúc cậu bé phát hiện đã vô cùng tổn thương, và dù mẹ đã nói rằng sẽ mua cho rất nhiều ô tô khác nhưng cậu con trai vẫn buồn bã.
Lý do là vì chiếc ô tô là món quà kỷ niệm mà ông nội mua cho, cậu bé đã giữ gìn nó rất lâu rồi. Đáng lẽ người mẹ nên hỏi ý kiến con trước khi đưa cho người khác như vậy. Từ câu chuyện này có thể rút ra bài học là, bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân vào con cái, hãy hỏi ý kiến của con với các vấn đề có liên quan trực tiếp đến bé.
Hơn nữa, nếu cha mẹ lấy uy quyền để làm vậy thì sau này các bé cũng sẽ có xu hướng đối xử với những người khác như thế. Đó là điều bạn không hề muốn đúng không nào?
2. Quá cứng nhắc đối với các quy tắc
Rõ ràng quy tắc đặt ra để thực hiện và giúp con giữ kỷ luật trong cuộc sống. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, nếu con làm sai, bố mẹ nên hỏi bé nguyên nhân và nới lỏng quy tắc để tốt hơn cho con. Ví dụ như, theo quy định, 18h là thời gian bố mẹ đón con ở cổng trường, và con phải đứng ở nhà gửi xe để mẹ không phải mất thời gian tìm kiếm.
Tuy nhiên hôm đó, người mẹ đã đợi 5 phút mà vẫn không thấy con đâu. Chị bực tức cho rằng con không nghe lời nên đã đi về, để mặc con ở trường với mục đích cho bé một bài học nhớ đời. Sau đó, người con trai may mắn được bác hàng xóm đưa về và giải thích với mẹ "Do con gặp một bạn bị hỏng xe nên con đã giúp đỡ bạn đó sửa, vì thế mà mẹ đến không thấy con. Con đã cố chạy ra nhưng lại không thấy mẹ, con xin lỗi".
Nghe lời giải thích của con trai, bà mẹ cảm thấy áy náy và từ đó chị cảm thấy cần phải nới lỏng những quy tắc của bản thân nếu con có lý do chính đáng.
3. Chỉ khen thưởng cho kết quả mà bỏ qua nỗ lực
Bạn ra điều kiện với con là nếu được điểm 10 mẹ sẽ thưởng. Thế nhưng cả một thời gian sau đó, cậu con trai luôn ở trong tình trạng chỉ được điểm 8, 9 và luôn buồn vì không bao giờ có cơ hội nhận phần thưởng của mẹ. Ngày nào bé cũng cố gắng tuy nhiên vẫn bị mẹ mắng mỏ không thương tiếc. Cho đến một ngày, chị đọc được nhật ký của con.
"Bài dạo này rất khó nên dù mình đã cố gắng mà vẫn không được điểm 10, mình rất buồn vì mình đã thức đêm để học bài mà kết quả vẫn không được như ý muốn. Mong một ngày mẹ hiểu mình đã nỗ lực rất nhiều", cậu bé viết. Đôi khi, những bậc phụ huynh quá chú trọng đến kết quả mà lờ đi những gì con cố gắng, đó là điều vô cùng thiệt thòi cho các con.
4. Chì chiết lỗi lầm của con dù bé đã sửa đổi
Khi con đã nhận ra lỗi lầm, hứa sẽ không lặp lại thì cha mẹ nên dừng, không nên nhấn thêm vào sai lầm của con nữa. Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để ''thách thức'' người lớn.
Bên cạnh đó, câu chuyện nên được giải quyết luôn và nếu đã xong thì không nên nhắc lại. Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.
Phụ nữ Việt Nam