MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 điều ước của chồng hoa hậu Thu Thảo trước khi gánh trên vai khối tài sản nghìn tỷ

18-01-2018 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Ở góc độ là những người nhận chuyển giao, các CEO trẻ thế hệ F2 cũng có những trăn trở không hề kém thế hệ cha anh mình.

Khoảng trống người kế nghiệp

Kinh tế gia đình vốn là hình thức kinh doanh lâu đời nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Kinh tế gia đình xuất hiện rộng khắp từ các cửa hàng góc phố cho tới những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh toàn cầu.

Mô hình công ty gia đình hiện đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu của đại học Cambridge ở Mỹ có 90% công ty thuộc sở hữu gia đình, tại Đức là 85%. Tại Pháp và Canada, các công ty này tạo ra 75% việc làm cho nền kinh tế. Những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Huyndai, Estée Lauder,…đều là các công ty gia đình.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, những thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi đóng góp cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác gần 50% GDP cả nước. Cùng với đó những thương hiệu gia đình danh tiếng của Việt Nam như Minh Long, Thành Thành Công, Thép Việt-Pomina, Kinh Đô, Biti’s,… ra đời và ghi dấu ấn không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới.

Tuy nhiên một vấn đề các doanh nghiệp gia đình đang gặp phải chính là bài toán người kế nghiệp. Không lớn đến mức lớn mạnh như các doanh nghiệp trên nhưng bà Khổng Thị Minh, người sáng lập thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương ở tuổi 60 vẫn một mình điều hành mọi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp của bà hàng năm có doanh thu 800 tỷ và được rất nhiều người thu nhập thấp tin dùng.

Trong 1 lần trả lời phỏng vấn với chúng tôi, nữ doanh nhân này cũng từng ngậm ngùi chia sẻ khi 3 người con của mình gồm con trai, con gái và con dâu đều không đam mê nghề này, cũng như không muốn theo nghề của mẹ. Điều này làm bà rất buồn.

Cũng có những doanh nghiệp đã tìm ra được thế hệ kế nghiệp và quá trình chuyển giao gần như suôn sẻ như tập đoàn Trung Thuỷ, ngân hàng ACB hay Seabank. Tuy nhiên ở góc độ là những người nhận chuyển giao, các CEO trẻ thế hệ F2 cũng có những trăn trở không hề kém thế hệ cha anh mình.

Thế hệ trước cần chuẩn bị gì trước khi chuyển giao lại cho thế hệ tiếp theo?

4 điều ước của chồng hoa hậu Thu Thảo trước khi gánh trên vai khối tài sản nghìn tỷ - Ảnh 1.

Đây là câu hỏi được đặt ra với CEO tập đoàn Trung Thủy, Nguyễn Trung Tín tại một phiên thảo luận giữa các thế hệ doanh nhân trẻ được chuyển giao doanh nghiệp gia đình. Theo CEO Tập đoàn Trung Thủy, Nguyễn Trung Tín, bản thân anh có 3 điều ước nếu như được quay lại, được tư vấn ngược lại cho thế hệ F1 nên chuẩn bị như thế nào.

Điều ước thứ 1 là cần xác định rõ vì sao cần chuyển giao? Theo anh, chuyển giao vì thế hệ F1 cảm thấy thế hệ F2 có thể phát triển doanh nghiệp lớn hơn nữa hay chỉ đơn thuần là muốn về hưu. Hai lý do này hoàn toàn khác nhau.

Điều ước thứ 2 là muốn chuyển giao cho người bên trong hay người bên ngoài? Bước chuẩn bị đó cần phải xác định được nhân tố bên trong là con cái, cháu của mình họ có tiềm lực gì, quan trọng nhất là đam mê gì? Đam mê đó có phù hợp với tổ chức không? Nếu đam mê đó không phù hợp thì việc chuyển giao đó chưa chắc đã phù hợp.

Điều ước thứ 3 là nếu người chuyển giao là người bên trong nhà, người trong gia đình thì cần còn kế hoạch chuyển giao từng phần như thế nào, từng giai đoạn. Khi đã chuyển giao rồi, thì theo cách nói vui của CEO Trung Tín "xin làm ơn" cho họ cơ hội thử thách chính mình, phạm sai lầm trong những công việc của mình. Được bảo vệ những quyết định đó, sai lầm đó trước hội đồng quản trị và được cơ hội sửa sai bởi ai cũng như vậy.

Bước cuối cùng thấy được quá trình chuyển giao từng phần tốt thì từng giai đoạn có những buổi tổng kết lại điều gì tốt, điều gì chưa tốt. Nếu cảm thấy buổi tổng kết đó không tốt có những mâu thuẫn thì lúc đó một lần nữa cần cân nhắc sự chuyển giao này có phù hợp hay không.

Nói thêm về CEO Trung Tín, anh cũng là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh năm 2015.

Mặc dù là con cả của vợ chồng nhà sáng lập Dương Thanh Thủy nhưng Trung Tín không nghiễm nhiên ngồi vào ghế CEO sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne, Úc và về nước vào năm 2011.

Vị doanh nhân sinh năm 1987 này bắt đầu làm việc từ vị trí nhân viên marketing tập sự tại tập đoàn của gia đình rồi tự khởi nghiệp riêng bằng việc vay 10 tỷ đồng mở Sin Ultra Lounge - một mô hình F&B thành công sau 1 năm và hoàn trả được cả vốn, lãi và tiền thuê mặt bằng khoảng 13 tỷ đồng.

Sau thành công của Sin Lounge, Tín tiếp tục mở Ace Night - club theo phong cách hiện đại vào năm 2013. Đến cuối năm 2014, anh mở nhà hàng Mama chuyên kinh doanh ẩm thực Thái Lan. Bình quân 3 dự án này đón hơn 100 khách mỗi ngày và 700-800 khách dịp cuối tuần. Ngoài ra, Tín còn mở thêm công ty Hush Creative chuyên về thiết kế nội thất, marketing và tổ chức sự kiện.

Nhờ chứng minh được năng lực thực sự nên Tín được cử vào vị trí CEO thay cho bố vào năm 2014. Bà Dương Thanh Thủy, người sáng lập tập đoàn Trung Thủy từng chia sẻ đầy phấn khích về việc kế nghiệp của con trai: "Hạnh phúc nhất của gia đình tôi là đã có người kế nghiệp đầy tâm huyết. Đầu năm 2014, khi bước sang tuổi 53, tôi chính thức giao trọng trách đứng đầu tập đoàn cho cậu con trai lớn Nguyễn Trung Tín từng du học ở Úc về sau 2 năm nhìn thấy những thành quả của cháu trong kinh doanh cũng như cách đối nhân xử thế với mọi người.

Điều may mắn của gia đình tôi là cháu không có những suy nghĩ như những công tử nhà giàu, chỉ biết dựa vào tiền bạc, thế lực của gia đình để tự thỏa mãn bản thân. Cháu luôn nhớ lời nhắn nhủ của mẹ "chưa kiếm được 1 đồng thì đừng bao giờ nghĩ đến việc kiếm 10 đồng", tiền phải kiếm được bằng chính sức lao động và trong danh dự."

Theo Thu Thúy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên