4 dự án đầu tư về năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD đã được ký kết
4 dự án được ký kết tại Diễn đàn bao gồm: dự án nhà máy điện khí tại Cà Ná - tỉnh Ninh Thuận, dự án phát triển nhà máy điện khí tại Khu kinh tế Chân Mây - tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn – tỉnh Bình Thuận, hợp tác thu xếp tài trợ giữa TPBank – Bamboo Capital…
- 22-07-2020Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần huy động 7-10 tỷ USD mỗi năm để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững
- 22-07-2020Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Độc quyền nhà nước còn cao, chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường
- 16-07-2020Năng lượng tái tạo: Xu thế bắt buộc cho an ninh năng lượng quốc gia
Sáng nay, 22/8, tại Diễn đàn cấp cao về phát triển Năng lượng Quốc gia 2020 đã diễn ra cùng lúc 5 hoạt động ký kết đầu tư giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, khu vực cũng như thế giới.
Nổi bật nhất trong đó chính là dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
Theo đó, Tập đoàn Copenhagen Infrashtructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận.
Là nhà đầu tư và phát triển dự án hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi, Copenhagen Infrashtructure Partners đã huy động được hơn 10 tỷ USD từ các quỹ chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả Quỹ thị trường Mới I, được kỳ vọng sẽ trở thành quỹ dành cho các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ thị trường Mới I, CIP đặc biệt hướng vào các nền kinh tế mới đang phát triển nhanh, mà trọng tâm hiện tại chính là thị trường Việt Nam.
Với công suất tiềm năng lên đến 3,5GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
"Các phát hiện từ các dự án hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, thì Việt Nam có đến 160GW tiềm năng điện gió ngoài khơi có thể khai thác. Điều này đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong danh sách các thị trường điện gió ngoài khơi tiềm năng.
Việt Nam sẽ cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các nước khác để có thể gặt hái được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại. 30 năm trước, vào năm 1991, Đan Mạch đã phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới và chúng tôi tự hào là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Chúng tôi mong muốn tiếp tục được chia sẻ những kiến thức, bí quyết và công nghệ tiên tiến của chúng tôi với Viẹt Nam để hỗ trợ các bạn trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với chi phí hiệu quả nhất", ông Kim Hojlund Christensen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ.
"CIP là tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á – Thái Bình Dương với các dự án tại Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Đội ngũ của CIP bao gồm những chuyên gia điện gió ngoài khơi có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhất trong ngành với những hiểu biết sâu sắc trong chuỗi cung ứng.
Với dự án này, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác địa phương để biến dự án này trở thành một hình mẫu của dự án chuyển giao công nghệ thành công song song với việc sử dụng tối đa các nguồn lực và chuyên môn tại địa phương", ông Michael Hannibal – thành viên sáng lập CIP cho biết.
Với chi phí vốn lên đến 10 tỷ USD, dự án dược kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho tỉnh Bình Thuận và Việt Nam. Sự thành công hợp tác giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và Bình Thuận trong dự án này cũng có thể sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Gây ấn tượng không kém là dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây với tổng số tiền đầu tư tầm 6 tỷ USD.
Dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây đã được đầu tư và phát triển bởi Công ty CP Chân Mây LNG tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng công suất thiết kế 4.000MW, dự kiến khởi công vào Quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn I vào năm 2024 như một Nhà máy sản xuất điện tư nhân (IPP) với vốn chủ sở hữu cụ thể: 60% Mỹ và 40% Việt Nam.
Khi đưa vào hoạt động, hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình từ 24 đến 25kWh.
Đồng hành cùng dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho các dự án đầu tư tư nhân của công dân Mỹ ở nước ngoài, cùng các đối tác hàng đầu thế giới về tài chính, công nghệ, vận hành, cung cấp khí (nguồn được đảm bảo từ Hoa Kỳ) và quản trị doanh nghiệp: U.S Development Finance Corporation, U.S.Asia EDGE, Ngân hàng thế giới, U.S EXIM Bank, GE Gas Power…
Ông John Rockhold - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chân Mây LNG từng khẳng định hiện nay công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy.
Dự án với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 6 tỷ USD, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá cho ngành năng lượng trong nước, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam – Mỹ.
Tiếp theo là dự án điện khí tại Cà Ná - tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư tầm 3,85 tỷ USD.
Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Trung Nam và tỉnh Ninh Thuận đã ký MOU về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án điện khí tại Cà Ná. Đây có thể xem là một thông tin bất ngờ, vì trong khi 2 dự án phía trên đã có thông tin bị rò rỉ trước đó, thì dự án này không hề có bất cứ thông tin gì trên internet.
Trung Nam hiện là một trong những nhà đầu tư số 1 Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, theo BXH VCE10. Hiện doanh nghiệp này hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là điện gió – 151,95MW, điện mặt trời – 794MW và thủy điện 118MW. Các dự án năng lượng của họ chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Ninh Thuận.
Dự án lớn nhất của Trung Nam có thể kể đến tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam tại xã Bắc Phong - tỉnh Ninh Thuận. Đây được xem là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên của Việt Nam với công suất 204 MW điện mặt trời và 151.95 MW điện gió được hòa lưới trong năm 2019.
Đại diện TPBank và Bamboo Capital đang tiến hành ký kết hợp tác rót vốn.
Một dự án hợp tác quan trọng khác là giữa TPBank và Bamboo Capital. Theo đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã thu xếp tài trợ 11.000 tỷ đồng (khoảng 479 triệu USD) cho các dự án năng lượng Bamboo Capital. Theo kế hoạch, 8.000 tỷ trong đó sẽ đổ và các dự án điện gió, 3.000 tỷ đồng rót cho dự án điện mặt trời ở Bình Định và 1.000 tỷ đồng khác cho các dự án điện mặt trời khác.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Bamboo Capital đã chính thức khởi công dự án xây dựng và phát triển nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ - tỉnh Bình Định.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng, diện tích 380ha và tổng công suất thiết kế 330MW; cho tới thời điểm này, Phù Mỹ là dự án nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Định. Dự án Phù Mỹ sẽ được chia thành ba nhà máy với công suất lần lượt là: 120MW, 110MW và 100MW.
Cuối cùng là hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước như Vietsovpetro/PVC MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió.
Hợp tác đầu tiên của 3 ‘ông lớn’ trong ngành năng lượng Việt Nam và Đông Nam Á chính là Thăng Long Wind – dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà – tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự án này sẽ có 6 giai đoạn, tổng công suất dự án khoảng 3.400MW.
Nếu Vietsovpetro là doanh nghiệp đầu ngành dầu khí Việt Nam với bề dầy truyền thống và kinh nghiệm trong thăm dò khai thác dầu khí, thì Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC – MS) là một trong những nhà thầu chủ lực chuyên ngành thiết kế, lắp dựng cho các chân đế, giàn khoan và hệ thống kết cấu kim loại của các công trình trên biển.
Không kể ký kết hợp tác cuối cùng, 4 dự án đầu tư kể trên có tổng vốn khoảng hơn 20 tỷ USD.
Trí thức trẻ