MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 giải pháp trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm

06-08-2016 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2016 và đưa ra các giải pháp điều hành trọng tâm trong những tháng cuối năm.

Theo đó, trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết, sẽ bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát. Trong đó, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay;

Thứ hai, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thứ ba, tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân TPCP để chủ động, kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên