MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 kiểu 'nỗ lực giả tạo' của trẻ: Tưởng học tập chăm chỉ nhưng chẳng mang lại hiệu quả

16-02-2023 - 11:27 AM | Sống

'Nỗ lực giả tạo' nếu không được nhận biết kịp thời và khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ.

Nhiều đứa trẻ học tập rất chăm chỉ, dành nhiều thời gian làm bài tập, đi học thêm khắp nơi nhưng điểm số vẫn lẹt đẹt. Ngược lại, có những trẻ học rất ít nhưng vẫn đứng top đầu của lớp, đỗ vào ngôi trường danh giá. Có bao giờ các bậc phụ huynh đặt câu hỏi vì sao tình trạng trên lại xuất hiện?

Nỗ lực thực sự không nằm ở việc trẻ dành nhiều thời gian cho việc học mà là tìm ra phương pháp phù hợp. Trẻ phải biết cách loại bỏ được phiền nhiễu để học tập chủ động và hiệu quả. Để việc học trở nên hiệu quả, trẻ cần tránh 4 kiểu "nỗ lực giả tạo" sau.

1. Thức đến khuya để học bài

Nhiều đứa trẻ thường thức khuya học bài. Sau khi tự học buổi tối, trẻ lại tiếp tục học đến 1-2 giờ sáng. Trẻ có thể ngồi liền hàng giờ để học nhưng hiệu quả tập trung không cao. Có thể trẻ chỉ bật đèn ngồi đọc truyện, sử dụng điện thoại hoặc làm những việc không liên quan đến học bài…

Trong đầu trẻ xuất hiện suy nghĩ: "Mình đã rất chăm chỉ học bài. Mình thức đến đêm muộn sẽ học được nhiều kiến thức hơn các bạn khác". Nhưng thực ra, đây chính là kiểu "nỗ lực giả tạo". Bởi dù trẻ kéo dài thời gian học nhưng không tập trung thì hiệu quả cũng rất thấp. Và hậu quả là ngày mai đến lớp, trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, không sẵn sàng tiếp thu bài học mới.

4 kiểu nỗ lực giả tạo của trẻ: Tưởng học tập chăm chỉ nhưng chẳng mang lại hiệu quả - Ảnh 1.

Không phải cứ dành nhiều thời gian học sẽ đem lại hiệu quả cao. (Ảnh minh họa)

2. Trình bày rất đẹp trong vở

Nhiều học sinh đặc biệt chú ý đến việc ghi chép. Trẻ mua những cuốn vở đẹp, chuẩn bị nhiều bút màu để đánh dấu nội dung chính. Thoáng nhìn có vẻ thấy trẻ ham học, là người cẩn thận. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cuốn vở của trẻ rất khó đọc, rối rắm bởi có quá nhiều sắc màu.

Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng: Vở, bút viết, bút dạ màu chỉ là công cụ phục vụ. Còn mục đích quan trọng là phải ghi nhớ bài học. Dù trẻ có trình bày đẹp đến đâu nhưng không hiểu bài thì việc ghi chép cũng là vô dụng.

3. Chuẩn bị chu đáo đồ cẩn thận trước khi học

Trước mỗi buổi học, nhiều đứa trẻ có thói quen chuẩn bị kỹ lưỡng đồ dùng học tập, nước uống và có cả tai nghe để chống tiếng ồn. Thậm chí, trẻ còn chuẩn bị cả trà uống và đồ ăn.

Thoáng nghe tưởng chừng trẻ rất chăm học, có thái độ học tập nghiêm túc. Nhưng việc chuẩn bị quá kỹ khiến trẻ mất nhiều thời gian và dễ bị phân tâm khi học bài. Chẳng hạn việc trẻ vừa nghe nhạc vừa học sẽ khiến độ tập trung bị giảm.

4. Mua nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc

Nhiều trẻ rơi vào tình trạng "nỗ lực ảo". Trẻ đòi cha mẹ mua rất nhiều sách hay hay tải tài liệu về máy tính nhưng chẳng bao giờ mở ra học hoặc xem lại. Nhiều em tự đặt mục tiêu cho mình phải đọc sách, làm việc nhà nhưng thay vì bắt tay thực hiện thì bản thân lại dành thời gian để lướt mạng xã hội, đi chơi, xem phim hoặc nhắn tin.

Nhiều trẻ cảm thấy sự bất thường khi mọi hoạt động đều trở nên trì trệ và không có mục tiêu nào đề ra được hoàn thành. Trẻ tự trách móc bản thân, suy nghĩ tiêu cực rồi lại rơi vào vòng tròn luẩn quẩn. Cuối cùng, mục tiêu đọc 15 trang sách/ngày, đọc 1 cuốn sách/1 tuần bị rơi vào quên lãng.

4 kiểu nỗ lực giả tạo của trẻ: Tưởng học tập chăm chỉ nhưng chẳng mang lại hiệu quả - Ảnh 2.

Nếu cha mẹ thấy con mình đang rơi vào trình trạng "nỗ lực ảo" thì hãy giúp con khắc phục bằng các biện pháp như:

- Lập kế hoạch hợp lý:

Phần lớn trẻ không cân đối được giữa các môn học. Cha mẹ nên cùng với trẻ lên kế hoạch học tập, phân bổ thời gian hợp lý và có mục tiêu rõ ràng. Trẻ cần dành nhiều thời gian hơn cho những môn yếu, tìm ra phương pháp tốt để bứt phá môn còn yếu.

- Giúp trẻ hiểu việc học cho mình chứ không phải học cho người khác:

Trẻ không thích học, không hứng thú học vì thường bị cha mẹ bắt ép, thúc giục. Điều này khiến nhiều trẻ hình thành suy nghĩ học để cha mẹ hài lòng. Như vậy, trẻ sẽ học theo cách bị gượng ép, tâm trạng luôn cảm thấy mệt mỏi, áp lực.

Nhưng nếu cha mẹ giúp trẻ hiểu việc học cho bản thân chứ không phải học cho người khác và tạo hứng thú thì trẻ sẽ có suy nghĩ khác. Lúc này, trẻ trở nên nỗ lực phấn đấu và tự giác hơn.

- Kiểm tra để thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ:

Cha mẹ phải là "trợ thủ đắc lực" cho việc học của con. Không nhất thiết phải đồng hành trong cả quá trình, tốt nhất cha mẹ nên kiểm tra, giám sát kịp thời để biết trẻ có thực sự tiếp thu bài học hay không.

Cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để xem sách bài tập và đề thi của trẻ, tìm hiểu vấn đề hiện tại và trao đổi thường xuyên với giáo viên. Đừng nghĩ rằng con dành nhiều thời gian cho việc học mỗi ngày là tiếp thu được bài học và có thành tích vượt trội.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên