MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 lời khuyên về tiền bạc chẳng ai muốn nghe nhưng thực tế lại giúp bạn trở nên giàu có

05-09-2021 - 01:20 AM | Sống

Thực tế chúng lại có vai trò quan trọng đối với tình hình tài chính của bạn về lâu về dài.

Có một số lời khuyên về tiền bạc mà dường như không ai muốn nghe và làm theo. Tuy nhiên chúng lại có vai trò quan trọng đối với tình hình tài chính cá nhân về lâu về dài, giúp bạn có thể ổn định tài chính thậm chí là trở nên giàu có.

1. Bạn cần có một ngân sách rõ ràng

Michael Kelly, một nhà hoạch định tài chính, người sáng lập Switchback Financial cho biết mọi người thường ghét nghe lời khuyên rằng họ cần có kế hoạch chi tiêu. “Hai từ ngân sách giống như những chiếc đinh đóng trên bảng đen, tâm trí mọi người lập tức nhảy đến những hạn chế của việc lập ngân sách. Họ khó chịu khi cho rằng mình phải sống một cuộc sống gò bó và nhàm chán trong khuôn khổ ngân sách ấy”, Kelly nói.

Thực tế thì lập ngân sách là một yếu tố cốt lõi để đảm bảo tài chính được ổn định. Nó không hề kìm hãm, gò bó cuộc sống của bạn, gây tốn thời gian hay khó khăn để thiết lập. Để mọi thứ dễ dàng hơn, bạn hãy tự động hóa việc chi trả các hóa đơn và thử nghiệm những phương pháp lập ngân sách đơn giản.

Lập ngân sách là một phương pháp quản lý chi tiêu có chủ đích, giúp cân bằng cuộc sống hiện tại và và tiết kiệm cho tương lai.

4 lời khuyên về tiền bạc chẳng ai muốn nghe nhưng thực tế lại giúp bạn trở nên giàu có  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Nên ưu tiên tiết kiệm nghỉ hưu hơn là quỹ giáo dục đại học của con cái

Các bậc cha mẹ thường đặt quyền lợi của con cái lên hàng đầu rồi mới đến nhu cầu của bản thân mình. Vì thế lời khuyên "nên đề cao mục đích tiết kiệm nghỉ hưu hơn là dành tiền cho việc học đại học của con cái" là một gợi ý không nhận được sự tán đồng của nhiều người.

Nhà lập kế hoạch tài chính Jovan Johnson của Piece of Wealth Planning cho biết: “Bạn nên quan tâm đến các nhu cầu hiện tại và cả trong thời gian hưu trí của mình trước khi cân nhắc tài trợ chi phí giáo dục đại học cho con.

Bởi vì con cái của bạn sẽ có các lựa chọn khác để duy trì việc học như học bổng, trợ cấp, khoản vay. Tuy nhiên khi về hưu, bạn sẽ có rất ít lựa chọn nếu chưa tiết kiệm được đủ tiền. Nói cách khác, bạn có thể đi vay và tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính cho việc học của con nhưng bạn không thể vay nợ để nghỉ hưu”.

3. Dù có tăng lương thì cũng đừng chi tiêu nhiều hơn

Dường như ai cũng hiểu được rằng "không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu, điểm mấu chốt là bạn giữ lại được từng nào tiền". Vậy nhưng khi được tăng lương thì mọi người dường như lại quên sạch lời khuyên ấy.

Rachel Wooten, giám đốc tài chính tại Flint Group nói: “Sau khi được tăng lương, nhiều người ngay lập tức nghĩ đến việc nâng cấp nhà cửa hoặc phương tiện đi lại. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng xe hơi, nhà cửa cũng sẽ nhanh chóng trở nên quen thuộc.

Do đó niềm hạnh phúc mà bạn có được khi sở hữu chúng cũng chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn mà thôi”. Bỏ ra cả số tiền lớn để mang về niềm vui ngắn ngủi dường như là cách làm không khôn ngoan chút nào.

Bạn nên tránh xu hướng tâm lý này, thay vì nâng cấp lối sống thì tăng cường tiết kiệm và đầu tư khi được tăng lương hay có tiền thưởng. Qua đó tình hình tài chính của bạn chắc chắn sẽ có những bước tiến lớn.

4. Giữ cho mọi thứ đơn giản

4 lời khuyên về tiền bạc chẳng ai muốn nghe nhưng thực tế lại giúp bạn trở nên giàu có  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Giữ cho mọi thứ đơn giản, bao giờ bạn cũng sẽ quản lý được chúng sát sao và cẩn thận hơn. Nguyên tắc đơn giản ấy áp dụng cho cả danh mục đầu tư. Ben Carlson, Warren Buffett và các chuyên gia đầu tư khác đã so sánh hiệu suất của các danh mục đầu tư đơn giản hoặc “lười biếng” với một số chiến lược đầu tư phức tạp, tốn kém.

Họ nhận thấy rằng các chiến lược phức tạp không đánh bại được các quỹ tương hỗ chi phí thấp hoặc các quỹ hoán đổi danh mục. Một danh mục đầu tư đơn giản, đa dạng có thể mang lại cho bạn hiệu quả trong dài hạn.

Triết lý đơn giản cũng áp dụng cho tài khoản ngân hàng, tài khoản đầu tư và thẻ tín dụng. Nhiều người có thói quen sử dụng hàng tá tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng khác nhau. Điều đó khiến cho việc theo dõi chi tiêu và tiết kiệm của họ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là quên thanh toán thẻ tín dụng.

Những tài khoản này làm tăng thêm sự phức tạp không cần thiết cho cuộc sống của bạn và khiến việc quản lý tài chính trở nên vất vả hơn nhiều. Hãy đơn giản hóa cuộc sống của mình, suy nghĩ kỹ trước khi mở một tài khoản mới là cách làm đúng đắn.

Theo: Businessinsider

Theo An Du

Nhịp sống Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên