4 quốc gia lần đầu có tỷ phú trong danh sách của Forbes
75 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có ít nhất một tỷ phú. Dưới đây là 4 quốc gia lần đầu tiên có thành viên gia nhập câu lạc bộ tài sản tỷ USD của Forbes.
- 29-09-2021Forbes: Một cuộc khủng hoảng điện toàn cầu đang dần hình thành, không nước nào an toàn trước "bão"
- 27-08-2021Từng được Forbes ca ngợi là 'tỷ phú đôla', đầu tư vào công ty con của Jack Ma lãi hàng trăm triệu USD, vì đâu sự nghiệp Triệu Vy lao dốc, có lúc bị đóng băng tài sản?
- 18-08-2021Forbes: Số tiền Mỹ đã "đốt" ở Afghanistan nhiều hơn cả tài sản của Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và 30 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cộng lại
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú 2022, trong đó có 4 quốc gia lần đầu tiên có đại diện góp mặt là Barbados; Bulgaria; Estonia và Uruguay.
Barbados
Tỷ phú: Rihanna
Giá trị tài sản ròng: 1,7 tỷ USD
Nguồn tài sản: mỹ phẩm, âm nhạc
Không chỉ là ca sĩ nổi tiếng, Rihanna còn là một doanh nhân. Ảnh: CNN
Rihanna có thể nổi tiếng nhất nhờ sự nghiệp âm nhạc, nhưng chính 50% cổ phần trong thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty - mà cô đồng sở hữu với tập đoàn xa xỉ LVMH – đã đưa nữ ca sĩ này thành tỷ phú. Rihanna cũng sở hữu khoảng 30% cổ phần của dòng đồ lót Savage X Fenty – công ty đã huy động được 125 triệu USD vào tháng 1 và hiện đang cân nhắc việc IPO với mức định giá 3 tỷ USD.
Rihanna sinh năm 1988 tại đảo quốc Barbados và hiện sống ở Mỹ. Cô đã góp phần quảng bá quê hương của mình với hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Tháng 11 năm ngoái, nữ tỷ phú được Barbados phong danh hiệu anh hùng dân tộc vì những cống hiến cho quê nhà.
Bungari
Tỷ phú: Georgi Domuschiev và Kiril Domuschiev
Giá trị tài sản ròng: 2 tỷ USD mỗi người
Nguồn tài sản: công ty thú y, đầu tư
Kiril Domuschiev (bên trái) và Georgi Domuschiev (bên phải). Ảnh: Forbes |
Georgi và Kiril Domuschiev bắt đầu kinh doanh quần áo và giày dép vào những năm 1990, trước khi hợp lực với một nhóm các nhà đầu tư để mua lại các công ty tư nhân mới thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2000, hai anh em Domuschiev mua 54% cổ phần của công ty thú y Biovet thuộc sở hữu nhà nước, sau đó mua lại toàn bộ và chuyển thành Huvepharma. Hiện doanh nghiệp này là công ty sức khỏe gia súc lớn thứ sáu thế giới, với các hoạt động trải dài từ Lincoln, Nebraska đến Tây Bắc Italia.
Họ còn có cổ phần tại công ty vận chuyển hàng Navibulgar và câu lạc bộ bóng đá Ludogorets Razgrad.
Estonia
Tỷ phú: Kristo Käärmann
Giá trị tài sản ròng: 1,2 tỷ USD
Nguồn tài sản: thanh toán, ngân hàng
Kristo Käärmann. Ảnh: Getty Images |
Kristo Käärmann đồng sáng lập công ty khởi nghiệp thanh toán xuyên biên giới Transferwise vào năm 2011. 10 năm sau, công ty này niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London (Anh) với tên Wise và 19% cổ phần của Käärmann trị giá 2 tỷ USD. Tuy nhiên, tính từ thời điểm đó đến 11/3 – ngày Forbes chốt danh sách tỷ phú, mã này đã giảm 39%. Wise hiện xử lý gần 8 tỷ USD thanh toán xuyên biên giới mỗi tháng cho 12 triệu khách hàng trên 52 quốc gia.
Käärmann và người đồng sáng lập Taavet Hinrikus gặp nhau khi làm việc ở London. Họ thành lập Wise sau khi cảm thấy vô cùng mệt mỏi với khoản phí ngân hàng mỗi lần gửi tiền đến Estonia. Tỷ phú Peter Thiel và Richard Branson là những nhà đầu tư sớm nhất vào công ty, bên cạnh đó còn có quỹ đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz và công ty quản lý tài sản Baillie Gifford.
Uruguay
Tỷ phú: Andrés Bzurovski và Sergio Fogel
Giá trị tài sản ròng: 1,5 tỷ USD mỗi người
Nguồn tài sản: fintech
Bzurovski và Fogel đều theo học tại Đại học ORT ở Montevideo, Uruguay và sau đó hợp tác vào năm 2009 để ra mắt AstroPay, một công ty thanh toán giúp người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi lưu trữ tiền trực tuyến bằng thẻ ghi nợ ảo trả trước.
dLocal IPO vào tháng 6 năm ngoái. Ảnh: dLocal |
Năm 2016, họ bắt tay với Sebastián Kanovich - cũng là cựu sinh viên ORT mà họ tuyển dụng làm tổng giám đốc của AstroPay vào năm 2012 - để thành lập dLocal. Công ty giúp các công ty đa quốc gia lớn bao gồm Amazon, Netflix, Uber và Microsoft xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới từ khách hàng ở 35 thị trường mới nổi
dLocal trở thành kỳ lân đầu tiên của Uruguay vào tháng 9/2020, khi công ty huy động được 200 triệu USD với mức định giá 1,2 tỷ USD và niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng 6/2021. Cổ phiếu tăng mạnh trong những tuần sau khi IPO, khiến cả CEO Kanovich và nhà đầu tư sớm Eduardo Azar – cũng là người Uruguay – đều trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, đến ngày 11/3, cổ phiếu đã giảm 21% so với giá IPO. Vì vậy chỉ còn Andrés Bzurovski và Sergio Fogel trong danh sách tỷ phú.
Người đồng hành