4 thời điểm cha mẹ khiến con cái thất vọng, mất niềm tin mà không hề hay biết
Giáo dục gia đình sai cách sẽ khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái rạn nứt.
- 21-06-2023Cha mẹ khôn ngoan hiếm khi làm 4 điều này trước mặt con cái
- 18-06-2023Muốn con cái giỏi giang trong tương lai, cha mẹ nên nói những câu này mỗi ngày
- 17-06-2023Gia đình không khá giả, cha mẹ nên chú ý hơn đến 3 khía cạnh này khi đầu tư cho con cái
Trên mạng xã hội từng có một chủ đề như sau:
"Khi gặp nguy hiểm, bạn có kể với bố mẹ đầu tiên không?".
Bất ngờ là rất nhiều người đã trả lời rằng: "Không, vì bố mẹ đã khiến tôi thất vọng hết lần này đến lần khác"! Thậm chí một số người còn cho biết, họ không cảm thấy bố mẹ yêu thương mình. Trước chia sẻ này, nhiều phụ huynh đã vào phản biện: "Con mình làm sao mà không quan tâm, không yêu thương được?".
Đây có lẽ là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh. Chúng ta luôn nghĩ mình đã quan tâm con hết mực. Tuy nhiên trong quá trình trưởng thành của trẻ, chúng ta thực sự không thể đảm bảo hoàn toàn rằng: Tình yêu thương được cho đi là thứ trẻ thực sự cần!
Có những thời điểm, tình yêu thương sai cách của cha mẹ khiến con cảm thấy "nghẹt thở", tổn thương hơn là hạnh phúc.
1. Khi tình yêu đi kèm "sự ràng buộc"
Thứ mà cha mẹ đôi khi gọi là tình yêu, luôn đi kèm với những đòi hỏi. Chẳng hạn "Nếu con không ngoan, mẹ không thương con nữa"; "Con thi tốt thì mẹ mới yêu"; "Con không thi đỗ vào trường A thì mẹ không thưởng nữa"…. Tất cả những câu này đều thể hiện rằng "Bố mẹ yêu con hay không, tùy thuộc vào con có cư xử tốt hay không".
Đây không thể gọi là tình yêu mà là một "thỏa thuận trá hình" dưới lớp vỏ tình yêu. Giống như một con thú được huấn luyện trong rạp xiếc, nếu biểu diễn tốt thì ai cũng thích.
Từ 3-4 tuổi, dây thần kinh nhạy cảm của trẻ sẽ phát triển mạnh hơn. Một khi trẻ thường xuyên bị cha mẹ lấy tình cảm ra để "đổi chác" tình yêu thương thì khi lớn lên rất dễ tự ti, kém cỏi. Không ít người từng chia sẻ, họ cảm thấy phải đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ thì mới có thể nhận tình yêu thương. Sau này khi trưởng thành, họ luôn cảm thấy bất an trong các mối quan hệ, luôn chú ý đến ý kiến của đối phương. Khi đối phương không hài lòng, họ cảm thấy bản thân thật kém cỏi.
Nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers từng nói: "Yêu con thôi chưa đủ. Cha mẹ phải yêu con vô điều kiện. Cha mẹ phải yêu con vì chính con, chứ không phải những gì con làm". Bất kể đứa trẻ làm gì, nó là đều là con của chúng ta. Hãy khiến con cảm thấy an toàn!
2. Khi cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo
Điều khiến trẻ thất vọng không phải là cha mẹ yêu cầu trẻ làm việc này, việc kia mà là cha mẹ nói một đằng nhưng làm một nẻo. Chẳng hạn cha mẹ quát mắng, thậm chí đánh đòn vì con nghịch điện thoại, xem TV nhưng chính bản thân cũng không rời smartphone một phút giây nào.
Giáo dục không đạt được hiệu quả bằng cách yêu cầu "con phải làm điều này", mà phải bằng cách làm gương, khiến trẻ tin tưởng, noi theo, sẵn sàng học tập. Nếu lời nói và việc làm của cha mẹ không nhất quản thì con sẽ chẳng nghe theo.
3. Cha mẹ chỉ biết trách móc con cái, không tin tưởng con
Tại sao có những em bị bạo lực học đường nhưng cha mẹ lại không hay biết gì? Đó là bởi nhiều cha mẹ từng phán xét con rằng: "Sao cả lớp đông thế mà nó lại bắt nạt con? Con có làm gì không?",...
Nhiều bậc cha mẹ luôn "mù quáng" một cách vô tình. Họ không nhìn thấu được tâm tư của con và luôn dùng tư duy của mình để phê phán con cái tốt hay xấu. Bất kể trẻ có làm sai hay đúng, cha mẹ sẽ đều nghi ngờ và có những câu nói khiến trẻ bị tổn thương, khiến trẻ cảm thấy "rõ ràng có lỗi mà không chịu nhận".
Sự thiếu tin tưởng của cha mẹ không khác gì sự chối bỏ hoàn toàn đối với trẻ. Trẻ sẽ không tìm được giá trị của bản thân,phải đấu tranh giữa việc tìm lại chính mình và phản kháng lại cha mẹ.
Hãy nhớ rằng, nhu cầu thiết yếu nhất của con người là mong muốn được tin tưởng và cha mẹ còn là người quan trọng nhất đối với trẻ. Một khi không được người quan trọng nhất tin tưởng, trẻ sẽ tổn thương vô cùng.
4. Cha mẹ không ở bên khi trẻ cần
Đối với con cái, tác hại lớn nhất mà cha mẹ gây ra không phải là đánh mắng mà là khi trẻ cần thì cha mẹ lại không ở bên. Những đứa trẻ bị cha mẹ phớt lờ nhu cầu, không được hỗ trợ, bao bọc khi cần sẽ rất dễ có vấn đề về tâm lý.
Không ít em khi gặp thiệt thòi, bị bắt nạt, thay vì đứng lên phản kháng thì lại chọn cách thỏa hiệp, thậm chí cố làm hài lòng đối phương. Lâu dần, các em không dám giận, không dám bày tỏ cảm xúc khi giao tiếp xã hội và dần đánh mất bản thân.
Là cha mẹ, chúng ta nên dành cho con trẻ tình yêu thương mà chúng cần. Hãy chú ý đến cảm xúc của trẻ chứ không nên xem xét những việc trẻ làm có đạt tiêu chuẩn hay không. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý xem bản thân đã cư xử tốt, đã làm gương được cho con hay chưa, chứ không phải con đã làm được việc này, việc kia chưa?
Con cái dù bao nhiêu tuổi thì cha mẹ vẫn luôn là bến đỗ và là niềm hạnh phúc của chúng. Vì vậy, đừng dùng chính đôi tay của mình để đẩy con cái ra xa!
Phụ nữ Việt Nam