4 thông tin cần biết về chuyện Mỹ “nợ” Việt Nam hàng chục tỷ USD
Một phần đáng kể trong số tài sản tài chính mà "Mỹ đang nợ Việt Nam" là thuộc sở hữu của, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đầu tư trực tiếp hoặc thông qua một bên thứ 3.
- 26-05-2016TS. Nguyễn Đức Thành: Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD là bình thường
- 24-05-2016Chính phủ Mỹ đang nợ Việt Nam tối thiểu 12 tỷ USD
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Báo Trí thức trẻ mới đây có bài viết “phát hiện” ra Việt Nam đang là một trong những chủ nợ của Chính phủ Mỹ khi Việt Nam đang nắm hơn 12,1 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ. Trong bài này, chúng ta sẽ phân tích sâu thêm về chuyện Mỹ “nợ” Việt Nam để trả lời một số câu hỏi có liên quan mà nhiều người thắc mắc.
Câu hỏi đầu tiên là Việt Nam thực sự nắm bao nhiêu tài sản tài chính ở Mỹ?
Như báo đã đưa tin, Việt Nam đang nắm giữ 12,1 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ. Chính xác ra thì đây là các loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 2, 3, 5, 7, 10 và 30 năm và trả lãi cứ 6 tháng một lần, gọi là Treasury bond và Treasury note.
Ngoài trái phiếu dài hạn nói trên, Việt Nam rất có thể nắm giữ các loại tín phiếu (Treasury bill) có kỳ hạn 4, 13, 26, và 52 tuần, được phát hành dưới mệnh giá (ví dụ, mệnh giá là 100 USD, giá phát hành chỉ là 99,98 USD, khi đáo hạn thì nhà đầu tư được lĩnh đủ 100 USD). Nhưng Bộ Tài chính Mỹ không tách bạch số liệu này cho Việt Nam.
Thay vào đó, họ gói gộp khoản này vào với các hạng mục tài sản nợ với nước ngoài được báo cáo bởi các ngân hàng và các công ty tài chính của Mỹ. Các hạng mục tài sản nợ nước ngoài này gồm chứng chỉ tiền gửi của nước ngoài có hoặc không thương lượng, trái khoán ngắn hạn của Chính phủ Mỹ (gồm tín phiếu), và các loại tài sản nợ khác.
Tổng trị giá các hạng mục tài sản nợ của các ngân hàng và công ty tài chính Mỹ với Việt Nam đứng ở mức 6,8 tỷ USD tính đến hết tháng 3/2016.
Từ các số liệu trên, có thể nói rằng Việt Nam đang nắm giữ khoảng gần 19 tỷ USD tài sản tài chính ở Mỹ, dưới dạng trái phiếu và tín phiếu Chính phủ cũng như các giấy tờ có giá khác ở các ngân hàng và công ty tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, con số thật sự có thể chưa dừng ở mức này vì những số liệu trên chỉ mới là số liệu về nắm giữ trực tiếp của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam và Chính phủ Việt Nam (với phía Mỹ thì gọi chung là foreign residents). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức và Chính phủ Việt Nam có thể đã mua các trái phiếu, tín phiếu của Mỹ gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng, các công ty môi giới tài chính, công ty bảo hiểm, và các quỹ tín thác, quỹ đầu tư của Mỹ và nước ngoài v.v…
Các giao dịch này được thống kê vào các hạng mục tương ứng (của Mỹ, của nước khác) nên rất có thể là người Việt Nam còn nắm giữ một lượng tài sản tài chính đáng kể khác ở Mỹ, ngoài con số 19 tỷ USD nói trên, và không được phản ánh đầy đủ vào con số thống kê của Bộ Tài chính Mỹ.
Câu hỏi thứ hai là giả sử người Việt chỉ sở hữu 19 tỷ USD các loại trái phiếu và tín phiếu của Chính phủ Mỹ. Vậy số tài sản này mang lại bao nhiêu tiền lãi cho Việt Nam hàng năm?
Để dễ trả lời, ta bắt đầu với khoản 12,1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn từ 2 đến 30 năm như nói trên. Lợi suất trái phiếu vào ngày 24/5 là 0,92%/năm cho kỳ hạn 2 năm và tăng dần lên đến 2,65%/năm cho kỳ hạn 30 năm. Vậy khoản trái phiếu 12,1 tỷ USD hàng năm mang lại cho Việt Nam từ ít nhất là 110 triệu đến tối đa 318 triệu USD, tùy thuộc vào cơ cấu kỳ hạn của trái phiếu mà Việt Nam nắm giữ (càng dài hạn thì lợi tức trái phiếu thu về càng cao).
Với khoản 6,8 tỷ USD tài sản tài chính khác, giả sử chỉ gồm toàn tín phiếu Chính phủ Mỹ (kỳ hạn từ 1 năm trở xuống), thì lợi suất giao động từ 0,28%/năm cho loại kỳ hạn 1 tháng đến 0,69%/năm, và, do đó, Việt Nam sẽ thu về thêm khoảng từ 19 triệu đến 47 triệu USD hàng năm.
Lưu ý rằng một số loại tài sản tài chính khác Việt Nam đang nắm giữ ở các ngân hàng và công ty tài chính Mỹ hoặc nước ngoài có thể đang mang lại lợi suất cao hơn lợi suất tín phiếu Chính phủ Mỹ. Nhưng vì ta không có số liệu bóc tách nên không thể tính toán chi tiết hơn được.
Câu hỏi thứ ba là tính thanh khoản của các tài sản tài chính này như thế nào?
Với các loại trái phiếu và tín phiếu Chính phủ Mỹ thì tính thanh khoản cực kỳ cao. Nhà đầu tư có thể bán lại ngay một cách dễ dàng các trái khoán này qua nhiều kênh, nhiều đối tượng, ở nhiều nước, thậm chí là bán lại ngay cho chính Bộ Tài chính Mỹ, tất nhiên là với một khoản chiết khấu nhỏ trong giá bán.
Còn các loại giấy tờ có giá khác, các chứng chỉ nhận nợ của các ngân hàng và các tổ chức tài chính ở Mỹ hoặc nước ngoài thì đương nhiên sẽ có tính thanh khoản kém hơn, và do đó có thể phải bán lại với mức chiết khấu cao hơn, tùy thuộc loại hình và tổ chức phát hành. Nhưng bù lại thì thường những tài sản tài chính này đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đầu tư theo đúng nguyên tắc “lợi nhuận cao thì rủi ro cao”.
Câu hỏi thứ tư là bản chất của khoản tiền này là gì, có phải là đầu tư kiếm lời không hay vì lý do khác; nếu là đầu tư thì ai quyết định?
Điều có thể nói ngay là một phần đáng kể trong số tài sản tài chính nói trên (tạm coi là 19 tỷ USD) là thuộc sở hữu của, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đầu tư trực tiếp hoặc thông qua một bên thứ 3. Lý do để NHNN làm việc này là vừa đa dạng hóa danh mục tài sản dự trữ ngoại hối, vừa đem lại lợi nhuận, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tính an toàn và thanh khoản cao của khoản đầu tư để lúc cần có thể chuyển đổi ngay thành tiền mặt hoặc các loại tài sản khác đáp ứng các nhu cầu đột xuất trong nước.
Với một loạt tiêu chí khá mâu thuẫn, đồng thời phải đáp ứng cùng một lúc như vậy thì đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu Chính phủ Mỹ là một điều bắt buộc, và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
NHNN cũng là chủ sở hữu một số giấy tờ có giá khác gồm chứng chỉ tiền gửi, các khoản đầu tư trực tiếp hoặc thông qua một bên thứ 3 với mục đích chính là sinh lãi (tính an toàn và thanh khoản xếp hàng sau), nhưng vì đây không phải là mục đích chính của việc quản lý quỹ ngoại hối quốc gia nên tỷ trọng của những tài sản này trong số tài sản dự trữ ngoại hối NHNN mang ra đầu tư nước ngoài là khá nhỏ.
Số còn lại trong 19 tỷ USD nói trên là tài sản thuộc cá nhân và các tổ chức tài chính, các tổ chức khác ở Việt Nam. Tuy vậy, mục đích đầu tư cũng rất đa dạng, từ kiếm lời đến đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro, phòng ngừa rủi ro v.v…
Chắc chắn bạn đọc sẽ còn nhiều câu hỏi liên quan nữa, xin vui lòng gửi cho tác giả thông qua tòa soạn để được giải đáp thỏa đáng.