4 tình huống trẻ cần cha mẹ làm chỗ dựa nhất, ứng xử sai gây hậu quả lớn
Không muốn 'mất niềm tin' với con, hãy nhớ 4 tình huống mà trẻ cần cha mẹ 'làm chỗ dựa' nhất để có cách ứng xử phù hợp.
- 20-10-20223 điều 'cấm' và 3 điều 'nên' khi nuôi dạy con trai
- 20-10-2022Giáo sư Harvard nói cha mẹ không cần giàu vẫn có thể nuôi dạy con thành “tỷ phú” tương lai
- 19-10-2022Nàng hậu học giỏi và kín tiếng nhất nhì Cbiz được dân mạng 'thả tim' vì cách dạy con khéo léo
Một nhà tâm lý học trẻ em từng nói: "Thái độ của cha mẹ sẽ trực tiếp quyết định cảm xúc của đứa trẻ, cũng quyết định xem đứa trẻ có yêu bản thân hay không". Điều này cho thấy rằng cha mẹ có tầm quan trọng không thể thay thế trong sự phát triển của con cái, sự hỗ trợ và khuyến khích của cha mẹ đối với con cái là nguồn năng lượng giúp con hình thành và củng cố sự tự tin để trưởng thành sau này. Nói một cách ngắn gọn, cha mẹ "làm chỗ dựa" là cảm giác an toàn lớn nhất trong sự phát triển của trẻ.
Nhiều cha mẹ than phiền dường như càng lớn lên, con càng ít nói, xa cách. Trên thực tế đứa trẻ "đóng cửa" trái tim của mình ngoài vấn đề thay đổi tâm sinh lý thì nguyên nhân còn từ chính bố mẹ. Đây là hậu quả của những hành động xảy ra trong một thời gian dài chứ không chỉ ngày một ngày hai.
Nếu cha mẹ để xuất hiện "khủng hoảng tín nhiệm", tức là những khi đứa trẻ cần hỗ trợ nhất, muốn phụ huynh "làm chỗ dựa" thì người lớn lại lựa chọn buông tay thì lâu dần, con cái sẽ không còn xem cha mẹ là người bạn đáng tin cậy nữa.
Không muốn "mất niềm tin" với con, hãy nhớ 4 tình huống mà trẻ cần cha mẹ "làm chỗ dựa" nhất để có cách ứng xử phù hợp:
1. Khi con "tố cáo" điều gì đó
Chẳng hạn khi bạn đưa con đến sân chơi, đồ chơi của con bị bạn làm hỏng. Con liền mách mẹ. Lúc này, bạn không chỉ không "làm chỗ dựa" cho con, ngược lại còn chỉ trích trước mặt mọi người: "Suốt ngày biết khóc và khóc, bây giờ đồ chơi đã bị hỏng, ai bảo đem đồ cho bạn chơi. Không bao giờ mẹ mua đồ chơi cho con nữa".
Rõ ràng, đồ chơi của đứa bé bị hỏng, vốn đã rất đau lòng, lại nghe mẹ nói những lời cay nghiệt càng làm con thấy có lỗi. Việc "tố cáo" chẳng qua là hy vọng cha mẹ có thể chú ý nhiều hơn, hoặc là khi chịu thiệt thòi có thể được an ủi kịp thời mà thôi. Vì vậy, trong tình huống này phải kiên nhẫn lắng nghe và lựa lời nói phù hợp. Đây là sức mạnh của con bạn, cũng là nền tảng để con tin tưởng cha mẹ.
2. Khi bị bắt nạt
Một cậu bé 10 tuổi ở trường thường xuyên bị bắt nạt bởi các bạn cùng lớp. Lúc đầu cậu bé về nhà kể lại để được cha mẹ giúp đỡ, nhưng tất cả mọi người không đồng ý, thậm chí hỏi ngược: "Vậy tại sao không đáp trả lại". Ý tứ trong câu này cũng là chỉ trích tính cách con cháu mình quá yếu đuối, không biết "phản kích".
Kể từ đó, cậu không bao giờ nói với gia đình về việc mình bị bắt nạt bên ngoài, nhưng cuối cùng đã kết thúc cuộc sống một cách cực đoan. Có lẽ một số người cảm thấy khả năng chịu đựng của cậu quá kém, nhưng không nghĩ rằng đứa trẻ lúc đầu gặp phải vấn đề nhỏ đã bị bỏ rơi bởi chính gia đình mình khiến tổn thương càng nhân lên gấp bội.
Chỉ khi được cha mẹ đồng cảm, sự tự tin của đứa trẻ mới được củng cố, đồng thời biết cha mẹ thực sự yêu thương và quan tâm mình như thế nào.
3. Khi đứa trẻ có bí mật
Có một cô con gái đang ở tuổi dậy thì, cô về nhà và nói với mẹ: "Con thích một bạn nam", bà mẹ nghe xong hỏi "cậu ấy là ai, đẹp trai hay không đẹp trai". Đoạn giao tiếp sau đó khiến nhiều người đặc biệt ngạc nhiên. Dù sao trong thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ nghe con gái nói "có người thích", nhất định sẽ nổi trận đình, đóng cửa chỉ trích. Nhưng nghĩ lại, hành động này không mang lại hiệu quả, ngược lại còn khơi dậy tâm lý phản kháng của trẻ, đẩy đứa nhỏ càng xa.
Trẻ em vị thành niên đang trong giai đoạn dậy thì có người thích là bình thường, nhưng nếu hướng dẫn con tốt, bạn sẽ thấy rằng đây chỉ là tình cảm trong sáng đơn thuần mà thôi. Khi đứa trẻ thoải mái chia sẻ mối quan hệ chứng tỏ con đặt niềm tin ở bố mẹ. Lúc này đưa ra hướng dẫn chính xác và "làm chỗ dựa" cho con, con sẽ vượt qua được giai đoạn ẩm ương này thuận lợi.
Đứa nhỏ đến tuổi dậy thì không đáng sợ, có người thích càng không phải là chuyện gì không thể giải quyết được, sợ nhất chính là bố mẹ đã tự gạt con cái mình ra khỏi vòng tay bởi cách ứng xử không phù hợp.
4. Khi đứa trẻ bị so sánh
Có một bà mẹ 9X, mỗi ngày đều cho hai cô con gái ăn mặc xinh đẹp ra ngoài. Cô con gái lớn có làn da đen, con gái thứ hai lại trắng nõn, xinh xắn nên hầu như đi tới đâu cũng được khen ngợi, ngay cả ông bà nội bình thường cũng thiên vị một chút.
Cứ như vậy, trong hoàn cảnh luôn tràn ngập sự tương phản, cô chị gái có vẻ tương đối tự ti. Nhưng cũng may người mẹ vô cùng tinh tế, mỗi lần đưa hai con ra ngoài, chỉ cần gặp người khác khen con gái út và bỏ qua bé lớn, người mẹ sẽ đáp lại: "Cảm ơn chị đã khen ngợi, tuy nhiên, bé chị cũng rất ưu tú đó".
Trên thực tế, khi bị so sánh, đứa trẻ rất dễ bị tổn thương, bỏ qua thế mạnh của mình dẫn đến chất lượng học tập cũng như các hoạt động cá nhân của trẻ sẽ bị suy giảm. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ có một sự kết nối rất tiêu cực. Thay vì nhận ra vấn đề của mình, đứa trẻ lại ghét đứa bạn mà ba mẹ so sánh.
Cha mẹ là những người rõ hơn ai hết sở trường, sở đoản của con. Hãy dựa vào đó để khuyến khích con phát huy khả năng. Những lời động viên, khích lệ sẽ hiệu quả hơn nhiều lần lối so sánh mà không ít người lớn đang lạm dụng.
Phụ nữ Việt Nam