MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 yếu tố tích cực và triển vọng ngành Ngân hàng trong năm 2020

30-11-2019 - 17:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Đánh giá môi trường kinh doanh ổn định, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời đang được cải thiện..., Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) mới đây đã có nhận định tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm 2020.


Môi trường kinh doanh ổn định

Theo BSC, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, hiện đang được đánh giá là ổn định tại Việt Nam. Tăng trưởng GDP nhìn chung luôn được duy trì ở mức cao trong những năm vừa qua. Hỗ trợ cho đà tăng trưởng trên là hoạt động đầu tư và tiêu dùng có sự gia tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện tốt việc kiểm soát mục tiêu lạm phát. Tính đến hết tháng 11, chỉ số CPI bình quân tăng thấp ở mức 2,57% và chắc chắn sẽ dưới 4% trong năm 2019, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

“Trong năm 2020, CPI sẽ tiếp tục được giữ ở mức dưới 4%”, BSC nhận định.

Tuy nhiên, phân tích của BSC cũng cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước đối tác xuất nhập khẩu chính của 2 nước này, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, các hiệp định lớn mà Việt Nam vừa ký kết như EVFTA, CPTPP sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu vào các nước lớn tại châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc như hiện nay.

Trong điều kiện môi trường kinh doanh ổn định, BSC dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 có thể sẽ tiếp tục được giữ ở mức 13-14%; lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ ở mức thấp; thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cải thiện

Nhìn nhận về chất lượng tài sản của các ngân hàng, BSC cho biết, nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2019 của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đang ở mức 1,6%. Trong khi đó, hiện nay nhiều ngân hàng đã áp dụng thành công tiêu chuẩn Basel II trước hạn. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR Basel II) hiện nay ở mức 11,84% và đang tiếp tục được cải thiện hàng năm thông qua nhiều biện pháp.

Nhiều ngân hàng cũng đang duy trì chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động.

Bên cạnh đó, để đáp ứng quy định Thông tư 22 mà NHNN mới ban hành, các ngân hàng cũng đã chủ động giảm tỷ trọng cho vay vào các ngành rủi ro (bất động sản, xây dựng…), tăng cường huy động vốn dài hạn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện nay ở mức 27%.

“Vì vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang được cải thiện”, BSC nhận định.

Gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ

Về khả năng sinh lời của các ngân hàng trong thời gian tới, phân tích của BSC cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Cụ thể, thu nhập ròng từ lãi (NII) hiện đang được cải thiện nhờ việc cơ cấu các khoản vay. Trong khi đó, các khoản ngoài lãi cũng đang là xu hướng được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số. Trong đó, thu nhập từ phí và hoa hồng hợp tác bảo hiểm là 2 trụ cột chính cho tăng trưởng. Nhiều ngân hàng có thể sẽ ký hợp tác độc quyền và ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường lớn trong thời gian tới như VCB, ACB...

Ngoài ra, việc các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí cũng sẽ giúp giảm chỉ số thu nhập/chi phí (CIR), gia tăng khả năng sinh lời.

“Trong năm 2020 các ngân hàng có thể giảm chi phí dự phòng nhờ cải thiện chất lượng tài sản, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận”, BSC nhận định.

Định giá còn thấp, cổ phiếu ngân hàng có nhiều triển vọng

Cuối cùng, phân tích của BSC cũng cho rằng định giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với khu vực. Do vậy, cổ phiếu ngân hàng còn nhiều triển vọng trong năm 2020.

Cụ thể, P/E của các ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức 8x, thấp hơn mức 22x trong khu vực. Trong khi đó, P/B các ngân hàng Việt Nam ở mức 1,5x so với P/B trong khu vực là 2x.

Theo Thanh Tùng

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên