40 học viên đầu tiên được đào tạo xây dựng đường sắt - metro theo mô hình nâng cao
Sáng 15/1 tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (Viện DCI) đã khai giảng Chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro.
- 04-01-2024Metro Nhổn - Ga Hà Nội: Chỉ rõ nguyên nhân đội vốn
- 30-12-2023Việt Nam - Nhật Bản ký khoản vay hơn 41 tỉ Yên cho Metro Bến Thành - Suối Tiên
- 17-12-2023Nhật Bản cam kết cho vay 7.000 tỷ đồng bổ sung dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên
Mô hình hướng đến đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cho mục tiêu hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước mắt và định hướng lâu dài cho phát triển đường sắt - metro tại Việt Nam.
Lớp khai giảng đầu tiên có 40 học viên là cán bộ, nhân viên Đèo Cả và đối tác, đã tốt nghiệp các chuyên ngành như xây dựng công trình giao thông, cầu đường, địa chất thủy văn, kỹ thuật địa chất… tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Ngoài ra, học viên còn được tuyển chọn từ những sinh viên ưu tú tại các trường đại học, cao đẳng ngành giao thông để đào tạo nâng cao.
Chương trình sẽ đào tạo 1,5 năm (đối với chuyển đổi văn bằng 2) và 3 năm (đối với học viên chính quy). Mục tiêu cụ thể của Chương trình là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu để tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành và khai thác mảng đường sắt - metro của Đèo Cả và các đối tác. Các module đào tạo sẽ gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn thi công, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cho mục tiêu hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành giao thông trong thời gian tới do Tập đoàn Đèo Cả khởi xướng. Tập đoàn sẽ tổ chức các chương trình tuyển dụng, tham gia hướng dẫn đào tạo cho các sinh viên năm cuối nhằm tạo ra các kỹ sư thực hành trong tương lai để tiếp cận các công việc thực tế trên công trường, dự án.
Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã khẳng định, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục “xương sống”. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội - Vinh; TP Hồ Chí Minh - Nha Trang); phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.
Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đường sắt - metro là một trong những nhiệm vụ chính mà Chính phủ đã ban hành trong Nghị quyết 178/NQ-CP (Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW) nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt - metro Việt Nam.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực cho các đối tượng công trình rất mới, phức tạp về công nghệ (đường sắt tốc độ cao - metro) nên rất cần sự tham gia giảng dạy của các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới. Các nội dung cần lựa chọn và có yêu cầu cụ thể về lý thuyết, thực tiễn; hi vọng khóa đào tạo này là một hình mẫu về sự tiếp thu tiến tới làm chủ công nghệ lõi tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.
Được biết, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tài trợ cho các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải và địa phương là các đối tác hiện tại, tiềm năng… cùng tham gia vào các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, tăng cường năng lực để phối hợp tốt hơn trong quá trình triển khai các dự án.
Báo tin tức