MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40 tuổi vẫn còn thất nghiệp, điều gì giúp doanh nhân người Do Thái này đổi đời ngoạn mục thành tỷ phú kiêm ông trùm truyền thông tài chính?

17-09-2022 - 09:52 AM | Lifestyle

40 tuổi vẫn còn thất nghiệp, điều gì giúp doanh nhân người Do Thái này đổi đời ngoạn mục thành tỷ phú kiêm ông trùm truyền thông tài chính?

Tỷ phú tự thân Michael Bloomberg là chủ nhân của đế chế truyền thông nổi danh toàn cầu mang tên mình.

Xuất thân từ một gia đình Do Thái, Michael Bloomberg đã vượt qua mọi trở ngại và trở thành người đàn ông nổi tiếng trên đất Mỹ với gần 90% cổ phần sở hữu ở Tập đoàn Bloomberg và 3 lần đắc cử Thị trưởng New York.

Bước chân đầu đời không hề thuận buồm xuôi gió

Tỷ phú Bloomberg sinh ra vào ngày Valentine năm 1942 tại Medford, Massachusetts – một thị trấn bên cạnh Boston. Cha ông làm nghề kế toán cho một công ty sữa địa phương.

Suốt thời gian trong trường đại học, Bloomberg phải làm nhân viên bảo vệ và trông xe để có thể lấy tiền chi trả học phí. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư điện với tấm bằng kỹ sư trường Johns Hopkins và bằng MBA tại Harvard, Bloomberg bắt đầu sự nghiệp của mình làm việc tại Salomon Brothers New York.

Năm 1966, ông làm việc cho Cty hãng dịch vụ tài chính Salomon Brothers với mức lương khởi điểm 9.000 USD mỗi năm. Ban đầu, ông làm việc tại bộ phận két sắt. Sau nhiều năm làm việc nỗ lực, đến năm 1972, Bloomberg trở thành một nhân viên giao dịch trái phiếu và còn là cổ đông của công ty. Công việc của ông đòi hỏi ông phải làm 12 giờ mỗi ngày, liên tục 6 ngày một tuần.

40 tuổi vẫn còn thất nghiệp, điều gì giúp doanh nhân người Do Thái này đổi đời ngoạn mục thành tỷ phú kiêm ông trùm truyền thông tài chính? - Ảnh 1.

39 tuổi, Bloomberg bị sa thải sau nhiều năm làm việc tại công ty đầu tư Salomon Brothers. Ông đã nghỉ việc và nhận 10 triệu đô la Mỹ tiền trợ cấp.

Bước ngoặt mới mở ra con đường giàu có

Bloomberg quyết định áp dụng những gì mình tích lũy thời gian qua để thành lập một công ty với tên Innovative Market Solution, nhằm mục đích cung cấp thông tin, số liệu cho các doanh nhân trên thị trường chứng khoán. Ông đã cùng 4 người khác sử dụng 4 triệu đô la Mỹ để phát triển một hệ thống máy tính có thể cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu. Công ty có đơn hàng đầu tiên trị giá 30 triệu USD vào năm 1982 với 22 thiết bị đầu cuối MarketMaster.

Trong suốt những năm 80, công ty rất thành công và được định giá tới 2 tỷ đô la chỉ sau 8 năm thành lập. Năm 1986, Bloomberg đã chính thức đổi tên công ty sang tên mình. Năm 1989, ông chi ra 200 triệu USD để mua lại một phần ba cổ phần của Merrill Lynch. Năm 1990, ông cũng thành lập Hãng tin kinh tế Bloomberg.

Công ty của Bloomberg có hơn 1.600 phóng viên trên khắp thế giới và cung cấp hơn 4.000 bản tin mỗi ngày cho 450 tờ báo, bao gồm các tờ báo nổi tiếng như The New York Times và The Washington Post.

Mảng kinh doanh truyền hình cũng đạt nhiều phát triển nhanh chóng. Họ đã phát sóng các bản tin tài chính và thông tin thị trường tới 200 triệu cổng thông tin trên khắp thế giới trong 24 giờ, thông qua 11 mạng truyền hình bằng 8 ngôn ngữ. Đồng thời, Bloomberg cũng cung cấp các bản thảo phát sóng cho hơn 700 đài phát thanh trên khắp thế giới.

40 tuổi vẫn còn thất nghiệp, điều gì giúp doanh nhân người Do Thái này đổi đời ngoạn mục thành tỷ phú kiêm ông trùm truyền thông tài chính? - Ảnh 2.

Năm 2001, Bloomberg quyết định chạy đua vào chức Thị trưởng thành phố New York. Ông bắt đầu nhiệm kỳ năm 2002 và đóng góp rất nhiều thành tựu quan trọng.

Trong sự kiện Vanity Fair năm 2014, Bloomberg đưa ra một lời khuyên cho Spiegel: "Khi đối mặt với những lời chỉ trích, chỉ cần biết rằng, đến cuối cùng bạn là người chiến thắng còn họ thì không".

Đổi đời nhưng vẫn tiết kiệm từng đồng

Trong suốt 12 năm làm việc tại văn phòng thị trưởng, Bloomberg chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1 đô la mỗi năm. Ông cũng không sử dụng biệt thự được cấp mà ở nhà riêng của mình.

Theo người phát ngôn của ông, Stu Loese, Bloomberg chỉ sở hữu hai đôi giày màu đen để đi làm. Cả hai đều mòn tới nỗi không nhìn rõ nhãn hiệu. "Hôm nay ông đi đôi này thì ngay mai ông sẽ đi đôi còn lại. Những đôi giày được chăm chút cẩn thận, thường xuyên được mang đi đánh bóng, hoặc thay đế mới để đi được lâu hơn. Ông nói chỉ cần đi thoải mái và tiện dụng là được, không có nhu cầu mua giày mới", người này nói.

Bloomberg cũng rất tiết kiệm khi đi mua cà phê. Ông ấy luôn mua loại nhỏ nhất để không bị lãng phí. Ở phương diện quần áo cũng vậy, vị tỷ phú sẽ chỉ sắm khi thật sự có nhu cầu.

Chiếc Chevrolet Suburban trị giá 52.000 USD là chiếc xe mà Bloomberg bỏ tiền túi ra mua, nhưng ông lại thường xuyên chen chúc trên tàu điện ngầm đi làm để đích thân trải nghiệm tình trạng tắc đường của New York.

Sau mười năm “mài gươm”, cuối cùng ông ấy đã khởi động một chương trình giao thông công cộng mới "Công dân đi làm bằng xe đạp" vào tháng 6 năm 2013. Hệ thống xe đạp công cộng lớn nhất ở Hoa Kỳ đã được ra mắt và việc thành lập dịch vụ cho thuê xe đạp bắt đầu trở nên phổ biến.

40 tuổi vẫn còn thất nghiệp, điều gì giúp doanh nhân người Do Thái này đổi đời ngoạn mục thành tỷ phú kiêm ông trùm truyền thông tài chính? - Ảnh 3.

Sẵn lòng chi hàng tỷ USD cho từ thiện

Keo kiệt với bản thân nhưng Bloomberg rất hào phóng với xã hội. Điều này được thể hiện trong hàng loạt hoạt động từ thiện của ông. Đến nay, vị tỷ phú đã đóng góp hàng tỷ đô la cho các quỹ về môi trường, giáo dục, sức khỏe, nghệ thuật...

Vào năm 2013, Bloomberg đã quyên góp 450 triệu đô la Mỹ, trong đó có 350 triệu đô la Mỹ cho trường cũ của ông là Đại học Johns Hopkins. Tới thời điểm hiện tại, số tiền quyên góp lũy kế đã đạt hơn 1,1 tỷ đô la Mỹ cho ngôi trường cũ này. Việc quyên góp này đã khiến ông trở thành người hiến tặng hào phóng nhất cho một trường học tại Mỹ.

Ngoài ra, ông cũng đóng góp vào Quỹ Bill Gates để giúp đỡ người bại liệt với 100 triệu đô la Mỹ. Theo Tạp chí New York, chỉ trong năm 2019, tỷ phú Bloomberg đã cho đi tổng cộng 3,3 tỷ USD.

Trong một hội thảo ở trường Dartmouth College, thuộc tiểu bang New Hampshire, Bloomberg đã chia sẻ với các sinh viên tại đây về tầm quan trọng của công việc thiện nguyện.

Ông cho biết: "Từ thiện có thể là chiếc chìa khoá để kết nối những tấm lòng và kết nối những điều mà chúng ta không thể ngờ tới. Chắc chắn đó là những điều hết sức có lợi và có ý nghĩa.”

Cũng giống như các tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett, Michael Bloomberg đã ký vào bản cam kết sẽ quyên góp ít nhất một nửa tài sản của mình cho hoạt động từ thiện.

Ông nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất chúng ta nên làm là để lại cho con cháu của mình một thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải để lại cho chúng thật nhiều của cải. Hành vi từ thiện của bạn sẽ mang lại lợi ích cho chúng nhiều ích lợi hơn hẳn những gì bạn tưởng."

Tổng hợp 

Thùy Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên