400 triệu & bản án đặt nhầm chỗ không chỉ lấy đi sự nghiệp Hùng Dũng, mà còn nhiều thứ khác
Anh Khoa từng phải ngậm đắng nuốt cay khi Quế Ngọc Hải quá nổi tiếng, là cầu thủ lớn, còn mình "vô danh". Còn Hoàng Thịnh và Hùng Dũng, ai nổi tiếng, ai "lớn" hơn?
- 23-03-2021Hoàng Thịnh ôm hôn động viên Hùng Dũng trên xe cấp cứu sau pha vào bóng kinh hoàng
- 23-03-2021Hùng Dũng gãy hai xương chân phải, không thể đá vòng loại World Cup 2022
1. Không ai muốn phải nhìn thấy Hùng Dũng phải giải nghệ như Anh Khoa ngày nào bởi cú vào bóng triệt hạ của Ngô Hoàng Thịnh, nhưng rõ ràng với chấn thương khủng khiếp trên sân Thống Nhất này, ở tuổi 28, phải nhìn vào sự thật rằng xác suất để tuyển thủ Việt Nam này có thể đá bóng đỉnh cao lại là không còn nhiều.
Hơn 5 năm về trước, thông qua phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Nguyễn Xuân Gụ, bầu Đức đã đồng ý giúp Quế Ngọc Hải một nửa số tiền phải chi trả cho Trần Anh Khoa. Số tiền ấy là 400 triệu đồng. 800 triệu đồng mà Quế Ngọc Hải phải đền cho nạn nhân của mình là số tiền chi trả cho ca phẫu thuật đầu gối và hai lần tái khám tại Singapore của Anh Khoa.
Ngày ấy, ông Gụ cho biết thêm rằng, thường trực VFF sẽ chỉ đạo CLB SLNA lo nốt số tiền còn lại.
Ngày ấy, Quế Ngọc Hải là ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam. Đến tận bây giờ, trung vệ này vẫn là ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam, với chiếc băng đội trưởng ĐTQG trên tay.
Còn Trần Anh Khoa, cú vào bóng mang tính triệt hạ rõ ràng của Quế Ngọc Hải đã lấy đi sự nghiệp của cầu thủ này.
Ngày ấy, án phạt dành cho Quế Ngọc Hải là cấm thi đấu 6 tháng. Nhưng trên thực tế, trung vệ này chỉ nghỉ đúng 5 vòng đấu, là vòng cuối cùng V.League 2015 cùng 4 vòng đầu tiên V.League 2016. Không chỉ có thể, VFF còn quyết định giảm án sớm 10 ngày. Quyết định ấy, những người tận tường bóng đá nội đều hiểu là "màn chạy án" để mở cửa cho trung vệ người xứ Nghệ lên tuyển dưới thời HLV Hữu Thắng.
Bản án cho màn triệt hạ khiến Anh Khoa mất nghiệp, cuối cùng hóa ra lại nhẹ tênh. Ngày ấy, người ta đã từng gọi đấy là "cái loạn" trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam, dù tuyên chiến với bóng đá bạo lực, nhưng tự quyết định theo cách riêng.
Ngày ấy, HLV Đức Thắng - thầy Quế Ngọc Hải, từng gây xôn xao dư luận với phát biểu ví von việc Anh Khoa giải nghệ như "một vụ tai nạn chết người cũng chỉ đền bù 100, 200 hay 300 triệu đồng". HLV này còn xát muối vào nỗi đau của Khoa khi cho rằng tiền vệ này có cơ địa không tốt, và niền an ủi là được tạo điều kiện đi học bằng HLV sau khi giải nghệ.
2. Án phạt ngày ấy, giờ áp dụng với Hoàng Thịnh, liệu có bao nhiêu người sẽ đồng ý, và VFF liệu có hỗ trợ giảm án cho cầu thủ này bởi "thầy Park cần người", bầu Đức liệu có sẵn lòng chi tiền lần nữa như đã từng dành ân huệ cho Quế Ngọc Hải, khi nạn nhân là Hùng Dũng, chứ không phải Anh Khoa?
Gần một năm sau cú vào bóng triệt hạ với Anh Khoa, Quế Ngọc Hải thêm lần nữa khiến khán giả Việt Nam phải rợn người với pha vào bóng khiến cầu thủ người Nhật Kenta Furrube phải rời sân, trực chỉ bệnh viện trong trận giao hữu giữa ĐTQG Việt Nam và CLB Avispa Fukuoka.
Đến bản thân Quế Ngọc Hải còn không thể rút ra được bài học cho mình sau án phạt "có như không" phải nhận, thì liệu lấy gì để răn đe các cầu thủ khác khi họ ra chân cướp đi sức khỏe, kế sinh nhai của những người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến?
Không gì có thể bào chữa nổi cho pha vào bóng triệt hạ của Ngô Hoàng Thịnh với Hùng Dũng. Nó chỉ là một pha bóng diễn ra ở giữa sân, không đòi hỏi sự can thiệp cấp bách hay quyết liệt, chứ đừng nói đến pha vào bóng bằng hay chân, nhắm thẳng vào ống đồng đối phương như thế.
Nó diễn ra, là bởi với không ít các cầu thủ Việt Nam, đấy là điều bình thường, đối phương chấn thương nặng hay nhẹ là do may rủi mà thôi. Đá như thế mới "dằn mặt" đối phương. Đá đến như Quế Ngọc Hải mà còn chỉ phải lĩnh án phạt nhẹ hều, thì với mình cũng chỉ đến thế là cùng.
Cái sảy nảy cái ung, giá như 400 triệu đồng ngày ấy được đặt vào tay "nạn nhân" Anh Khoa, thay vì vào tay "kẻ thủ ác" Quế Ngọc Hải, có lẽ mọi chuyện đã khác. Ngày ấy, nếu như án phạt của VFF không "nhẹ như gió", không có màn "chạy án" để Quế Ngọc Hải lên tuyển làm nhiệm vụ quốc gia, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Khác, là bởi các cầu thủ sẽ có được một "tấm gương tày liếp" để trông vào, để "rón rén" hơn mỗi khi chơi bóng với ý định triệt hạ đối phương.
Hùng Dũng phải trả cái giá quá đắt cho sự dung dưỡng ấy của bóng đá Việt Nam. Hoàng Thịnh rồi cũng sẽ phải trả cái giá đắt cho cú vào bóng "nối gót đàn anh" của mình. CLB Hà Nội sẽ trả cái giá quá đắt khi mất đi cầu thủ quan trọng bậc nhất của mình. Và ĐTQG Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải "trả giá đắt" khi thiếu đi cầu thủ quan trọng nhất, khi chiến dịch chinh phục vòng loại World Cup đã gần kề.
Những cái giá quá đắt ấy đến từ đâu, có lẽ không còn quan trọng nữa, bởi nó sẽ là "việc đã rồi". Có muốn quay lại để sửa, cũng chẳng còn kịp nữa rồi.
Tất cả rồi cũng sẽ qua, chỉ còn những giọt nước mắt của Hùng Dũng, Anh Khoa sẽ còn mãi ám ảnh những người mẹ, người vợ cầu thủ.
Đời cầu thủ bạc lắm. Bạc ở cách chính các tuyển thủ quốc gia hành xử với nhau trên sân cỏ. Nhưng còn trên bàn giấy, nơi những người có trách nhiệm "cầm cân nẩy mực", liệu có đỡ bạc hơn không?
Pháp luật và bạn đọc