MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40.000 tấn thịt lợn nhập ngoại “làm khó” thịt nội

15-04-2017 - 16:30 PM | Thị trường

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan từ ngày 1.1.2017 đến ngày 15.3. cho thấy, cả nước nhập khẩu gần 7,8 nghìn tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD.

Trong đó, số lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh gần 2,4 nghìn tấn; phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh lên tới 5,4 nghìn tấn; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, làm khô hoặc hun khói; bột mịn và bột thô ăn được làm từ thịt hoặc phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ gần 10 tấn.Trước đó, trong năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam cũng đạt 39,4 nghìn tấn.

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng đưa ra con số “khủng”, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng 28 triệu con, trong đó tỉ lệ nái khoảng 14,6%. Do tốc độ tăng đàn quá “nóng”, từ giữa năm 2016 đến nay, giá lợn hơi trong nước đang lao dốc không ngừng, từ 55.000 đồng/kg giảm xuống còn 34.000-35.000 đồng/kg và đến thời điểm này, giá lợn hơi tại Đồng Nai giảm xuống chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg.

Điều đáng nói là trong khi giá lợn hơi trong nước giảm xuống mức đáy, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, được “bán rẻ như cho”, nhưng hàng năm ta vẫn nhập khẩu 30.000-40.000 tấn thịt lợn nhập ngoại các loại. Liệu 40.000 tấn thịt lợn ngoại này có là nguyên nhân khiến hàng triệu con lợn đang đến thời kỳ xuất chuồng của người chăn nuôi bị mắc kẹt không thể bán? Nhiều ý kiến còn cho rằng, lợn trong nước dư thừa hàng triệu kilogam như vậy, nhập thêm thịt lợn ngoại về, khác nào bồi thêm một đòn hiểm vào nguồn tài chính ốm o của nông dân?

Một đại diện Cục Chăn nuôi sòng phẳng chấp nhận, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, không có quốc gia nào được “ngăn sông cấm chợ” việc trao đổi hàng hóa, thì chính chúng ta phải tìm cách tự cứu: Người nông dân bỏ cách sản xuất kiểu “tự phát”; Nhà nước xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ chăn nuôi trong nước, kiểm soát chặt chẽ hàng nhập ngoại. Nhưng điều quan trọng là ý thức người tiêu dùng, nên thay đổi văn hóa ẩm thực, thay đổi thói quen tiêu dùng. “Một thực tế chua chát là, trong khi sản phẩm của những “đại gia” trong ngành chăn nuôi như C.P, Thái Dương, Dabaco, … có quy trình công nghệ hiện đại, sản phẩm không khác gì hàng ngoại, nhưng vẫn bị mất một phân khúc thị trường bởi mang tiếng “hàng nội”, trong khi những loại thịt nhập ngoại bán trên thị trường chất lượng không hơn gì, thậm chí có nhiều hàng cận “đát” nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng tìm mua vì tư tưởng “sính ngoại”.

“Chừng nào người tiêu dùng còn tư tưởng sính ngoại một cách mù quáng, chừng đó cả người sản xuất và người tiêu dùng còn bị thua thiệt! Chính vì vậy, ngoài việc người nuôi phải thay đổi thói quen sản xuất, người mua cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng” - ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định.

Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất, người chăn nuôi có quyền đặt câu hỏi: Tại sao trong lĩnh vực bất động sản, Nhà nước “tung” các gói tín dụng để “giải cứu”, nhưng trong lĩnh vực chăn nuôi hàng triệu hộ dân đang bị đàn lợn ăn cụt hết vốn, nhiều hộ còn bị lợn “ăn” cả sổ đỏ, nhưng Bộ NNPTNT chưa có hướng hỗ trợ thực tế nào ngoài việc kêu gọi chung chung: Tạm ngừng nuôi!

Theo Nam Phong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên