5 bài học cựu nhân viên Apple rút ra sau thời gian dài làm việc với Steve Jobs: Người đi làm thuê nhất định phải "khắc cốt ghi tâm"
Hãy nhớ rằng, bạn nên nói "có" nhưng không phải là ngay lập tức với mọi lời đề nghị.
Guy Kawasaki là giám đốc tiếp thị cho Canva và cố vấn mảng kinh doanh của Motorola (Google). Ông nổi tiếng về thái độ sẵn sàng đổi mới và tinh thần kinh doanh. Trước khi thành danh, ông là một trong những nhân viên đầu tiên của Apple và có cơ hội gặp gỡ, làm việc với Steve Jobs. Những bài học về kinh doanh, cuộc sống và công việc của Guy luôn truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Dưới đây là những chia sẻ của ông trên Forbes:
Khách hàng không phải người đưa ra cách cải thiện vấn đề
Trong suốt thời gian làm việc tại Apple, bài học hàng đầu Guy rút ra được là khách hàng hiện tại không thể nào nói cho bạn biết được cách đổi mới.
"Họ không thể nói về bạn về bước chuyển mình tiếp theo hay cách cải tổ mặt hàng mới, đơn giản họ luôn bị gói gọn với những gì bạn cung cấp.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ, tôi mua cuộn phim từ Kodak, tất cả những gì tôi có thể nghĩ đó là chất lượng phim, màu sắc và có rẻ hay không. Nhưng bạn lại không thể đến thẳng Kodak và nói, ‘Thật ra tôi không muốn sử dụng phim. Tôi muốn mua một cái cảm biến kỹ thuật số’.
Điều trớ trêu ở đây là vào năm 1975, Kodak mới chỉ phát minh ra chụp ảnh kỹ thuật số, nhưng họ lại tự cho là họ là công ty hóa chất và đặt chất hóa học vào phim. Đáng ra những gì họ nên làm là xác định họ đang hoạt động trong công nghiệp lưu trữ ký ức.
Nếu bạn nằm trong doanh nghiệp đó, bạn sẽ không quan tâm đó là phim, phát triển hình ảnh hay là máy cảm biến kỹ thuật số, lưu giữ ký ức mới là những gì bạn cần" - Guy chia sẻ.
Học cách bán hàng ngay cả khi không ở trong bộ phận tiêu thụ
Dù bạn không ở trong bộ phận bán hàng thì đã sao chứ? Mọi người trên thế giới này đều đang bán một thứ gì đó.
"Câu nói này dẫn đến hai kỹ năng cơ bản trong cuộc sống: là người làm ra sản phẩm hoặc đang bán nó. Thậm chí bạn là người có thể sản xuất ra được sản phẩm, thì bạn vẫn tham gia bán hàng để nhận được sự ủng hộ, để nhận được tài trợ để mọi người mua những sản phẩm đó.
Dần dần, bạn tham gia bán hàng sẽ để đạt được một số mục đích như có thể có được chỗ ngồi tốt hơn trên máy bay hay phòng khách sạn có view nhìn ra ngoài biển. Suy nghĩ ‘tôi là người sản xuất ra sản phẩm thì không phải tham gia bán hàng‘, tôi nói thẳng là rất ngu ngốc. Ai cũng phải biết cách bán hàng" - cựu nhân viên của Apple nhận định.
Hãy nói "Có"
Guy chia sẻ: "Về cơ bản, tôi cho rằng bạn nên mặc định câu trả lời của mình là "có" với mọi yêu cầu nếu mọi người xung quanh không cho bạn một lý do chính đáng để không làm điều gì đó. Theo kinh nghiệm của tôi, một khi bạn nói "có" đồng nghĩa với việc bạn đang mở ra nhiều cơ hội cho mình hơn. Những thứ có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện lần thứ hai trong cuộc đời.
Nhược điểm của nó ở đây sẽ là câu hỏi "Vậy chuyện sẽ xảy ra nếu người khác lợi dụng tôi?" Nhưng với những gì tôi đã từng trải thì có rất ít người lợi dụng vào điểm này. Nếu có bị lừa một vài lần thì đừng lo lắng, những gì bạn đạt được sẽ còn hơn thế. Nói như vậy không có nghĩa là tôi sẽ trả lời "có" ngay lập tức với mọi thứ.
Tôi chỉ nghĩ "có" mọi lúc, nhưng nếu ai đó nói, ‘Tôi đang có cuộc hội thảo ở Croatia, ông có thể đến đây và nói chuyện trong một giờ miễn phí được không?’ Câu trả lời là "không", bởi vì tôi có đến bốn đứa con và tôi sẽ không dành ra bốn ngày đi đến Croatia mà miễn phí được , vì vậy bạn có thể có một cuộc hội thảo tốt hơn nữa để cung cấp đến cho mọi người."
Đừng suy nghĩ phiến diện
Rất nhiều thứ có thể thay đổi khi bạn cố gắng không nổi giận, và đương nhiên, nghe thì dễ, thực hiện được mới là khó.
Kawasaki chia sẻ trải nghiệm của mình: "Khi tôi đang sửa hàng rào cho ngôi nhà của mình ở San Francisco, một người phụ nữ đã đến chỗ tôi và nói ‘Anh có nhận cắt cỏ không?’ vì tôi là người Mỹ gốc Nhật. Đó là trường hợp bạn có thể dễ dàng phát hỏa. Đương nhiên, đó cũng chính là phản ứng đầu tiên của tôi.
Khoảng hai tuần sau, bố tôi đến thăm tôi và khi đó tôi đã kể câu chuyện này với ông, chắc mẩm ông sẽ nổi giận giống tôi. Nhưng thay vào đó ông lại nói với tôi, ‘Con trai à, ở nơi con đang sống đây, người phụ nữ ấy có quyền kết luận con là một người làm vườn. Về cơ bản thì bà ấy cũng không sai, vì thế con hãy bỏ qua đi’.
Sau lần đó, tôi đã rút ra cho bản thân một bài học giá trị: Đừng tìm đến phiền phức. Cứ để người khác cơ hội để hoài nghi. Và cũng đừng nổi giận dễ dàng, nếu không bạn sẽ tức giận trong cả cuộc đời ngắn ngủi này".
Hãy là chính mình
Bạn đã bao giờ lo lắng để trở thành con người thật của mình trong một môi trường chuyên nghiệp? Kawasaki gợi ý, "Chỉ cần là chính bản thân bạn bởi vì rất mất công để duy trì mặt nạ bạn đã đeo vào. Mọi việc trở nên dễ dàng hơn nếu bạn trung thực. Nhưng nếu bạn cố ngụy biện để biến điều sai thành thật thì sẽ phải nhớ đến những lời nói dối này cả đời đấy."
Hãy mở lời khi cần giúp đỡ
Mở lời khi cần giúp đỡ có thể là một thử thách nhưng lại đem lại rất nhiều lợi ích trong các mối quan hệ cũng như trong việc thăng tiến của chính bạn.
"Một trong những cách nhằm củng cố thêm các mối quan hệ của bạn trớ trêu và cũng đáng bất ngờ thay chính là việc mở lời để được giúp đỡ. Theo hướng tích cực, lý do tại sao tôi lại đưa ra câu nói này chính là mọi người đều luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn. Và đó cũng là cách hài lòng nhất để giúp đỡ người khác. Vì vậy, hãy cứ mở lời để bắt đầu một mối quan hệ, trái ngược với suy nghĩ, ‘Họ sẽ ghét tôi vì đòi hỏi một lợi ích tốt’.
Tất nhiên phải thể hiện thái độ biết ơn và sẵn lòng đáp lại ý tốt đó vì đó không phải là con đường một chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý nghĩ bạn nên đừng bao giờ yêu cầu ai giúp đỡ chỉ vì muốn hủy hoại mối quan hệ hoặc không bao giờ có được mối quan hệ nào là sai lầm".