5 bài học vẫn còn như mới từ khủng hoảng tài chính 2008 mà mọi nhà đầu tư nên khắc cốt ghi tâm
Đừng tin vào chỉ số P/E khi phán đoán thị trường có xuất hiện bong bóng hay không!
- 06-09-2018Giải mã nguyên nhân vì sao khủng hoảng quay trở lại trên thị trường mới nổi
- 15-08-2018Đã 10 năm kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ nhưng nhà bán khống này vẫn mắc kẹt trong giao dịch triệu đô
- 15-09-2016Lehman Brothers - Những khoảnh khắc kinh hoàng ngày 15/9 của 8 năm về trước
- 13-09-2016Sự sụp đổ của Lehman Brothers và bài học 8 năm nhưng vẫn còn giá trị
10 năm sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, câu chuyện về những sai lầm trong quá khứ và giải pháp để một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ Không xảy ra một lần nữa vẫn là chủ đề được báo chí nhắc đến. Đối với các nhà đầu tư, không nhất thiết phải đắm chìm trong những cuộc tranh luận về chuyện các ngân hàng nên được quản lý như thế nào hay nên tái cấu trúc các sản phẩm phái sinh ra sao. Tuy nhiên, vụ sụp đổ của Lehman vẫn còn mang đến nhiều bài học quan trọng có ý nghĩa sát sườn với các nhà đầu tư cá nhân. Và dưới đây là 5 bài học được The Wall Street Journal đúc kết.
1. Không phải mọi bong bóng đều xuất hiện dưới dạng giá trị bị thổi phồng quá mức
Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hình thành, những ký ức về bong bóng dot-com diễn ra cách đó không lâu vẫn còn in đậm trong tâm trí mọi người. Tuy nhiên chính ký ức đó lại khiến thị trường mất cảnh giác khi quan niệm rằng mức giá ở thời điểm hiện tại thấp hơn rất nhiều so với những con số vô lý của thời kỳ cuối những năm 1990, vì thế chẳng có gì phải lo về bong bóng. Thị trường đang rất ổn.
Nhìn xa hơn, về năm 1929 thì điều này sai hoàn toàn. Có 1 sự thực đáng buồn là những người chỉ nhìn vào chỉ số P/E của các cổ phiếu (hoặc bất kỳ thước đo giá trị nào khác) đã bị làm cho mê muội bởi vì ở thời kỳ trước khủng hoảng thì bong bóng sẽ thổi phồng chữ cái E (lợi nhuận) trong chỉ số này chứ không chỉ chữ P (giá).
Ngày nay, chỉ số P/E tương lai đang ở mức cao hơn cả thời điểm trước khủng hoảng 2008, và một lần nữa chỉ số lợi nhuận có vẻ đang rất tốt, mọi thứ trông đều ổn dù có nhiều thước đo khác cho thấy chất lượng lợi nhuận đã sụt giảm và tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp khá cao.
2. Trong khủng hoảng, thanh khoản sẽ nhanh chóng biến mất
Rất nhiều nhà đầu tư than khóc về việc khó giao dịch, đặc biệt là đối với trái phiếu doanh nghiệp và lo lắng điều này báo hiệu những rắc rối lớn hơn ở phía trước. Nhưng 2008 cho thấy mối nguy hiểm thực sự nằm ở niềm tin rằng vẫn có thể dễ dàng mua bán các loại tài sản khi khủng hoảng nổ ra.
Trong thời kỳ 2007-2008, chính trái phiếu doanh nghiệp là ví dụ minh họa rõ ràng nhất. Trong những năm tháng tươi đẹp trước đó, các đại lý sơ cấp (primary dealers, thường là các ngân hàng thương mại) đã xây dựng 1 lượng hàng tồn kho khổng lồ có giá trị lên tới 285 tỷ USD, khiến thị trường có mức thanh khoản cao hơn bao giờ hết. Khi họ bán tháo số trái phiếu này, thị trường nhanh chóng mất thanh khoản và khi rắc rối trở nên nghiêm trọng, lợi suất trái phiếu rác đã lên tới 23%. Những sản phẩm càng rắc rối càng trở nên khó giao dịch dù trước đó rất được ưa chuộng.
Ở thời điểm hiện tại, các đại lý chỉ nắm trong tay khoảng 10 tỷ USD. Nhưng vấn đề lại nằm ở các quỹ ETF. Nếu các nhà đầu tư rót vốn vào các quỹ ETF trái phiếu tự tin rằng họ có thể dễ dàng bán tháo trong khủng hoảng, họ sẽ phải thất vọng khi rắc rối đến.
3. Thời kỳ yên ả kéo dài sẽ dẫn đến sự thừa mứa
Nhà kinh tế học quá cố Hyman Minsky đã liên tục được nhắc tên sau khủng hoảng 2008, bởi cuộc khủng hoảng này gần như diễn ra chính xác như miêu tả của ông về chu kỳ đầu cơ. Nền kinh tế tăng trưởng trong 1 thời gian dài (chỉ bị gián đoạn chút ít trong năm 2001) đã dẫn đến sự tự mãn. Mọi người sẵn sàng đi vay và các ngân hàng cũng nới lỏng chính sách giải ngân, tạo ra 1 vòng tuần hoàn giữa giá tài sản tăng và 1 nền kinh tế tăng trưởng tốt. Khi mọi thứ bị đảo ngược, núi nợ cần phải hoàn trả khiến giá tài sản lao dốc và đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu.
Giai đoạn cuối của chu kỳ chứng kiến sự bùng nổ của cái mà Minsky gọi là "nợ Ponzi", những khoản nợ không thể hoàn trả nhờ số tiền tích lũy từ thu nhập mà còn đòi hỏi thặng dư vốn. Tại đỉnh điểm của chu kỳ 2007, các hiện tượng như những vụ thâu tóm được tài trợ bằng nợ, quỹ đầu cơ có tỷ lệ đòn bẩy cao chót vót, đầu cơ bất động sản và những sản phẩm đầu tư phức tạp ẩn chứa nhiều rủi ro trở nên phổ biến.
4. Hãy cẩn thận với các sản phẩm tài chính mới
Từ các dữ liệu lịch sử, nhà kinh tế học Charles Kindleberger đã chứng minh hoạt động cho vay bừa bãi đã làm cách nào để có thể trốn tránh những nỗ lực kiểm soát nguồn cung tiền và tín dụng của các cơ quan quản lý.
Các cải tiến đã cho phép hệ thống tài chính thỏa mãn nhu cầu tín dụng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp quá hung phấn bằng cách tạo ra những công cụ tài chính mới, mà các quỹ thị trường tiền tệ với những sản phẩm siêu phức tạp nở rộ trong cuộc khủng hoảng trước là 1 ví dụ.
Ngày nay, các quỹ tín dụng và các tổ chức cho vay ngang hàng thường được các tổ chức và cá nhân không có đủ điều kiện tiếp cận các khoản vay mà hệ thống ngân hàng chính thống cung cấp. Hãy hi vọng là quy mô của chúng quá nhỏ để có thể tạo ra 1 cuộc khủng hoảng.
5. Lần này sẽ khác
Trong giai đoạn 2007-2008, các ngân hàng được đánh giá là an toàn vì họ sử dụng các công cụ phái sinh và nghiệp vụ chứng khoán hóa để chuyển rủi ro từ chỗ này sang chỗ khác. Thay vì làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, điều này lại đồng nghĩa với không ai biết rủi ro đang nằm ở đâu.
Hiện tại, độ khỏe mạnh của các ngân hàng được đánh giá dựa trên nguồn vốn và tính thanh khoản, nhưng có dấu hiệu cho thấy rủi ro đang được chuyển sang các quỹ và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Quy mô của các hoạt động này vẫn còn nhỏ so với 2007 (chí ít là ở bên ngoài Trung Quốc), nhưng đây có thể là mối đe dọa trong tương lai.
Tin tốt là các hộ gia đình, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư càng tập trung vào cuộc khủng hoảng 2008 thì họ càng cẩn trọng hơn và từ đó nâng cao khả năng tránh được các rủi ro có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng đã 10 năm trôi qua và những ký ức có thể dần mai một.