5 bí quyết để gây ấn tượng ngay lập tức trong cuộc phỏng vấn xin việc của ứng viên Amazon được Jeff Bezos thuê NGAY TẠI CHỖ: Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có giá trị không ngờ
Nhờ sự khéo léo và nhạy bén của mình, Ann Hiatt được ông chủ Amazon, Jeff Bezos tuyển dụng ngay tức thì trong buổi phỏng vấn xin việc.
Ann Hiatt là một cựu quản lý ở Thung lũng Silicon với 15 năm kinh nghiệm và là đối tác điều hành kinh doanh cho Jeff Bezos, Marissa Mayer và Eric Schmidt.
Gần đây, bà đã thành lập một công ty tư vấn với các khách hàng là CEO trên toàn cầu. Bà đã áp dụng các bài học về đổi mới, tham vọng, tăng trưởng trên quy mô và khả năng lãnh đạo với tư duy tiến bộ mà bản thân đã học được tại Amazon cũng như Google.
Dưới đây là câu chuyện mà Ann Hiatt đã chia sẻ với CNBC về kinh nghiệm phỏng vấn của bản thân cũng như những cách để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng:
Năm 2006, tôi bắt đầu sự nghiệp 12 năm của mình tại Google với vai trò là giám đốc nhân sự và đối tác kinh doanh điều hành. Trước đó, tôi đã làm việc tại Amazon đảm nhiệm vị trí đối tác kinh doanh cho Jeff Bezos.
Sau khi dành rất nhiều thời gian với một số nhà lãnh đạo thành công và có ảnh hưởng nhất trên thế giới, tôi đã tìm được những yếu tố quan trọng ở những ứng viên mới. Trên thực tế, Bezos đã thuê tôi ngay sau cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với anh ấy vào năm 2002.
Ann Hiatt quyết định thử vận may của mình tại Amazon, mặc dù bà chưa bao giờ mơ ước được làm việc cho công ty này. Ảnh: Ann Hiatt/Twitter
Dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của mình, đây là những mẹo hàng đầu để gây ấn tượng ngay lập tức với người tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn xin việc:
1. Kể câu chuyện khó quên đằng sau những sở thích và thú vui
Những người tôi tuyển dụng hoặc làm việc cùng tại Google đều rất kỳ quặc. Họ có những sở thích thú vị, kiến thức sâu rộng và đam mê bên ngoài công việc của họ.
Tuy nhiên, họ không chỉ nói "Tôi thích làm vườn" hoặc "Tôi thích đóng đồ nội thất". Thay vào đó, họ sẽ giới thiệu cách họ yêu thích và mối quan tâm của họ theo một cách hấp dẫn và độc đáo.
Ví dụ, một ứng cử viên là vận động viên leo núi chuyên nghiệp đã chia sẻ với nhà tuyển dụng về sở thích leo núi của mình. Hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào với cô, bởi cha cô luôn mơ ước được leo lên đỉnh Everest, nhưng không bao giờ có cơ hội. Vì vậy, đó là một trong những mục tiêu của cô ấy trong cuộc sống.
Dù sở thích hoặc thú vui của bạn là gì, hãy kể một câu chuyện hoặc trải nghiệm về chúng. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng khó phai.
2. Nói về những điều bạn không biết, nhưng ham học hỏi
Có một sự thật rằng, không ai muốn thuê một người mà bản thân họ biết tất cả mọi thứ.
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà ứng viên mắc phải là nhấn mạnh quá mức vào tất cả những thứ họ giỏi. Đối với tôi, điều đó nói lên rằng họ muốn ở trong khu vực an toàn, và có vẻ không hứng thú với việc tìm kiếm những thử thách và trải nghiệm mới.
Do đó, hãy nói về những lĩnh vực bạn muốn phát triển, những kỹ năng bạn muốn cải thiện và cả những mục tiêu đầy tham vọng mà bạn muốn thực hiện vào một ngày nào đó.
3. Sử dụng các từ theo đội nhóm như ‘chúng tôi’ và ‘đội của tôi’
Sau quá trình dài lựa chọn, chính Bezos đã phỏng vấn Ann Hiatt và có ấn tượng đặc biệt với Ann. Ảnh: AFP
Ai cũng có thể nói bản thân giỏi làm việc nhóm vì nhà tuyển dụng không thể biết bạn có thực sự có kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm hay không. Tuy nhiên, khi bạn nói "Tôi" quá nhiều, điều đó cho thấy bạn có xu hướng "giữ hết thành tựu" cho riêng mình và ưu tiên lấy danh tiếng về cho bản thân.
Chính vì vậy, nhấn mạnh sự thành công là của toàn đội nhóm là một kỹ năng hiếm thấy và phức tạp. Do đó, hãy nói "chúng tôi đã hoàn thành..." hoặc "nhóm của tôi đã làm rất tốt việc..." thay vì "tôi đã hoàn thành..."
4. Nói về những ý tưởng không hiệu quả hoặc thất bại trong quá khứ
Google nổi tiếng là công ty nhanh chóng loại bỏ các dự án không khả thi. Nhưng chúng tôi thường ghi nhớ những thất bại của mình vì đó là cơ hội để học hỏi và trở nên tốt hơn.
Do đó, thay vì cảm thấy chán nản, những nhân viên giỏi thường được "cải tử hoàn sinh" sau những thất bại. Vì vậy, hãy chia sẻ những kinh nghiệm thất bại từ một dự án bạn yêu thích và áp dụng những gì bạn đã học được vào một dự án mới.
Hãy coi đây là một tài sản chứ không phải là một thất bại.
5. Vượt xa mô tả công việc và có tầm nhìn về tương lai
Điều cuối cùng mà người quản lý muốn nghe là lặp lại mô tả công việc mà họ đã viết.
Nữ doanh nhân gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Ảnh: Twitter
Trước khi bước vào văn phòng gặp cựu CEO Eric Schmidt để nói về mục tiêu sự nghiệp tiếp theo của bản thân, tôi đã làm việc ở Google được 3 năm. Tôi nói với ông ấy rằng tôi đã sẵn sàng làm quản lý điều hành. Chúng tôi đã cùng nhau đưa ra một lộ trình để thực hiện các yêu cầu cần có của vị trí này và cách tôi phát triển các kỹ năng để đưa công ty lên một tầm cao mới.
Điều đó không có nghĩa là bạn nên đi phỏng vấn với một chức danh hoàn toàn khác. Thực hiện việc hoạch định yêu cầu công việc để chứng tỏ rằng bạn có tầm nhìn về vị trí của bản thân trong vòng từ một đến hai năm nữa.
Theo CNBC