5 bí quyết quản lý tài chính người giàu nào cũng có
Người giàu có giàu không chỉ vì họ có nhiều tiền của mà còn vì họ biết quản lý chúng.
- 15-01-2016Tỷ phú Lý Gia Thành "mách nước" người trẻ làm giàu
- 21-05-2015Làm thế nào để lọt vào nhóm 1% giàu nhất?
- 08-10-2014Toàn cầu hóa làm tăng chênh lệch giàu nghèo?
Theo kết quả khảo sát gần 700 nhà đầu tư triệu phú được Công ty Trust của Mỹ công bố vào ngày 23/5, những người rất giàu có nhiều điểm chung trong cách quản lý tài chính. Dưới đây là năm bí quyết quản lý nguồn lực tài chính của hầu hết những người giàu có mà theo các nhà tư vấn tài chính bạn cũng có thể tham khảo để làm theo:
1. Trì hoãn sự thụ hưởng
Trên 8 trong 10 nhà đầu tư giá trị cao cho biết đầu tư vào các mục tiêu dài hạn quan trọng hơn nhiều so với những nhu cầu ngắn hạn. Ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính chính của trang tài chính Bankrate.com, cho hay: "Nếu bạn tiêu trước rồi cố gắng tiết kiệm sau, điều bạn sẽ thường thấy là chẳng còn gì lại cả."
Ví dụ, nếu mỗi tháng bạn dành số tiền tương đương 100 USD cho khoản tiết kiệm hưu trí thay vì tiêu chúng, sau 20 năm bạn có thể có trong tay 40.000 USD với tỉ lệ lãi suất giả dụ là 5%. Ngươc lại, nếu bạn tiêu 100 USD/tháng, bạn sẽ mất khoản thu nhập trên 15.000 USD. Theo ông Joe Duran, CEO của công ty tài chính United Capital, không phải ai cũng có thể làm được điều này nếu "bạn không thể lờ đi những nhu cầu hiện tại của mình. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, ở...) và những nhu cầu không thiết yếu và thừa thãi khác."
2. Sử dụng thẻ tín dụng một cách có chiến lược
Chỉ 2 trong 3 nhà đầu tư triệu phú cho rằng họ xem tín dụng là cách tốt để tích luỹ làm giàu, trong khi 4 trong 5 nhà đầu tư cho rằng họ biết cần sử dụng tín dụng khi nào và như thế nào để có lợi cho tài chính của mình.
Dĩ nhiên, sách lược này không phải không chứa những rủi ro và điều bạn cần nhớ là tín dụng có thể tốn kém. Theo ông McBride, người tiêu dùng có thể làm điều này theo nhiều cách: Ai thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đầy đủ hàng tháng thường sử dụng một thẻ tích điểm và nhận được tiền mặt hay các hình thức thưởng khác cho các khoản chi tiêu mà bạn đã thực hiện. Bạn cũng có thể, thay vì vội vã thanh toán hết các khoản tiền vay (giả dụ là khoản vay cố định với lãi suất thấp) thì thanh toán theo định kỳ và sử dụng số tiền còn lại để đầu tư vào khoản khác.
3. Sử dụng chiến lược mua và nắm giữ dài hạn
85% nhà đầu tư triệu phú tham gia khảo sát cho biết họ có được khoản lợi nhuận đầu tư lớn nhất thông qua các chiến lược mua và nắm giữ dài hạn (có nghĩa mua các tài sản đầu tư như chứng khoán hay trái phiếu... và giữ chúng trong nhiều năm).
Đây cũng là lời khuyên đã được kiểm chứng của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Trả lời câu hỏi 'Các nhà đầu tư lo ngại về sự biến động mạnh trên thị trường cần phải làm gì?' của kênh truyền hình CNBC, huyền thoại xứ Omaha nói: "Tôi sẽ khuyên họ đừng chăm chắm theo dõi thị trường. Tiền lãi từ các tài sản đầu tư có được thông qua đầu tư...và bằng cách sở hữu cổ phiếu của những công ty tốt trong một thời gian dài. Nếu bạn mua cổ phiếu của các công ty tốt, hãy mua chúng với thời gian và thời điểm sinh lời lớn phải tính từ 10, 20, 30 năm kể từ lúc mua”.
4. Hãy để ý đến thuế
Hơn một nửa các nhà đầu tư triệu phú cho rằng các quyết định đầu tư có chú ý đến vấn đề thuế thường tốt hơn là chạy theo lợi nhuận cao hơn mà không đếm xỉa về những vấn đề thuế. Đó là vì những gì thực gì được tính là số tiền bạn thực lĩnh sau khi trừ thuế. Ngoài ra, việc quản lý thuế tồi trong hoạt động đầu tư có thể làm nhà đầu tư mất đi một phần lợi nhuận không hề nhỏ mỗi năm.
5. Đầu tư vào các tài sản hữu hình
Khoảng 1/2 các nhà đầu tư triệu phú cho biết họ có một số tài sản hữu hình như bất động sản hay đất nông nghiệp, những tài sản có thể tạo ra thu nhập và thường tăng về giá trị theo thời gian. Theo ông McBride, bất động sản có giá trị như là một nguồn thu nhập và một hình thức đa dạng hoá đầu tư. Song ông Jimmy Lee, CEO Công ty tư vấn Wealth ở Las Vegas cho rằng việc lựa chọn các hình thức đầu tư khác ngoài chứng khoán và trái phiếu để cân bằng các hạng mục đầu tư là một quyết định cá nhân, tuỳ vào tình hình tài chính của từng người. Ví dụ, nếu ai đó đã sở hữu nhiều bất động sản rồi thì không hẳn họ nên mua thêm bất động sản nữa.