5 cách tư duy ngược đời nhưng lại rất hợp lý giúp bạn có cách giải quyết mọi trúc trắc cuộc sống
Những lối tư duy này thoạt nghe thì khá kỳ khôi và mạo hiểm, nhưng nếu bạn ngẫm nghĩ và dám thử áp dụng, bạn sẽ nhận ra chúng… hợp lý đến không ngờ.
- 13-12-20224 sai lầm khiến bạn càng chạy theo tiền bạc càng nghèo khó: Hóa ra thứ bạn mong mỏi nhất lại chính là rào cản làm giàu
- 06-12-2022Đàn ông giàu hay nghèo, quan sát 4 đặc điểm này sẽ rõ chân tướng: Trước 30 tuổi sở hữu đủ tất cả thì không phú cũng quý, chắc chắn có sự nghiệp lớn
- 29-11-2022"Nữ thần chứng khoán" Trung Quốc: 18 tuổi nghiên cứu thị trường, 25 tuổi giàu sụ sau một phiên giao dịch nhờ "si mê" một cổ phiếu duy nhất
Jiddu Krishnamurti là triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng người Ấn Độ. Những bài giảng về chủ đề triết học, tinh thần của ông đã được tổng hợp trong khoảng 80 cuốn sách và dịch sang hơn 60 ngôn ngữ.
Trong 60 năm Krishnamurti diễn thuyết liên tục, người ta đã tìm đến và hỏi ông về nhiều vấn đề khác nhau: từ công việc đến tình cảm, từ riêng đến chung, từ vụn vặt đến to tát. Tuy nhiên, trước mọi câu hỏi đa dạng, trong lúc gợi mở về câu trả lời, Krishnamurti thường lặp đi lặp lại những “cách nghĩ” giống nhau và hết sức độc đáo.
5 phong cách tư duy dưới đây, được gợi ý trong “Đôi điều cần suy ngẫm” (cuốn sách nổi tiếng nhất của Krishnamurti), có thể giúp bạn tìm ra cách giải quyết xác đáng cho mọi trúc trắc bạn đang gặp phải.
1, Quên mọi thứ “người ta nói”
Trong “Đôi điều cần suy ngẫm”, Krishnamurti cho rằng để giải quyết thoả đáng mọi vấn đề, trước tiên, một người cần phải quên đi mọi ảnh hưởng của “người khác” trong tâm trí.
Lời khuyên răn của cha mẹ, thầy cô, người đi trước; truyền thống, khuynh hướng chung của xã hội; lời bàn ra tán vào của bà con, hàng xóm; triết lý, học thuyết, ý kiến của ai đó… Krishnamuti cảnh báo bạn đọc nhận thức những ảnh hưởng đó và không cho chúng tác động lên trí não.
Tại sao lại như vậy? Vị triết gia cho rằng cuộc sống này vô lượng, rộng lớn hơn bất kỳ một kinh nghiệm nào. Cuộc sống tựa như dòng sông không ngừng tuôn chảy, và cái-đang-là trước mắt bạn luôn biến đổi. Không triết lý hay kinh nghiệm của ai đó có thể áp dụng được để giải quyết vấn đề mà bạn đang đối mặt trong hiện tại.
2, Rũ bỏ cái biết của quá khứ
Ngoài ảnh hưởng của người khác, theo Krishnamurti, điều tiếp theo mà chúng ta cần phải liên tục gạt bỏ, chính là những kinh nghiệm và thói quen của chính bạn.
“Nếu bạn và tôi, ta có thể rửa sạch trí não mỗi ngày, giải thoát nó khỏi những hồi tưởng của ngày hôm qua, thì mỗi người chúng ta sẽ có một trí não tươi mới trở lại, một trí não đủ sức giải quyết bất kỳ vấn đề nào của cuộc sống”, nhà tư tưởng nói.
Để minh hoạ, một câu chuyện được dẫn ra trong “Đôi điều cần suy ngẫm”. Một nhà toán học nổi tiếng đã bí bách nhiều ngày trước một bài toán khó. Dù suy nghĩ rất nhiều, nhưng ông vẫn không thể nào tìm ra lời giải. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, khi ông chỉ đi dạo và không suy nghĩ gì cả, đột nhiên đáp án lại hiện ra trong tâm trí ông.
Điều gì đã xảy ra? Trí não ông, nhờ yên tĩnh, đã được tự do để nhìn vào vấn đề, và tự bản thân vấn đề tiết lộ đáp án. Tương tự như vậy, ta phải có thông tin về một câu hỏi cuộc sống, nhưng trí não phải thoát khỏi những thông tin đó thì cái mới mẻ và cách giải quyết mới xuất hiện.
3, Quên đi mọi khao khát thay đổi
Trong 60 năm thuyết giảng, Krishnamurti gặp rất nhiều câu hỏi liên quan đến thay đổi bản thân. Chẳng hạn: Làm sao để trở nên khiêm nhường hơn? Làm sao để yêu thương? Làm sao để hạnh phúc?...
Tuy nhiên, trong các lời hồi đáp của mình, Krishnamurti chỉ ra một nghịch lý: Để thật sự muốn thay đổi bản thân, một người cần phải lãng quên đi chính mong muốn thay đổi đó.
Ông cho rằng trong mọi khao khát chuyển hoá đều hàm chứa mầm mống xung đột và đấu tranh - bạn đang xung đột giữa “cái bạn đang là” và “cái bạn nên là”. Như khi bạn cố hoàn thành một nhiệm vụ sếp giao, cố thành công hơn trong nghề nghiệp, cố trở thành một người có đạo đức tốt…; chính lúc ấy bạn đang không hài lòng với bạn của hiện tại.
“Không bằng lòng với hiện trạng của mình chính là khởi đầu của ghen tị”, Krishnamurti nói.
Mà một hành động phát xuất từ xung đột, mâu thuẫn, sẽ không dẫn đến những thành tựu hay thay đổi tốt đẹp thực sự, dù nó có thể “trông có vẻ rất tốt đẹp”, theo Krishnamurti.
4, Chỉ nhìn vào cái-đang-là
Nhưng nếu một người quên đi những khao khát thay đổi, thì tiến bộ có thể được khởi sinh từ điều gì? Krishnamurt cho rằng mọi công cuộc thay đổi và cách mạng đều nảy sinh chỉ từ việc quan sát hiện tại, cái-đang-là. “Trong việc hiểu được mình đang là gì đã hàm chứa sự chuyển hoá”, ông cho hay.
Ví dụ, nếu bạn thấy rằng mình đang lười biếng, và nếu bạn thấu hiểu sự lười biếng đó (mà tuyệt đối không nỗ lực để thay đổi nó thành điều gì khác), thì trong trạng thái đó, sự lười biếng sẽ tự động biến mất.
5, Sống mà không cần cố gắng, kỷ luật
Cuối cùng, đây là một đỉnh cao của nghệ thuật sống, được Krishnamurti giải thích rất tinh tế và kỹ lưỡng trong các bài nói chuyện của mình.
Theo đó, vị triết gia cực lực chê trách mọi sự kỷ luật, cố gắng - dù ở cấp độ cá nhân hay tổ chức. Ông cho rằng khi nào một người sống hài hoà với chính mình và được là chính mình, thì năng lượng của người đó sẽ tự động di chuyển thật trật tự và hợp lý. Còn ngược lại, mọi sự ép buộc, cưỡng bức - hiện diện dưới dạng kỷ luật, cố gắng và nỗ lực - đều “áp chế” năng lượng của ta, tạo nên xung đột trong nội tâm và khiến ta sống bất tự nhiên.
“Nếu bạn quan sát những người lớn xung quanh, bạn sẽ thấy cuộc sống đối với đa số bọn họ là một chuỗi những cuộc chiến dai dẳng với chính họ, với vợ hay chồng họ, với những người lân cận, với xã hội; và cuộc chiến đấu triền miên này làm tiêu tan hết năng lượng sống. Chỉ những người vui vẻ, thực sự hạnh phúc, mới không bị vướng mắc vào sự cố gắng”, ông nói.
Cần phải nhấn mạnh rằng, sống không nỗ lực không có nghĩa là sống trì trệ, uể oải, tăm tối; trái lại, theo Krishnamurti, chỉ có người cực kỳ năng động và thông tuệ thì mới sống được ở cảnh giới “không cần cố gắng” này. Khi đó, mọi bước đi của người đó sẽ thật tự nhiên, hài hoà, như được chính cuộc sống nâng đỡ, tương trợ.
“Chiều hôm qua tôi thấy một chiếc thuyền đi ngược dòng sông với cánh buồm căng phồng đón cơn gió tây. Thuyền khá to, chở nặng củi cho thành phố. Mặt trời đang lặn dần, và chiếc thuyền ngược dòng nổi bật trên nền trời trông đẹp một cách kỳ lạ. Người thủy thủ đang lái nó mà không hề cố gắng, bởi vì gió đã làm hết mọi việc. Tương tự vậy, nếu mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu vấn đề đấu tranh và xung đột, thì tôi nghĩ ta có thể sống mà không cần cố gắng, sống hạnh phúc với nụ cười rạng rỡ trên mặt”, Krishnamurti nói.
Trong “Đôi điều cần suy ngẫm”, những chất vấn và kiến giải của nhà tư tưởng giúp người đọc tự gỡ bỏ được những cưỡng bức từ môi trường bên ngoài; từ đó họ tự tìm ra lối đi riêng để sống thật tự nhiên, tự do và viên mãn.
Được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất của Krishnamurti, cuốn sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và lọt danh sách 100 tựa sách tinh thần hay nhất của thế kỷ 20.
Trí thức trẻ