MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 địa phương bị nhắc tên trong báo cáo Thủ tướng về thất thoát, lãng phí

5 địa phương bị nhắc tên trong báo cáo Thủ tướng về thất thoát, lãng phí

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng về việc giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2021. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý phát hiện hàng trăm dự án có thất thoát, lãng phí; cùng với đó là các vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, quản lý chất lượng.

Báo cáo Thủ tướng về các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2021, qua kiểm tra phát hiện 185 dự án có thất thoát, lãng phí, thuộc các tỉnh: Thanh Hoá (90 dự án), Lạng Sơn (48 dự án), Sơn La (34 dự án), Quảng Nam (7 dự án), Quảng Ninh (6 dự án). Tổng số tiền thất thoát, lãng phí là 19 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2021 còn có 17 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 2 dự án vi phạm về quản lý chất lượng.

Số dự án chậm tiến độ là 1.921 dự án, chiếm 3,5% dự án thực hiện trong kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, bố trí vốn không kịp thời, năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu...

5 địa phương bị nhắc tên trong báo cáo Thủ tướng về thất thoát, lãng phí - Ảnh 1.

Năm 2021, cả nước có 1.921 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước bị chậm tiến độ.

Năm 2021, 3.494 dự án phải điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tiến độ, vốn, và các nguyên nhân khác... Trong đó, TPHCM điều chỉnh nhiều nhất là 660 dự án, Hà Nội theo sau với 341 dự án, Đồng Nai 258 dự án...

Bộ KH&ĐT nhận định, trong khi nguồn vốn còn hạn chế, việc giải ngân không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Các dự án phải điều chỉnh là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Về công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư, tổng kế hoạch vốn nhà nước năm 2021 là 846,5 nghìn tỷ đồng. Giá trị thực hiện đạt 71,9% kế hoạch (604,3 nghìn tỷ đồng).

Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch, thấp nhất là Tổng công ty Giấy Việt Nam (0%), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (15%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (17%), Bà Rịa - Vũng Tàu (17%), Bộ Y tế (18%).

Một số đơn vị khác có số liệu về kế hoạch vốn đầu tư không đầy đủ, hoặc có sai số. Cụ thể, tỉnh Bình Định, Ủy ban dân tộc, Tổng công ty đường sắt Việt Nam không có số liệu giá trị khối lượng thực hiện. Bộ Nội vụ (không có số liệu giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân).

Các tỉnh: Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có giá trị giải ngân cao hơn giá trị khối lượng thực hiện.

Hội nông dân Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có sai số về đơn vị tính. Số liệu kế hoạch vốn đầu tư trong kỳ theo 2 đơn vị này báo cáo tương ứng là 59.992 tỷ đồng và 197.847 tỷ đồng, tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ ra là không phù hợp.

Nhiều đơn vị chây ì báo cáo

Bộ KH&ĐT cho biết, số liệu báo cáo chốt danh sách đến ngày 31/3/2022, có 110/125 cơ quan, 62/63 tỉnh thành, 31/41 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty gửi báo cáo.

Trong số các đơn vị không báo cáo, thì Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước có 5 năm liên tiếp không thực hiện (từ năm 2017). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ 2018 đến nay cũng không thực hiện báo cáo.

Đến ngày 31/3, hệ thống đã cập nhật 36.993/58.175 dự án thực hiện trong kỳ (đạt tỷ lệ 63,6%).

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên