MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điều cần làm khi trẻ sống khép mình

10-10-2022 - 21:44 PM | Sống

Đây đều là những cách đơn giản nhưng hiệu quả, giúp trẻ sớm hòa đồng được với mọi người.

Lối sống tích cực, chủ động là điều tất cả mọi người nên hướng tới để có chất lượng cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh hơn. Với trẻ nhỏ, đây là cách sống cực kỳ quan trọng, giúp phát triển bản thân và hướng tới thành công trong tương lai. Sự tích cực, chủ động, hòa đồng nếu được rèn luyện từ nhỏ sẽ mang lại lợi ích to lớn như: Trở thành tâm điểm, cảm thấy tự tin và hạnh phúc, luôn có cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực, truyền động lực cho mọi người,…

Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con đang sống khép kín hay chưa thật sự hòa đồng, hãy khéo léo giúp con cải thiện. Dưới đây là một số phương pháp mà cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng.

1. Cùng trẻ luyện tập cho những tình huống đòi hỏi kết nối xã hội

Đối với những đứa trẻ sống khép kín, trẻ sẽ ngại giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy, kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống gặp hạn chế. Trước vấn đề gì xảy ra bất ngờ, trẻ sẽ loay hoay không biết cách xử lý, thậm chí là không biết nhờ mọi người xung quanh hỗ trợ. Điều này có thể để lại hệ lụy và ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

5 điều cần làm khi trẻ sống khép mình - Ảnh 1.

Hãy thường xuyên chơi trò đóng vai cùng con để giải quyết những tình huống đòi hỏi sự kết nối trong xã hội. (Ảnh minh họa)

Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ những tình huống xã hội đơn giản thường ngày qua trò chơi đóng kịch. Chẳng hạn như trẻ cần luyện tập tình huống chào hỏi người khác bằng cách nhìn vào mắt họ, nói rõ ràng và nở nụ cười thân thiện. Hay trẻ phải học cách tìm sự cứu trợ xung quanh nếu bản thân đang gặp nguy hiểm.

Bên cạnh đó, trẻ cũng nên chủ động đặt những câu hỏi: "Là gì?", "Như thế nào?", "Tại sao?",… để tìm hiểu những vấn đề xung quanh từ người khác. Đây là cách giúp trẻ gạt bỏ sự ngượng ngùng, e ngại, sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện.

2. Khích lệ trước những thất bại của trẻ

Có những đứa trẻ rất thoải mái trước áp lực đám đông. Nhưng cũng có những đứa trẻ đột nhiên rơi vào trạng thái vụng về, nói lắp bắp hoặc không biết phải nói gì dù trước đó đã luyện tập nhiều. Những đứa trẻ này đang thiếu tự tin, cần được cha mẹ kịp thời giúp đỡ.

Lúc này, cha mẹ nên thể hiện sự chân thành để giúp trẻ vượt qua, khiến trẻ không còn sợ hãi khi đứng trước đám đông. Những lời động viên như: "Mẹ thấy phần chào hỏi đầu tiên của con rất tốt. Nhưng phần sau con bị hơi run đúng không? Không sao, dần dần con sẽ tiến bộ". Nhờ những lời khích lệ sẽ giúp trẻ cảm thấy bớt nặng nề trước những khó khăn, thất bại. Và trẻ sẽ tự tin dám thử lại ở lần sau.

5 điều cần làm khi trẻ sống khép mình - Ảnh 2.

Những lời khích lệ, động viên sẽ giúp trẻ tự tin vào bản thân mình, dám mở lòng để trao đổi với mọi người. (Ảnh minh họa)

3. Tạo dựng cho con "giá trị bên trong"

Một đứa trẻ không thể tự tin giao tiếp trước đám đông nếu như trẻ chẳng biết nói gì với mọi người. Nội lực bên trong của trẻ chính là thứ cha mẹ cần vun đắp qua nhiều ngày tháng trong chính gia đình. Ví dụ như cha mẹ có thể kể cho con nghe nhiều câu chuyện, hướng dẫn trẻ đọc các loại sách phù hợp với độ tuổi, xem những bộ phim nội dung bổ ích.

Những kiến thức trong sách vở hay kinh nghiệm ngoài cuộc sống sẽ là "chất ngọc" giúp trẻ có được kiến thức sâu rộng, suy nghĩ độc lập. Khi trẻ có được nhiều "giá trị bên trong", những lời trẻ nói ra sẽ có tính thuyết phục cao, thu hút sự chú ý của mọi người. Hơn thế, việc tạo dựng "giá trị bên trong" sẽ giúp trẻ trở nên chững chạc, tự tin hơn rất nhiều.

5 điều cần làm khi trẻ sống khép mình - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

4. Tập trung tương tác 1 – 1

Nhiều trẻ nhút nhát sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu chỉ tiếp xúc với một người, thay vì cả đám đông. Vì vậy, cha mẹ nên sắp xếp lịch cho trẻ đi chơi cùng một người bạn thân nào đó để có cơ hội tập luyện các kỹ năng xã hội và thắt chặt tình bạn.

Ngay cả khi chỉ có một người bạn tốt, trẻ cũng vui vẻ hơn và giảm nguy cơ bị bắt nạt. Nếu cần thiết, cha mẹ có thể tập với con cách cư xử trước khi có khách tới nhà hoặc trước khi con đi chơi với bạn.

5. Dạy trẻ biết quan tâm đến ngoại hình

Cũng giống như người lớn, những đứa trẻ sẽ tự tin hơn nếu có vẻ ngoài thu hút. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn con chăm chút ngoại hình bằng cách thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Bên cạnh đó, trang phục dành cho trẻ cũng là một yếu tố quan trọng. Bộ quần áo, giày dép, mũ nón mà cha mẹ chuẩn bị cho trẻ cần đảm bảo phù hợp với vóc dáng và hoạt động tham gia. Điều này khiến trẻ được bạn bè, thầy cô khen ngợi, nhờ đó trẻ sẽ thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự tin hơn khi đứng trước tập thể.

Ngoài ra, để trẻ hạn chế lối sống khép mình, mạnh dạn và thoải mái trình bày những ý tưởng, chính kiến thì rất cần sự khuyến khích, lời khen ngợi kịp thời của cha mẹ. Đừng nên so sánh, quát nạt trẻ trước mặt người khác. Cha mẹ không nên khiến trẻ ảo tưởng về bản thân bởi dễ sinh tự cao nhưng cũng đừng để trẻ mặc cảm vì như thế, trẻ càng sống khép mình hơn. Luôn tôn trọng trẻ, luôn khiến trẻ có vị trí quan trọng là cách để cha mẹ dạy cho con vững vàng đối diện trước đám đông.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên