5 điều độc nhất đầy tự hào ở tòa nhà 5.500 tỷ đồng của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất Việt Nam
Tòa nhà này sở hữu thiết kế "trời tròn đất vuông" đặc sắc, 575 chiếc ghế tự biết "xếp hàng" và giàn đèn pha lê 5 tấn.
Mất 15 năm để đi từ ý tưởng tới hoàn thiện
Nhà Quốc hội là nơi làm việc của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công trình mang dáng vóc và ý nghĩa to lớn của một công trình được thiết kế đặc biệt, hội tụ tinh hoa kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến. Nhà Quốc hội ghi dấu ấn về một sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam và thực sự vươn tới tầm vóc biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, một niềm tự hào của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Công trình Nhà Quốc hội khởi công từ tháng 10 năm 2009 và hoàn thành vào tháng 10 năm 2014, trên khu đất rộng 0,8 ha. Tòa nhà có hướng chính Tây giáp đường Độc Lập hướng ra Quảng trường Ba Đình, phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ đối diện với Văn phòng Trung ương Đảng, phía Đông giáp đường Hoàng Diệu nhìn ra Hoàng thành Thăng Long, và phía Nam giáp đường Bắc Sơn đối diện với Bộ Ngoại giao.
Nhà Quốc hội có kích thước mặt sàn là 102m x 102m, cao 39m với 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng vốn đầu tư 5.517,59 tỷ đồng, và mất 15 năm để hoàn thiện từ khi lên ý tưởng khởi đầu.
Kỹ sư Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình trụ sở Nhà Quốc hội - cho biết, Nhà Quốc hội có tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ. Tính riêng đường dây điện chính cả tòa nhà đã dài tới cả ngàn km.
Thiết kế "trời tròn đất vuông" đặc sắc
Công trình được lấy cảm hứng từ sự tích "Bánh chưng, bánh dày" đậm chất truyền thống văn hóa Việt với hình tròn tượng trưng cho Mặt trời, Người cha và hình vuông cho Trái đất, Người mẹ. Phòng họp chính được đặt trên 8 cột tròn vòng quanh sảnh chính như một vương miện quý, có vách nghiêng và không gian mở tại lối vào để quan sát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sảnh chính là nơi diễn ra các nghi lễ đón tiếp, có diện tích 2.900m2, xung quanh là các phòng tiếp khách, phòng hội đàm và phòng đa năng, thiết kế trang trọng.
Tám cột chính của sảnh được chạm khắc hình sóng nước, mang biểu tượng Thủy Ba từ nghệ thuật điêu khắc truyền thống, hỗ trợ phòng Diên Hồng như một điểm nhấn kiến trúc đặc biệt, cũng với vách nghiêng hướng ra không gian mở tại cửa vào, hướng tầm nhìn ra Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phòng Diên Hồng - phòng họp chính nằm ở trung tâm tòa nhà, hình dáng cơ bản là hình tròn. Tên gọi Diên Hồng được lấy cảm hứng từ Hội nghị Diên Hồng của vua và các quan nhà Trần diễn ra vào cuối tháng Chạp năm 1284.
Có ba cửa vào ở tầng 3 dành cho đại biểu Quốc hội từ hướng Đông, Tây và Bắc, trong khi khách mời và người tham quan được phép vào từ hai cửa Bắc và Nam ở tầng 5.
575 chiếc ghế tự biết "xếp hàng" và giàn đèn pha lê 5 tấn
Về trang thiết bị, phòng Diên Hồng được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại như hệ thống điểm danh tự động, đăng ký phát biểu và bình chọn điện tử. Trong phòng còn có máy quay phim và màn hình để thể hiện thông tin phiên họp và phát sóng trực tiếp tới Trung tâm báo chí để phóng viên có thể thu thập thông tin và đưa tin về các phiên họp.
Hai bên hội trường đặt hai màn hình lớn giúp đại biểu, khách mời và khán giả có thể dễ dàng theo dõi diễn biến trong hội trường.
Nội thất trong phòng họp Diên Hồng, quan sát có thể thấy, trên trần nhà là một hệ thống đèn pha lê gồm có 4.500 bóng đèn LED chiếu sáng với công suất lớn, trọng lượng lên tới gần 5 tấn (4.882 kg). Hệ thống đèn chiếu sáng tạo lên sự uy nghiêm mà không hề khô cứng như các phòng họp truyền thống khác.
Phòng họp Diên Hồng gồm hai tầng, tầng một 575 ghế ngồi của đại biểu, tầng hai phía sau có 390 ghế ngồi cho khách và đại biểu dự thính.
Đặc biệt, 575 chiếc ghế tại phòng Diên Hồng đều được xếp thẳng hàng thẳng tắp không một chút sai sót nào bởi đây là chiếc ghế dành riêng cho các Đại biểu quốc hội. Nó có thể tự lùi về phía sau 15cm, xoay 360 độ nhưng không hề gây ra bất kỳ tiếng động nào để đảm bảo sự nghiêm trang cho các phiên họp và khi thả tay ra nó sẽ tự động trở về vị trí cũ.
2 hầm khảo cổ dưới lòng đất
Toà nhà Quốc hội Việt Nam là trụ sở Quốc hội duy nhất trên thế giới sở hữu 2 hầm khảo cổ dưới lòng đất được phát hiện và đưa vào sử dụng cho hoạt động tham quan. Khu trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội có độ sâu dưới mặt đất từ 7m đến 13m, với tổng diện tích khoảng 3.700 m², trưng bày hơn 400 di vật và gần 10 di tích, trải dài từ thời Tiền Thăng Long đến thời Thăng Long.
Nơi đây trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội vào những năm 2008-2009 dưới 2 tầng hầm của tòa nhà.
Trong mỗi không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những "điểm nhấn" tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời những "câu chuyện kể" về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa, trung tâm quyền lực lâu đời của quốc gia Đại Việt trong lịch sử được diễn giải sinh động qua di tích, di vật với những chủ đề và phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc cùng hệ thống sa bàn, hình ảnh và ánh sáng hiện đại.
Con đường tranh nghệ thuật
15 nghệ sỹ với hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề từ khắp TP. Hà Nội, Thái Bình, ThừaThiên - Huế đã chung tay hoàn thiện các tác phẩm nghệ thuật tại lối đi xuống tầng hầm Nhà Quốc hội vào giữa tháng 11 năm 2018.
Các tác phẩm nghệ thuật đa dạng về chất liệu, từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến chất liệu sắp đặt đa phương tiện, video - art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… đã phủ kín hơn 500m dài trong không gian lớn, thiết kế theo địa hình của 3 khu vực đường hầm nhà Quốc hội (tầng hầm nhỏ, tầng hầm lớn và lối xuống hầm nhà để xe).
Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng các hình thức nghệ thuật đương đại, các nghệ sỹ đã dùng các tác phẩm của mình như một hình thức đối thoại và phản ánh cách nhìn sáng tạo với những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc.
Các tác phẩm trưng bày tại đường hầm Nhà Quốc hội đã tạo ra con đường tranh nghệ thuật - một không gian kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới hầm Tòa nhà Quốc hội. Vì vậy, Nhà Quốc hội cũng là một bảo tàng nghệ thuật đương đại quan trọng tại Việt Nam.
Đời sống và pháp luật