5 ‘đòn tâm lý’ biến Amazon Prime thành chương trình trả phí có sức ‘hủy diệt’ nhất thế giới: Khiến hàng trăm triệu thành viên mua sắm điên cuồng dù có nhu cầu hay không
Một người tiêu dùng chia sẻ: "Mua hàng trên đó thật nhanh chóng và dễ dàng. Tôi đã kiềm chế bản thân truy cập Amazon Prime mỗi ngày nhưng đều thất bại".
- 17-10-2021Quyền lực độc tài: Amazon giống như 'một con quái vật' phải được cho ăn mỗi phút
- 14-10-2021Amazon lại bị tố ‘lươn lẹo’: Copy sản phẩm trắng trợn, tự sản xuất rồi bán với giá rẻ hơn nhiều, ưu tiên xuất hiện trên kết quả tìm kiếm
- 14-10-2021Động thái của Amazon khiến FedEx, Ups lo sợ: Mua máy bay cỡ lớn để tự vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới
Dù thích Amazon hay không, chúng ta đều phải thừa nhận rằng gã khổng lồ thương mại điện tử này thực sự rất giỏi trong việc thu hút mọi người mua hàng. Amazon đã dùng nền tảng dễ sử dụng cùng hàng loạt chương trình giảm giá sâu để phát triển thành đế chế trị giá 1,7 nghìn tỷ USD như hiện nay. Và Amazon Prime – dịch vụ ra mắt lần đầu năm 2005, đóng vai trò lớn trong sự thống trị của Amazon.
Prime là dịch vụ tiện ích cho khách hàng VIP có mức phí hàng tháng là 12,99 USD. Nó cung cấp nhiều quyền lợi như mua hàng với ưu đãi lớn, giao hàng miễn phí trong 2 ngày, quyền truy cập vào Amazon Prime Video cùng hàng loạt ưu đãi độc quyền trong Amazon Prime Day.
Prime mang lại lợi thế cạnh tranh cho Amazon so với các nhà bán lẻ lớn khác như Walmart và Target. Theo thống kê, hiện có tới 200 triệu người là thành viên của Prime, 150 triệu người trong số đó sống ở Mỹ. Prime được nhiều người gọi là "chương trình thành viên thành công và có sức ‘hủy diệt’ lớn nhất trên Internet".
Một người tiêu dùng chia sẻ: "Mua hàng trên đó thật nhanh chóng và dễ dàng. Tôi đã kiềm chế bản thân truy cập Amazon Prime mỗi ngày nhưng đều thất bại".
Vậy bí mật thành công của Prime là gì? Dưới đây là những "đòn tâm lý" mà Amazon áp dụng:
Gia hạn miễn phí
Hầu hết người dùng Prime đều muốn tận dụng giảm giá tối đa, đồng nghĩa với việc đặt hàng nhiều hơn cần thiết. Khi một khách hàng muốn bỏ bản dùng thử miễn phí 30 ngày của Prime, đôi khi, Amazon sẽ gia hạn thời gian dùng thử thêm 7 ngày hoặc thậm chí là 30 ngày nữa. Và kết quả là người đó bị thuyết phục và trở thành người đăng ký trả phí.
Với Amazon, việc tăng miễn phí 1 tháng sử dụng Prime đem lại nhiều lợi ích hơn đáng kể nếu người dùng đăng ký trả phí 1 năm. Vậy nên, họ không ngần ngại hào phóng gia hạn thêm.
Ship hàng thần tốc
Những kiện hàng được shipper đặt ngay ngắn trước cửa nhà.
Amazon từ lâu đã ưu tiên việc giao hàng nhanh chóng với quan niệm rằng điều đó cũng quan trọng ngang (hoặc hơn) giá rẻ.
Trong quý IV năm ngoái, Amazon đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD để mở rộng dịch vụ giao hàng trong ngày. Động thái này biến việc giao hàng trong ngày gần như thành tiêu chuẩn cho các nhà bán lẻ khác để cạnh tranh với Amazon.
Nhưng ngay cả khi đối thủ áp dụng hình thức giao hàng trong ngày, trải nghiệm với Prime vẫn có đủ sức giữ chân người tiêu dùng. Amazon giao hàng ngay trước cửa nhà hoặc tủ gửi hàng gần đó đồng thời liên tục cập nhật vị trí của kiện hàng trong ứng dụng di động. Khi đến nơi, người dùng sẽ nhận được hình ảnh kiện hàng ngay trước cửa nhà.
Tạo ra lễ hội mua sắm vào giữa năm
Khi giới thiệu Prime Day (ngày hội mua sắm hàng năm với vô số khuyến mại khủng) vào tháng 7/2015, Amazon đã tạo ra một lễ hội mua sắm hoàn toàn mới. Theo Amazon, mỗi năm, Prime Day lại đem về doanh thu nhiều hơn cho họ.
Ngoài dịp mua sắm cuối năm, giờ đây, hàng trăm triệu người dùng Prime đã quen với Prime Day thường diễn ra vào giữa năm – thời điểm sức mua trong năm có xu hướng suy giảm. Trong dịp này, Amazon tung ra những deal giảm giá lên tới 50 -70% đối với nhiều mặt hàng, trong đó có cả smartphone và không ít sản phẩm có giá trị khác.
Tạo trải nghiệm mua sắm thuận tiện
Amazon giúp người dùng có được thứ mình muốn dễ dàng hơn rất nhiều và tất nhiên, khiến họ chi tiêu nhiều hơn trên nền tảng này.
Nút "Mua ngay" trong ứng dụng trên thiết bị di động của Amazon được đánh giá là đem lại cảm giác hài lòng ngay lập tức: Không có quy trình rắc rối nào như chọn sản phẩm, xếp hàng, chờ thanh toán mà chỉ cần một vài thao tác thuận tiện, người tiêu dùng đã mua được hàng.
Amazon lưu địa chỉ giao hàng mặc định, phương thức thanh toán cũng như tùy chọn giao hàng để tạo ra trải nghiệm mua sắm chỉ bằng một vài lần nhấn nút. Thậm chí, công nghệ tạo ra nút "Mua ngay" cũng được cấp bằng sáng chế cho Amazon. Bằng cách giảm tối đa số lượng các bước, từ lựa chọn đến thanh toán, Amazon giúp người dùng có được thứ mình muốn dễ dàng hơn rất nhiều và tất nhiên, khiến họ chi tiêu nhiều hơn trên nền tảng này.
Quảng cáo đúng trọng tâm
Tất cả những điều trên sẽ khó thực hiện được nếu Amazon không có bộ dữ liệu khách hàng khổng lồ. Các thuật toán mà công ty sử dụng có khả năng giới thiệu sản phẩm phù hợp với khách hàng bằng cách theo dõi hành vi mua sắm của họ trên nền tảng, chẳng hạn như những gì họ đã mua hoặc xem gần đây.
Quảng cáo đúng trọng tâm, deal giảm giá chớp nhoáng và các đợt giảm giá trong Prime Day đã khiến không ít khách hàng mua sắm bốc đồng. Một nhà báo chia sẻ: "Năm ngoái, tôi đã chi đến 1.000 USD chỉ trong Prime Day và không cảm thấy tiếc một xu nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng ai cũng nên cân nhắc kỹ trước khi mua bất cứ sản phẩm nào và tự hỏi nó có thực sự cần thiết không ngay cả khi nó được giảm giá sâu".
Nguồn: CNBC
Doanh nghiệp và tiếp thị