5 lý do khiến thị trường chứng khoán hồi phục quá nhanh và quá mạnh sau khi bị Covid-19 tàn phá
Diễn biến của chứng khoán Mỹ càng trở nên khó hiểu hơn khi đặt trong bối cảnh kinh tế suy thoái và đại dịch khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ và dịch bệnh cũng chưa được kiểm soát.
- 15-09-2020Lý giải chiến lược đầu tư bí ẩn đứng sau đà tăng phi mã và cú sụt giảm ngoạn mục của một loạt cổ phiếu công nghệ trên Phố Wall
- 12-09-2020Chân dung cổ phiếu ít ai biết đến nhưng tăng nóng hơn cả Tesla
- 09-09-2020Phá bỏ quan điểm tránh xa cổ phiếu công nghệ, Warren Buffett mạo hiểm rót 570 triệu USD cho một công ty chuẩn bị IPO
Có thể nói đợt biến động dữ dội vừa qua của chỉ số công nghiệp Dow Jones đã kết thúc.
Dù có 1 lần điều chỉnh nhẹ trong tuần trước, Dow Jones đã lấy lại được toàn bộ số điểm đã mất vì đại dịch Covid-19. Đó là 1 hành trình đầy phiêu lưu trong bối cảnh kinh tế Mỹ trải qua một trong những cú lao dốc mạnh nhất trong lịch sử.
Mùa xuân 2020, khi nền kinh tế phải đóng cửa và virus lây lan khắp nước Mỹ, Dow Jones và S&P 500 đã mất khoảng 35% chỉ trong 6 tuần – đánh dấu cú chuyển mình từ mức đỉnh kỷ lục xuống thị trường con gấu nhanh nhất từ trước đến nay. Nhưng kể từ đó đến nay cũng chính thị trường này đang trải qua chuỗi tăng điểm mạnh nhất và dài nhất trong lịch sử thị trường tài chính hiện đại.
Dow Jones đang tiến sát mức đỉnh cao nhất mọi thời đại mà nó đạt được hôm 12/2, trong khi S&P 500 có 5 tháng tăng điểm mạnh nhất trong hơn 80 năm trở lại đây. Lần này S&P 500 đã đi từ đỉnh xuống đáy để rồi quay lại đỉnh chỉ trong 126 ngày giao dịch; trong khi trong năm 1928 chỉ số này mất trung bình khoảng 1.500 phiên để từ đáy quay trở lại đỉnh, tương đương khoảng 6 năm.
Diễn biến của chứng khoán Mỹ càng trở nên khó hiểu hơn khi đặt trong bối cảnh kinh tế suy thoái và đại dịch khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ và dịch bệnh cũng chưa được kiểm soát.
Wall Street Journal chỉ ra 5 lý do giải thích cho điều này.
1. Các biện pháp kích thích từ Fed và Quốc hội
Điểm khác biệt quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng lần này so với các lần trước là phản ứng của Cục dự trữ liên bang (Fed) và chính phủ Mỹ với những phản ứng nhanh nhạy và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Fed hạ lãi suất xuống gần 0 và vạch kế hoạch bơm hàng tỷ USD vào thị trường. Chính phủ phát tiền trực tiếp cho dân chúng với hơn 150 triệu tờ séc kích thích kinh tế và cũng dành cho các doanh nghiệp nhỏ các khoản vay trị giá 500 tỷ USD.
Các biện pháp ứng phó của chính phủ cùng với những bài học rút ra từ khủng hoảng tài chính 2008 đã giúp thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư cho biết lịch sử dạy họ rằng chống lại Fed là 1 ý tưởng tồi.
Dường như Fed cũng đã học được một vài bài học từ cuộc khủng hoảng trước. "Hành động sớm và quyết liệt là điều quan trọng", Patrick Harker, chủ tịch Fed Philadelphia nhận định hồi tháng 3.
Các biện pháp can thiệp của Fed đã đem đến 1 hiệu ứng bất ngờ khác: vì Fed ồ ạt mua vào trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ, lợi suất trái phiếu giảm mạnh và càng khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
2. Kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ
Nâng đỡ cho đà tăng của thị trường là niềm tin mãnh liệt rằng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.
Nhiều người tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. Hoạt động sản xuất tăng tốc trong tháng 8, số lượng việc làm tăng 4 tháng liên tiếp và chi tiêu tiêu dùng cũng đã hồi phục.
Có vẻ như đà suy giảm trong lợi nhuận doanh nghiệp cũng đã dừng lại. Lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 đã giảm 32% trong quý gần nhất, mạnh nhất kể từ 2009. Dù được dự báo sẽ giảm tiếp trong những tháng cuối năm nhưng tốc độ được cho là sẽ thấp hơn và các chuyên gia phân tích kỳ vọng sang năm 2021 lợi nhuận sẽ vượt qua mức trước đại dịch.
Jim Paulsen, CIO của công ty nghiên cứu Leuthold, nhận xét: "Trong cuộc khủng hoảng này mọi thứ đều có quy mô quá lớn và xảy ra quá nhanh. Nếu nền kinh tế tiếp tục hồi phục và tốc độ tăng trưởng GDP thực diễn ra đúng như dự báo, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm".
3. Sự thống trị của các ông lớn công nghệ
Khoảng cách giữa "người thắng" và "kẻ thua" trên TTCK là quá lớn và vẫn đang được nới rộng thêm. Các ông lớn công nghệ đã được hưởng lợi từ những thay đổi xã hội thúc đẩy bởi đại dịch và đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến thị trường.
Cổ phiếu Apple đã tăng 57% kể từ đầu năm đến nay và hiện đang có giá trị vốn hóa lớn hơn tổng giá trị vốn hóa của các công ty nhỏ trong chỉ số Russell 2000 hay lớn hơn cả tổng giá trị vốn hóa của chỉ số FTSE 100 theo dõi những công ty lớn nhất niêm yết trên sàn London. Ngược lại, các cổ phiếu thuộc những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch diễn biến rất tệ.
5 công ty lớn nhất trong S&P 500 – Apple, Amazon, Microsoft, Google và Facebook – hiện chiếm khoảng 23% tổng giá trị vốn hóa của chỉ số này, tỷ lệ cao nhất trong ít nhất là 30 năm trở lại đây.
Các nhà đầu tư đặt cược rằng tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn do người Mỹ tiếp tục làm việc tại nhà và mua sắm, giải trí trực tuyến. Cổ phiếu Amazon đã tăng 68%, Microsoft tăng 30%, Facebook tăng 30% và Alphabet tăng 13% kể từ đầu năm đến nay.
William Ackman, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Pershing Square Capital, nhận xét: "TTCK đang tập hợp những công ty lớn nhất và mạnh nhất chứ không đại diện cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu có 1 chỉ số gồm các công ty tư nhân nhỏ và vừa, chỉ số đó vẫn giảm ít nhất là 50%".
4. Sự quay trở lại của các nhà đầu tư cá nhân
Chúng ta không thể phớt lờ dấu ấn của đội quân các nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2020, họ đứng sau gần 20% các hoạt động trên thị trường, gần cao gấp đôi so với thời điểm năm 2010.
Chưa bao giờ giao dịch cổ phiếu lại dễ dàng đến thế. Những nhà đầu tư số 0 mắc kẹt trong nhà vì dịch bệnh đua nhau mở tài khoản mới, bị lôi cuốn bởi các dịch vụ miễn phí và cơ hội kiếm lời lớn. Họ giao dịch dựa trên những câu chuyện được bàn tán sôi nổi trong các nhóm Facebook hay Reddit, nghe theo những người ảnh hưởng mới nổi trên TikTok và trò chuyện với nhau cả ngày trên Discord.
Chủ yếu nhóm này rót tiền vào các cổ phiếu mà họ cho là sẽ hưởng lợi từ đại dịch hoặc có khả năng định hình lại các ngành. Cổ phiếu của công ty cá cược thể thao DraftKings tăng 354%, trong khi cổ phiếu của Eastman Kodak bỗng trở nên hot sau khi có tin đồn công ty sẽ nhận được khoản vay 765 triệu USD từ chính phủ để sản xuất thuốc. Kết quả là cổ phiếu của nhà sản xuất máy ảnh đã tăng 614% trước khi nhanh chóng xóa sạch phần lớn số điểm đã tăng lên.
5. Giao dịch thuận theo xu thế
Với cổ phiếu tăng trưởng 402% kể từ đầu năm đến nay, Tesla đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, công ty lớn thứ 8 ở Mỹ (đều xét theo giá trị vốn hóa) và cũng là 1 trong những công ty gây tranh cãi nhiều nhất.
Xét trên nhiều phương diện, Tesla đã tận dụng tối đa các đặc điểm của thị trường ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là làn sóng nhà đầu tư đuổi theo các công ty hứa hẹn sẽ tăng trưởng vượt bậc.
Dữ liệu từ Societe Generale cho thấy các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng ưa thích những cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh nhất trong 3 tháng gần nhất. Và họ đổ rất nhiều tiền vào các quỹ ETF đi theo chiến lược đầu tư theo xu thế (momentum trade). Trong trường hợp của Tesla thậm chí những nhà đầu tư bán khống đặt cược chống lại cổ phiếu này đã thua đau.
Khối lượng giao dịch các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu đã tăng vọt, lập kỷ lục mới, và với đà tăng của thị trường trong những tháng vừa qua thì nhà đầu tư càng "hăng máu" khi với hợp đồng phái sinh họ chỉ cần bỏ ra một lượng tiền nhỏ để nhanh chóng thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.
Nhưng hợp đồng phái sinh là "con dao hai lưỡi", các nhà đầu tư có thể khuếch đại lợi nhuận nhưng cũng có thể khiến mức thua lỗ tăng lên nhiều lần.