MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 nguyên nhân khiến nhân sự trong cơ cấu cứng trượt tại Đại hội

09-09-2020 - 12:23 PM | Xã hội

Một số nhân sự chuẩn bị không tốt, bị trượt chức danh lãnh đạo chủ chốt, cũng là cần thiết, điều đó khẳng định vị thế, vai trò của các đại biểu dự đại hội.

Một trong những hạn chế đã được Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra qua tổ chức Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, đó là công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có trường hợp là cán bộ chủ chốt.

Thực tế này cần được thẳng thắn nhìn nhận như thế nào để rút kinh nghiệm tổ chức thành công và trọn vẹn đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành, được dư luận đánh giá cao. Nhìn lại việc tổ chức đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, theo ông đâu là những kết quả nổi bật?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Theo tôi có một số kết quả nổi bật sau đây: Tất cả các đơn vị đại hội đều thực hiện đúng các quy định của Trung ương về công tác đại hội đảng. Số lượng, chất lượng thực hiện bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội tăng lên, có nhiều tỉnh đạt 100%, đem lại luồng không khí mới với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chất lượng tham gia góp ý kiến cho các văn kiện của cấp trên và cấp trung ương đã có sự chuẩn bị rất công phu, chất lượng tốt. Đặc biệt thông qua báo cáo chính trị của cấp mình, vấn đề nhân sự, được nhiều người quan tâm. Kết quả chung, cơ bản đã đảm bảo đúng nguyên tắc dân chủ và khách quan; đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như cơ cấu thành viên trong Ban Chấp hành.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng tiến độ công tác tổ chức được thực hiện tốt, an toàn.

Trung ương đã có sự chỉ đạo rất sát sao, ngay từ Ban Bí thư Trung ương đã thành lập 12 đoàn công tác cùng dự và rút kinh nghiệm chung. Đấy là những kết quả rất đáng để chúng ta khẳng định.

PV: Kết quả tổng kết cho thấy ở đại hội cấp trên cơ sở còn xảy ra tình trạng nhân sự được giới thiệu không trúng vào Ban Chấp hành, Ban thường vụ khóa này. Một đại hội mà bầu thiếu cấp ủy, nhân sự chủ chốt được giới thiệu lại không trúng cử, ông nhìn nhận thế nào về kết quả này?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Chúng ta đều biết Đại hội Đảng các cấp có nhiều nhiệm vụ, nhưng có hai nhiệm vụ then chốt, căn bản nhất và quan trọng nhất đó là thông qua báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khóa cũ và bầu cử nhân sự của cấp ủy khóa mới.

Cho nên công tác nhân sự đặc biệt ở những nơi giới thiệu người tái cử thuộc trách nhiệm chuẩn bị của cấp ủy khóa cũ và nhân sự chủ chốt tiếp tục được giới thiệu tái cử lại không trúng cử thì không thể nói đến thành công của Đại hội, cũng không thể kết luận là thành công tốt đẹp hay trọn vẹn.

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi có 5 nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất là công tác chuẩn bị nhân sự chưa được kỹ. Từ khâu đánh giá cán bộ chưa đúng, chưa sát theo yêu cầu của trung ương. Ví như đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả về công việc, uy tín, rồi kết quả các chức danh họ từng đảm nhiệm. Việc đánh giá chưa đúng dẫn tới nhiều người chưa hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành không tốt nhiệm vụ mình đã đảm trách, vẫn cứ đưa ra giới thiệu.

Thứ hai, cấp ủy nắm chưa sát tình hình nên đề cử chưa đúng.

Thứ ba, cũng có thể do năng lực, uy tín của họ thấp. Qua các bước cũng khá rõ rồi nhưng uy tín không cao hoặc chỉ hơn 50% nhưng vẫn trúng vào các bước tiếp theo nên họ vẫn đủ điều kiện. Trong khi đó, cấp có trách nhiệm không dám đưa ra để bàn thảo, loại bỏ ngay từ vòng ngoài trong vòng 5 bước đó, dẫn đến vào đại hội, người ta mượn đại hội để loại bỏ những thành phần như vậy.

Thứ tư, cũng có trường hợp cán bộ luân chuyển đến, về yêu cầu nhiệm vụ là hoàn toàn vô tư, khách quan, công tâm nhưng trong khoảng thời gian đến đơn vị mới, địa phương mới anh ta chưa thể hiện được năng lực hoặc cũng không có đủ thời gian để khẳng định độ chín của mình cho nên không được đồng nghiệp thừa nhận dẫn tới không đạt được mục tiêu.

Thứ năm, không loại trừ trường hợp làm đúng quy trình nhưng có trường hợp lách quy trình đưa người nhà, người thân quen vào cấp ủy một cách thô thiển như điều động, luân chuyển ngay trước hoặc trong đại hội làm cho dư luận bất bình. Mặc dù các cấp có thẩm quyền qua hết bước này bước khác nhưng không có chính kiến, không dám nói và cuối cùng là ngay cả những người trong cuộc cũng không bằng lòng, dẫn đến người dân nghi ngờ, không tin.

PV: Thưa ông, theo quy định, quy trình giới thiệu nhân sự cho đại hội phải qua quy trình 5 bước chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhân sự trượt cấp ủy, vì sao có thực tế này?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Nhiệm kỳ này, quy trình 5 bước của chúng ta khá chặt chẽ và quy định về chống chạy chức chạy quyền 205 được ban hành rất kịp thời, rồi những bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chỉ thị 35… cũng rất rõ ràng cho nên việc vận động phiếu bầu hoặc tung tin thất thiệt về đồng chí mình khi được bầu để hạ uy tín, giảm phiếu bầu của đồng chí mình đã giảm hẳn.

Cùng với đó, ý thức của cán bộ đảng viên cũng như người đứng đầu có sự chuyển biến, cho nên nhiệm kỳ này, tôi cho rằng việc rỉ tai nhau, vận động phiếu bầu có giảm đáng kể. Tuy nhiên không thể không nói đến trường hợp có quan hệ, có lợi ích nhóm hay quan hệ gia đình, dòng tộc… mà qua công tác điều chuyển cán bộ họ có thể lách để đưa vào một số vị trí mà chúng ta thấy có một số bị trượt, nếu không trượt thì người ta cũng đánh giá rất thấp.

PV: Có thể thấy việc một số đại biểu không trúng cấp ủy đã thể hiện phần nào những điểm bất thường tại Đại hội. Ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến này?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Trước hết phải nói là quy trình 5 bước đã rất dân chủ, từ phạm vi hẹp chỉ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, mà chúng ta đã có thêm bước nữa đó là bước “đại cử tri” – cán bộ chủ chốt, đến đại hội số này đông nhất và có thể nói họ rất sáng suốt, vô tư, khách quan.

Như vậy, rõ ràng dân chủ trong đại hội được khẳng định và chúng ta thấy quyền dân chủ của người tham dự đại hội được phát huy. Điều này đã góp phần ngăn chặn, ở 5 bước chúng ta đã làm tốt, nhưng đến bước cuối cùng đại hội không bầu, có nghĩa là đã loại ra được người chưa thực sự xứng đáng. Như vậy đương nhiên chúng ta dành vị trí ấy cho người xứng đáng hơn. Như vậy, việc một số trường hợp chuẩn bị không tốt mà bị trượt chức danh lãnh đạo chủ chốt, theo tôi cũng là cần thiết, điều đó khẳng định vị thế, vai trò của các đại biểu dự đại hội.

PV: Vậy theo ông, đâu là bài học cho công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội để tránh tình trạng “Nhân sự trong cơ cấu cứng trượt cấp ủy”?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Thứ nhất, phải xác định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như các chế tài đối với các chủ thể trong công tác nhân sự.

Thứ hai, phải bám sát các quy định của Trung ương, căn cứ vào đó để soi xét các cách làm đúng hay không, sai ở chỗ nào, thì phải có các quy định rất cụ thể, rõ ràng.

Thứ ba, phải thực hiện dân chủ, có môi trường dân chủ để cán bộ ta dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không bị trù úm.

Thứ tư là phát huy vai trò người đứng đầu, phải tìm ra người đứng đầu có đủ tài năng, đức độ và đủ bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó.

Cuối cùng là bài học về công tác kiểm tra theo dõi, giám sát của cấp trên trong việc nắm tình hình, trong đánh giá cán bộ và đặc biệt trong quá trình phê duyệt nhân sự, phải biết lắng nghe nhiều chiều, không để xảy ra những tình trạng đáng tiếc nêu trên.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Lại Hoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên