MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 nguyên tắc hữu ích cha mẹ nên áp dụng khi trẻ khăng khăng làm theo ý mình

04-08-2024 - 12:28 PM | Sống

Khi trẻ khăng khăng đòi làm theo ý mình, không ít phụ huynh cảm thấy bực bội và tức giận.

5 nguyên tắc hữu ích cha mẹ nên áp dụng khi trẻ khăng khăng làm theo ý mình- Ảnh 1.

Trẻ cần hiểu về các quy tắc dù tự ra quyết định. Ảnh minh họa: INT.

Nhiều người cho rằng, trẻ đang thách thức mình nên giận dữ quát mắng con. Trong khi đó, nếu bình tĩnh, họ sẽ nhận ra rằng, sự nóng nảy, cáu gắt không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến tình hình thêm xấu đi.

Những đứa trẻ bảo thủ, cố chấp và bướng bỉnh luôn muốn tự làm và thực hiện mọi thứ theo cách riêng của mình. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao xung đột giữa cha mẹ và con ngày càng “chồng chất”.

Các chuyên gia cho rằng, nuôi dạy một đứa trẻ bảo thủ đòi hỏi phụ huynh phải kiên nhẫn, bình tĩnh, đồng cảm và duy trì cảm xúc ổn định, đồng thời cần tránh thái độ áp đặt, bắt buộc trẻ phải thực hiện mà không giải thích một cách cụ thể, đầy đủ.

5 lời khuyên dưới đây để phụ huynh và con dễ dàng thỏa hiệp, cũng như tìm kiếm sự cân bằng trong mọi tình huống.

Để trẻ đưa ra lựa chọn

Những đứa trẻ cố chấp thường thích làm chủ bản thân. Trong trường hợp này, phụ huynh hãy cho trẻ nhiều cơ hội để có quyền quyết định cuộc sống của chính mình.

Holly Nordenberg - huấn luyện viên nuôi dạy con ở Madison, Wisconsin (Mỹ), cho biết: “Hãy để trẻ đưa ra những lựa chọn không quan trọng trong kế hoạch tổng thể của mọi thứ, như mặc gì, dùng cốc màu gì hoặc sử dụng xích đu nào ở công viên”.

Chuyên gia nuôi dạy con Lorie Anderson đồng tình với quan điểm này. Anderson là người sáng lập Mom Informed - một trang web cung cấp hướng dẫn và nguồn lực cho các cha mẹ có trẻ từ giai đoạn sơ sinh cho đến thanh thiếu niên. Tuy nhiên, phụ huynh hãy nhớ rằng, điều quan trọng là cần đưa ra lựa chọn sẽ dẫn đến những quyết định đúng đắn.

Ví dụ, khi bên ngoài trời lạnh, phụ huynh hỏi con gái muốn mặc áo len màu hồng hay xanh, bởi có quyết định thế nào thì trẻ cũng sẽ cần mặc thứ gì đó để giữ ấm. Cha mẹ cũng có thể làm điều tương tự khi hỏi con muốn ăn tráng miệng quả việt quất hay quả cam. Bởi, dù sao thì trẻ cũng ăn trái cây.

Đặt kỳ vọng

Mặc dù muốn để trẻ là chính mình và tự đưa ra những lựa chọn riêng, nhưng phụ huynh cũng phải đặt ra một số quy tắc.

Chuyên gia Anderson nói: “Cách dễ nhất để thực thi các quy tắc là thiết lập một thói quen cố định. Ví dụ, trẻ cần làm bài tập về nhà ngay sau giờ học, hoặc đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối. Khi đó, trẻ sẽ học cách tự mình thực hiện các kế hoạch và không để cha mẹ phải giám sát. Chúng sẽ cảm thấy độc lập hơn”.

Nói một cách đơn giản, các quy tắc là một phần của cuộc sống. Do đó, việc học về các quy tắc khi ở nhà sẽ giúp trẻ hiểu cách sống trong một cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các quy tắc giúp tạo ra cấu trúc. Điều quan trọng là cha mẹ phải nhất quán với những hậu quả khi chúng vi phạm.

Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể cho con tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận về những quy tắc và giới hạn. Điều đó một lần nữa trao cho trẻ một số quyền quyết định đối với cuộc sống của chính mình. Đồng thời, đặt ra những kỳ vọng để trẻ hiểu được lý do đằng sau các quy tắc.

5 nguyên tắc hữu ích cha mẹ nên áp dụng khi trẻ khăng khăng làm theo ý mình- Ảnh 2.

Những đứa trẻ bảo thủ, cố chấp và bướng bỉnh luôn muốn tự làm và thực hiện mọi thứ theo cách riêng của mình. Ảnh minh họa: INT.

Xoa dịu trẻ

Phụ huynh hãy tự hỏi liệu mình có đang thực hành những kỹ năng và hành vi mà bản thân muốn con mình có và thể hiện hay không. Nếu cha mẹ cũng là người bảo thủ, có phản ứng cố chấp trong một tình huống nào đó, thì trẻ cũng có thể học theo và sẽ làm theo ý muốn cá nhân.

Thay vào đó, phụ huynh hãy thừa nhận cảm xúc của con. Đồng thời, đảm bảo rằng, trẻ biết cảm xúc của mình là quan trọng và có giá trị; hãy giúp con tìm giải pháp và thực hành các kỹ thuật xoa dịu khi mọi thứ không theo ý muốn. Huấn luyện viên Nordenberg nói: “Cần sự kiên nhẫn và nhất quán, nhưng những kỹ năng này là vô giá, ngay cả ở độ tuổi rất trẻ”.

Cha mẹ cần thực hành các kỹ thuật xoa dịu trước khi con mình thực sự buồn bã. Việc xoa dịu đúng lúc sẽ giúp trẻ có động lực. Cha mẹ hãy yêu cầu con đưa ra ví dụ về những lúc chúng cảm thấy căng thẳng. Sau đó, khuyến khích trẻ chia sẻ về cách có thể làm để giúp cơ thể và tâm trí bình tĩnh lại.

Phụ huynh có thể đưa ra những gợi ý như cùng nhau đi dạo bên ngoài hoặc hít thở sâu và chậm. Phương pháp này sẽ giúp trẻ biết cách lấy lại tinh thần khi buồn bã.

Đối với những đứa trẻ nhỏ hơn, như các bé mới chập chững biết đi, lứa tuổi này vẫn đang tìm hiểu về cảm xúc. Khi đó, phụ huynh có thể hỏi con cảm thấy thế nào vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Ví dụ, cha mẹ nên hỏi: Con có hạnh phúc không? Con có phấn khích không? Con có đang bực bội hay ghen tị không? Con buồn à?

Sau đó, khi trẻ buồn, cha mẹ hãy hỏi xem liệu con có muốn nói về chuyện đó không. Đôi khi, trẻ có thể từ chối nói về điều khiến bé buồn, nhưng không sao cả. Phụ huynh hãy cho con vài phút.

Vào một thời điểm nào đó, trẻ sẽ sẵn sàng nói về cảm xúc của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tìm ra một số giải pháp. Hãy nhớ rằng, những sự ủng hộ tích cực, chẳng hạn như lời khen ngợi hoặc một cái ôm, có thể có tác dụng lâu dài.

5 nguyên tắc hữu ích cha mẹ nên áp dụng khi trẻ khăng khăng làm theo ý mình- Ảnh 3.

Phụ huynh nên hỏi con cảm thấy thế nào vào nhiều thời điểm khác nhau. Ảnh minh họa: INT.

Để trẻ trải nghiệm

Một số trẻ phải học thông qua trải nghiệm. Vì vậy, dù cha mẹ cố gắng ngăn cản đứa con cố chấp của mình làm điều gì đó, thì trẻ vẫn có thể thực hiện điều bản thân muốn bằng mọi giá.

“Nhiệm vụ của bạn là đảm bảo con không bị tổn thương quá nhiều. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể để con học bằng cách thực hành thay vì lắng nghe. Cách làm này sẽ kiểm tra các giới hạn, nhưng trẻ cũng sẽ biết được điều gì sẽ xảy ra khi làm những điều nhất định. Đó là điều tốt”, chuyên gia Anderson nói và cho rằng, phụ huynh nên đưa ra cảnh báo thay vì chỉ dẫn.

Ví dụ, nếu yêu cầu con đội mũ trùm đầu lên vì trời đang mưa, nhưng trẻ không làm và khiến tóc bị ướt, trẻ sẽ bắt đầu nhận ra rằng, điều quan trọng là phải cân nhắc lời nói của phụ huynh.

Chuyên gia Anderson nói: “Tốt hơn là nên để trẻ trải qua quá trình này sớm trước khi có thể tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm thực sự”.

Điểm mấu chốt

Những đứa trẻ bảo thủ, bướng bỉnh thường có sự quyết đoán, đam mê và kiên quyết. Thái độ kiên quyết của trẻ đôi khi có thể là thách thức với cha mẹ. Song, với sự kiên nhẫn và nhất quán, phụ huynh có thể giúp đứa trẻ cố chấp của mình phát triển thành một con người kiên cường, độc lập và có tư duy tự do.

Do đó, theo các chuyên gia, cha mẹ không nên ngạc nhiên khi sự cố chấp đó lại trở thành một trong những đặc điểm tính cách tốt của trẻ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, phụ huynh có xu hướng trở nên bảo thủ hơn theo tuổi tác. Trong một thí nghiệm, 376 sinh viên đại học ở Mỹ được chia thành hai nhóm. Một nhóm được cho xem hình ảnh các đồ vật trong nhà. Họ được yêu cầu nói về cách có thể sử dụng đồ vật đó. Nhóm còn lại được cho xem hình ảnh của trẻ em.

Họ được yêu cầu suy nghĩ về những cái tên có thể có cũng như những tương tác tích cực. Sau đó, cả hai nhóm đều hoàn thành một cuộc khảo sát về quan điểm đối với các vấn đề.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, những người tham gia tưởng tượng về thời gian với một đứa trẻ có phản ứng bảo thủ hơn về mặt xã hội so với những người nghĩ về đồ vật trong nhà.

Khi nhóm khảo sát 2.610 người lớn trên 10 quốc gia, từ Lebanon đến Nhật Bản, họ phát hiện, những người có động lực chăm sóc trẻ em hơn có xu hướng bảo thủ hơn về mặt xã hội.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Pakistan, việc làm cha mẹ không liên quan đến thái độ bảo thủ hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thật khó để nói liệu việc làm cha mẹ khiến con người trở nên bảo thủ hơn, hay những người bảo thủ có nhiều khả năng lựa chọn trở thành cha mẹ hơn.

Theo Very well family

Theo Kim Dung

Giáo dục thời đại

Trở lên trên