5 sự thật "trời ơi đất hỡi" sinh ra tên gọi các ông lớn công nghệ: Sếp Apple thích ăn táo thật, Google là từ sai chính tả?
Hóa ra mọi thứ không hẳn đã nghiêm túc 100% từ đầu như chúng ta tưởng, đôi khi tên gọi của một thương hiệu công nghệ hàng đầu lại đến từ những dịp đầy ngẫu hứng và thú vị.
Apple là cái tên không thể bị bỏ lỡ bởi bất kỳ người nào với vị thế thống trị to lớn trên thế giới như ngày nay. Thế nhưng, không phải ai cũng biết về nguồn gốc thú vị của đích xác cái tên "Apple" được đặt cho công ty.
Thực chất, ban đầu đây thực sự là một vấn đề khá nan giải và không thể được xem thường. Đã có lần cụm từ "Matrix Electronics" được xướng lên, nhưng cuối cùng lại nhường sự lựa chọn cho "Apple Computer".
Steve Jobs thực sự thích ăn táo.
Vậy tại sao lại phải kèm theo chính xác từ gọi loại quả táo Apple? Cố CEO Steve Jobs đã thẳng thắn chia sẻ trong 1 lần phỏng vấn: "Tôi thích ăn táo, và Apple đứng trước Atari trong thứ tự tra cứu bảng chữ cái." Nghe qua lần đầu nhiều người có thể chưa hiểu, nhưng hoá ra tất cả những lời nói đó đều liên quan đến những dịp trong quá khứ của ông: Jobs từng có thời gian làm ở nông trại táo, đồng thời trước kia ông cũng đã hoạt động trong Atari - cũng là một công ty công nghệ nổi tiếng thời bấy giờ. Năm 2007, Apple Computer được rút gọn chính thức chỉ còn Apple.
Nghe có vẻ khó tin nhưng "Google" hoá ra lại là... cách đánh vần sai so với mục đích đặt tên ban đầu của họ. "Googol" mới là cái tên được tính trước, mang ý nghĩa biểu trưng cho kết quả phép tính luỹ thừa 10^100. Đó thực sự là một con số khổng lồ, được 2 nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page chọn để ám chỉ lượng dữ liệu họ dự định đạt mục tiêu truyền tải trong tương lai. Và thực sự kế hoạch đó đã thành công, khi Google hiện là một trong những thương hiệu lớn hàng đầu thế giới về mảng dịch vụ và dữ liệu.
10^100 là ý nghĩa gốc gác sinh ra tên gọi Google.
Amazon
Xuất thân là một công ty bán sách, CEO Jeff Bezos ngày trước hiển nhiên muốn mọi tác phẩm phân phối bởi mình đều "đắt như tôm tươi". Vì thế, ông đã có ý định đặt tên "Cadabra" cho công ty (là một phần câu khẩu hiệu "abracadabra", tương tự "úm ba la" trong tiếng Việt), với mong ước tốc độ bán sách sẽ nhanh như phép màu khi niệm thần chú.
Thậm chí, mọi thứ đã xuất hiện chính thức trên giấy tờ với cái tên Cadabra cho tới năm 1994. Để rồi năm 1995, tới lúc chuyển dịch lên nền tảng online, Jeff Bezos lại đổi ý đột ngột vì "cadabra" dễ bị nghe nhầm thành "cadaver" (xác chết). Sau cùng, ông lấy tên Amazon, với hàm ý hình tượng to lớn và kéo dài như dòng sông Amazon của thế giới, và Amazon cũng đứng đầu bằng chữ cái A, dễ xuất hiện hơn trên bảng thông tin tìm kiếm ưu tiên.
Spotify
Spotify còn thú vị hơn cả. Là dịch vụ bắt nguồn từ Thuỵ Điển nhưng "Spotify" lại chẳng có nghĩa gì, thậm chí không nghe gần giống với từ ngữ nào trong tiếng nói của họ.
Sự thật là trong một buổi nghĩ tên cho công ty, CEO Daniel Ek cùng người đồng sự Martin Lorentzon vẫn loay hoay mãi chưa nghĩ nổi ra được một cái tên thích đáng. Trong lúc bàn tán sôi nổi ầm ỹ, chẳng hiểu do phòng quá kín nên âm thanh vang vọng thế nào nên một cụm từ lại được đọc lái sang "Spotify". Quần nhau một hồi vẫn không ra đâu vào đâu, thế là họ quyết định... lấy luôn cụm từ vừa nghe được làm tên sản phẩm của mình - cũng một phần bởi chưa ai lấy tên miền đó trên Internet. Cũng phải thôi, một tên gọi đọc nhầm mà ra thì sao mà dễ dàng có một sự trùng hợp như đúc trong quá khứ được.
Mozilla
Năm 1994, Netscape - công ty mẹ sở hữu Mozilla sau này - đang cùng quây quần đội ngũ lại với nhau để nghĩ tên cho một sản phẩm trình duyệt mới chuẩn bị ra mắt. Họ mang tham vọng đưa cái tên mới này lên đỉnh cao mới, đè bẹp mọi chướng ngại vật khác theo nghĩa đen, đồng thời soán ngôi thế hệ trình duyệt cũ Mosaic trước đó.
Godzilla là một trong những tên gọi và hình tượng họ muốn gán cho sản phẩm của mình, đúng như cách nó được diễn giải là một con quái vật đáng sợ trên phim ảnh. Tuy nhiên, sau một hồi phân định, câu trả lời cuối cùng được đưa ra là "Mozilla" - kết hợp của Mosaic tiền nhiệm và Godzilla đúng như dự định.
Hình tượng được chọn cho Mozilla là cáo lửa thay vì Godzilla như nguồn cảm hứng ban đầu.
Trí thức trẻ