5 thay đổi lớn về chính sách tiền lương năm 2023
Trong năm 2023, nhiều chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bắt đầu có hiệu lực thi hành.
- 09-05-2023Bộ Nội vụ đề xuất phương án cải cách tổng thể chính sách tiền lương
- 23-10-2022Quy định mới về chính sách tiền lương; công tác tổ chức, cán bộ có hiệu lực từ tháng 11/2022
- 18-08-2022Chính sách tiền lương, công chức, viên chức mới nhất
Tăng lương cơ sở từ 1/7
Cuối năm 2022, Quốc hội đề xuất tăng lương và chính thức được thông qua.
Theo nội dung Nghị quyết 69/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua trong Kỳ họp thứ 4, từ ngày 1/7/2023, chính thức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 310.000 đồng/tháng).
Việc tăng lương cơ sở năm 2023 không chỉ giúp tăng đáng kể thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mà còn tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội...
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Bên cạnh việc tăng lương cơ sở, Nghị quyết 69/2022/QH15 cũng đề cập đến vấn đề tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm, đồng thời hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công
Nghị quyết 69/2022/QH15 cũng có một nội dung đáng chú ý nữa là tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị từ 1/7/2023.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 75/2021/NĐ-CP, hiện nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được áp dụng là 1,624 triệu đồng. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022-2025 là 2 triệu đồng.
Căn cứ theo các quy định trên, từ ngày 1/7/2023 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh tăng bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022-2025 là 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị quyết 69/2022/QH15 còn quy định tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở từ 1/1/2023.
Tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở
Đối với đối tượng là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi nghề ngay khi bước sang năm 2023. Việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề được thực hiện dựa trên tinh thần Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị.
Như vậy, từ ngày 1/1/2023, phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng. Nhưng mức tăng cụ thể thế nào sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.
Chưa thực hiện cải cách tiền lương
Mặc dù có sự điều chỉnh về mức lương cơ sở, tuy nhiên Quốc hội chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023. Do đó, năm 2023 vẫn tiếp tục áp dụng hệ số lương được nêu trong các phụ lục lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Việc cải cách tiền lương đã được đề cập đến nhiều trước đây. Theo dự kiến ban đầu, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới. Tuy nhiên, do tác động của COVID-19 nên thời điểm cải cách tiền lương được dời đến ngày 1/7/2022.
Sau đó, thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022, Quốc hội đã quyết định tiếp tục lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức đến thời điểm thích hợp.
VTC News