5 thói quen tự hủy hoại bản thân của người trẻ: Bất tín, nóng nảy, lười biếng, vô ơn, và điều thứ 5 là thứ khiến con người ta thất bại nhanh nhất
Cuộc sống chỉ mang đến cho bạn 10% cơ hội, 90% còn lại là cách mà bạn phản ứng với nó. Do đó, thói quen chi phối hành động, hành động thay đổi cả vận mệnh tương lai.
- 17-09-2020Thần nổi tiếng Trung Hoa, thọ 141 tuổi để lại 13 bí quyết dưỡng sinh, chỉ mất 15 phút mỗi ngày để nâng cao tuổi thọ
- 05-09-2020Bị Jack Ma hỏi "kém duyên": Tôi chỉ kiếm 19,1 tỷ NDT/ngày, còn anh thì sao?, cách Châu Tinh Trì trả lời là lý do 80% thành công được quyết định bởi EQ của một người
- 01-09-2020Càng vội tính toán, tiền bạc càng tránh xa bạn: Trước tiên cần làm tốt 3 điều sau, dần dần TÀI LỘC sẽ tới
Thời gian một đời người chỉ ngắn ngủi vài chục năm, liệu có đủ để bạn lãng phí trong việc thử lỗi không ngừng? Bản thân bạn cũng có đủ sức lực để không ngừng gánh vác hậu quả thiệt hại sau mỗi lỗi lầm hay không?
Do đó, đừng đợi tới lúc bản thân thực sự phạm sai lầm mà quên học hỏi kinh nghiệm của người khác để kịp thời tránh xa những “bãi mìn” nguy hiểm.
Đời thay đổi khi ta đổi thay. Có 5 loại thái độ sau đây cần hết sức cảnh giác vì chúng có thể khiến người trẻ lạc lối, đánh mất bản thân nếu biến thành thói quen.
1. Thứ nhất: Thất tín
Trong “Luận ngữ” có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai?“
Hiểu nghĩa là: Nếu con người không giữ chữ tín cũng giống như một cỗ xe lớn nhưng không có mắt xích, xe không thể chạy được thì khó gọi là xe, người không có chữ tín thì có thành người được không?
Sự tin tưởng là nền tảng căn bản của việc đối nhân xử thế. Đó là một nhân cách đáng quý của con người mà chúng ta có dùng tiền cũng không mua được.
Thế nhưng, ngày nay người ta lại coi lời hứa không đáng giá một đồng. Lời nói chỉ là gió bay, giấy tờ cũng có thể làm giả từ văn bằng, công văn, giấy chứng nhận và các loại hợp đồng. Họ không lường trước được những hậu họa khôn lường có thể phải gánh chịu. Đó không chỉ là chế tài về pháp luật, mà còn là sự bất tín, mất niềm tin và lòng nghi kỵ luôn theo chân họ từ đó về sau. Từng lời họ nói, từng hành động họ làm từ trước đều trở nên vô nghĩa, về sau lại càng không ai tin tưởng.
Cho nên, đừng bao giờ để người khác mất lòng tin vào bạn, bởi khi người khác tin bạn, đó chính là giá trị của bạn trong lòng người đó. Thất tín chính là sự phá sản lớn nhất của đời người!
2. Thứ hai: Nóng nảy
Thời Tam quốc, Trương Phi là một mãnh tướng đại tài không ai có thể phủ nhận. Nhưng cái chết của ông lại là một bài học đắt giá, luôn được lấy ra để dạy về hậu quả của sự nóng giận đến mất lý trí.
Thời điểm đó, Quan Vũ mới bị Đông Ngô hại chết, thân là huynh đệ kết nghĩa, Trương Phi vô cùng đau đớn, xin Lưu Bị được xuất binh đi đánh Đông Ngô để trả thù nhưng bị từ chối. Vậy là, cả ngày Trương Phi đều bực tức, chỉ biết rượu chè say be bét, không làm chủ được chính mình, sau đó lấy quân lính ra đánh đập trút giận.
Trong một lần, hai thuộc hạ của Trương Phi là Phạm Cương, Trương Đạt thật sự không thể nhịn được nữa, vì vậy thừa lúc Trương Phi say rượu ngủ say đã ám sát, chặt đầu Trương Phi rồi chạy sang Đông Ngô.
Từ đó, có thể thấy rằng, nóng nảy không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì. Ngược lại, chúng còn khiến bạn rước thêm họa vào thân, thậm chí đánh mất tính mạng.
Hãy nhớ rằng, nhịn được cơn tức một lúc mới tránh được mối lo trăm ngày. Nếu bạn đúng, bạn không cần phải nổi nóng. Còn nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi nóng. Hiểu thấu điều này mới là người thực sự khôn ngoan.
3. Thứ ba: Lười biếng
Có câu chuyện kể rằng, cậu nhóc Kumar theo cha đi đánh xe. Trên đường, người cha nhìn thấy một chiếc móng ngựa sắt bị ai đó đánh rơi, bèn gọi con dậy và bảo nhặt chiếc móng kia lên. Kumar lười biếng giả vờ không nghe tiếng để đỡ phải làm.
Người cha cố thuyết phục: “Nhặt lên đi con, bán được tiền thì cha sẽ mua cho con anh đào mà con thích nhất”, nhưng Kumar vẫn nằm im.
Thấy vậy, người cha bèn tự mình xuống ngựa nhặt lên. Đến chợ, ông đem chiếc móng bán đi, mua được một túi anh đào cầm về.
Kumar vô cùng thích ăn anh đào, cậu thèm thuồng nuốt nước bọt nhưng không dám xin vì đã lười biếng.
Người cha cũng không thèm gọi cậu dậy, ông chỉ giả vờ đánh rơi một quả anh đào xuống đường. Kumar để ý thấy, lập tức lén nhảy ngay xuống xe, nhặt lên và nhai ngấu nghiến rồi đuổi theo xe để lên lại. Sau đó, lại một quả, rồi một quả nữa đánh rơi. Kumar cứ liên tục nhảy xuống rồi lại nhảy lên như vậy thêm mấy lần.
Đến khi cậu mệt bở hơi tai, mồ hôi mồ kê đầm đìa, người cha mới bình thản hỏi: “Mệt không con?”
Kumar gật đầu.
Người cha nói: “Vậy con thích nhảy xuống một lần để làm việc và nhận phần thưởng xứng đáng, hay thích nhảy lên nhảy xuống vài lần chỉ để ăn mót vài quả thôi?”
Kumar xấu hổ đỏ bừng mặt, cậu lí nhí xin lỗi và hứa sẽ không lười biếng nữa.
Có thể thấy rằng, người ta lười biếng và cứ ngỡ mình sẽ được nhàn rỗi, sung sướng hơn người khác. Nhưng thực ra họ đã lầm. Đằng sau sự thoải mái ngắn hạn, họ sẽ phải làm gấp 5, gấp 10 lần, khổ sở hơn bất cứ ai để có thể đuổi theo những người xung quanh.
4. Thứ tư: Vô ơn
Nhất định quanh bạn từng xuất hiện kiểu người như vậy: Khi cần nhờ vả, họ sẵn sàng nịnh nọt, thân thiện hết lòng, tưởng như sẵn sàng đầu rơi máu chảy, vượt lửa qua sông để trả món nợ ân nghĩa. Thế nhưng, tới thời điểm bạn gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ ngược lại, gọi điện thì họ không nghe, nhắn tin thì họ không trả lời, tìm tới tận nhà cũng có thể coi như không hề quen biết.
Nhìn xung quanh những kẻ này, bạn cũng dễ dàng nhận ra, chẳng mấy ai thật lòng đối xử tử tế với kiểu người vô ơn như vậy. Các mối quan hệ xã giao bên cạnh cũng chỉ vì lợi dụng lẫn nhau. Họ luôn bị xa lánh, cô lập trong tập thể và không tìm được vị trí hòa hợp cho chính mình.
Với kẻ vô ơn thì những người xung quanh sẽ không thèm quan tâm và không bao giờ giúp đỡ nữa. Chẳng ai muốn dành công sức và tâm huyết cho một người mang tâm tình ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân.
5. Thứ năm: Tự mãn
Càng tiếp xúc với những người đẳng cấp, bạn sẽ càng phát hiện ra khuyết điểm của mình. Khách quan mà nói, sức người có hạn nên khả năng và kiến thức của bất kỳ ai cũng tương đối hạn chế, vì vậy, có thể nhận ra khuyết điểm của bản thân chính là hiện thân của trí tuệ.
Thế nhưng, không ít người chưa nhận thức được điều này. Họ tìm mọi cách che giấu khuyết điểm mà chỉ thổi phồng những gì đang có. Nên nhớ rằng, ranh giới giữa sự tự tin và tự mãn rất mỏng manh. Càng có thói quen chủ quan và ảo tưởng về bản thân, họ sẽ càng tụt hậu, thậm chí trở thành "ếch ngồi đáy giếng".
Con người có thể bỏ một năm, mười năm hay nhiều hơn thế để xây nên thành công, nhưng tính tự mãn như một liều thuốc độc có thể giết chết thành công đó chỉ trong tích tắc. Mỗi người chúng ta phải biết quản trị, kiểm soát bản thân, và phải có hướng đi, sự kiên định và nỗ lực không ngừng nghỉ.