MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 vấn đề chính trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Israel

23-05-2017 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Một số nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với Israel đã không còn chắc chắn như vẻ bề ngoài. Đây là 5 vấn đề dấu hỏi lớn có thể sẽ được giải đáp trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Israel.

Sáng nay, Tổng thống Trump sẽ bắt đầu chuyến thăm hai ngày đến Israel. Chính quyền Israel đã triển khai 10.000 cảnh sát ở Jerusalem để đảm bảo an ninh cho Tổng thống Trump.

Trong ngày hôm qua, sau khi nghe tin một số bộ trưởng Israel có ý định không tới đón Tổng thống Trump tại sân bay Ben Gurion với lý do họ phải chờ đợi quá lâu và được yêu cầu không bắt tay hay nói chuyện với người đứng đầu Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã rất "giận dữ" và "yêu cầu tất cả các bộ trưởng phải tham dự buổi lễ đón tiếp".

Ông Trump đã gây ấn tượng với cả thế giới khi chọn Ả-rập xê-út là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 8 ngày, mà lẽ ra nên là Israel - vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhận định sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với Israel đã không còn chắc chắn như vẻ bề ngoài. Sau đây là 5 vấn đề chính trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Israel.

1.Thỏa hiệp tình báo Israel

Ngày 16/5, ba quan chức chính phủ đã nói với NBC news rằng Israel là nguồn cung cấp thông tin tình báo tuyệt mật về âm mưu khủng bố bằng bom laptop trên máy bay của ISIS mà Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần trước.

Tờ New York Times nhận định việc ông Trump tiết lộ tin tình báo của Israel cho Nga có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa hai quốc gia và có khả năng Nga sẽ trao đổi thông tin này cho Iran - mối đe dọa lớn nhất của Israel ở Trung Đông.

Ngay sau đó, cố vấn an ninh Mỹ - H.R. McMaster đã nói rằng hành động của Tổng thống là "hoàn toàn thích hợp". Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman khẳng định Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Israel và nhận định mối quan hệ an ninh giữa hai quốc gia là "sâu sắc, ý nghĩa và lớn mạnh hơn bao giờ hết".

Tuy nhiên, giám đốc cơ quan tình báo Israel Danny lại trả lời đài Tel Aviv rằng nếu đúng, hành động tiết lộ của Tổng thống Trump có thể gây ra "thiệt hại nặng nề" đối với nền an ninh của cả Mỹ và Israel, đặc biệt nếu nó động đến người Iran. "Đó sẽ là một sự mất tin tưởng giữa các cơ quan tình báo", ông Danny nói.

2.Bức tường Tây

Cũng trong tuần trước, Mỹ và Israel đã tranh cãi gay gắt về việc ông Trump sẽ là Tổng thống tại vị đầu tiên của Mỹ đến thăm bức tường Tây tại thành cổ Jerusalem - địa điểm cầu nguyện linh thiêng nhất của người Do Thái với "tư cách cá nhân". Theo các nhà ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Netanyahu sẽ không được chào đón đi cùng ông Trump đến đó do Israel không có thẩm quyền tại khu vực này.

Tuyên bố này đã làm rung chuyển Israel và họ đã yêu cầu chính quyền ông Trump làm rõ. Sau đó, một phát ngôn viên Nhà Trắng đã phải nói rằng phát ngôn của giới chức ngoại giao Mỹ không phản ánh quan điểm của Mỹ và đặc biệt là quan điểm của Tổng thống Trump.

3.Chuyển địa điểm Đại sứ quán Mỹ

Đại sứ quán Mỹ vẫn đặt tại Tel Aviv kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1947 do Jerusalem là vùng tranh chấp giữa Palestine - Israel và đây được coi là thủ đô của cả hai. Tuy nhiên, năm 1995 Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật quy định Đại sứ quán Mỹ chuyển về Jerusalem. Kể từ đó đến nay, mỗi 6 tháng một lần Tổng thống lại phải ký một bản khước từ nhằm trì hoãn việc di dời vì lý do an ninh. Bản khước từ gần đây nhất sẽ mãn hạn vào ngày 1/6 - ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Trump.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã hứa sẽ di chuyển đại sứ Mỹ ở Israel. Tuy nhiên tại buổi gặp gỡ báo chí trước chuyến công du của tổng thống, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc về việc giữ lời hứa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ hòa bình giữa Israel và Palestine.

4."Thỏa thuận cuối cùng"

Sau tất cả những căng thẳng hiện tại, ông Trump vẫn tin rằng mình có thể trở thành trung gian hòa giải cho "thỏa thuận cuối cùng" giữa Israel và Palestine.

Ông nói với Chủ Tịch Nhà Nước Palestine Mahmoud Abbas hồi đầu tháng này rằng "có lẽ đây là thỏa thuận khó nhất" giữa Israel và Palestine nhưng ông cảm thấy chính quyền của ông có "một cơ hội cực kỳ tốt" để thực hiện điều đó.

Người tiền nhiệm của ông Obama cũng từng khá chắc chắn về khả năng hàn gắn mối quan hệ giữa hai quốc gia, tuy nhiên sau nhiều nỗ lực ông đã rời văn phòng mà không thực hiện được mục tiêu của mình.

5.Xây dựng một liên minh mới: Mỹ, Israel và các quốc gia Ả rập Sunni

Một cơ hội mới đang được nổi lên từ liên minh Mỹ, Israel và lãnh đạo các quốc gia Ả rập Sunni, phần lớn bắt nguồn từ quan điểm chung coi Iran là mối đe dọa an ninh quốc gia của họ.

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Adel al-Jubeir cho biết: "Chúng tôi tin vào sức mạnh và sự quyết đoán của Tổng thống Trump, vương quốc Ả-rập xê-út đang chuẩn bị làm việc với Mỹ để mang lại hòa bình cho những người Israel với người Palestine và những người Israel với người Ả-rập".

Chính người đứng đầu Nhà Trắng hôm chủ nhật cũng nói với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Riyadh rằng trong một vài ngày tới ông sẽ họp với cả Netanyahu (Thủ tướng Israel) và Abbas (Chủ Tịch Nhà Nước Palestine) và rằng hòa bình đó là có thể đạt được.

Hơn nữa, cả ông Netanyahu và Abbas đều đang phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước và có lý do để giữ mối quan hệ tích cực với ông Trump nếu chỉ để duy trì sự liên quan của họ đến quốc tế.

Anh Sa

CNBC

Trở lên trên