5 ý tưởng đơn giản giúp bạn không "cháy túi" khi chưa tới ngày lương
Bạn cảm thấy việc tiết kiệm tiền quá khó khăn vì có vô vàn thứ để chi tiêu mỗi ngày? Đừng lo lắng, chỉ với 5 ý tưởng đơn giản dưới đây, túi tiền của bạn sẽ đầy hơn và chẳng sợ hết tiền những ngày cuối tháng.
Xác định rõ từng khoản tiền
Nhiều người chia số tiền họ có làm hai phần, một để trong thẻ, một để chi tiêu những việc hàng ngày. Tuy nhiên, việc này không giúp họ tiết kiệm tiền khi thường xuyên quẹt thẻ để thanh toán những món đồ. Ngay cả khi, bạn gửi tất cả số tiền có vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng, tình trạng vẫn không được cải thiện khi số tiền ghi nợ cá nhân từ thẻ tín dụng vẫn ngày một tăng. Thậm chí, nhiều người ứng trước nhiều hơn số tiền họ có.
Xử lý vấn đề này thế nào? Các chuyên gia cho rằng, bạn cần xác định rõ từng khoản tiền dành cho việc cố định và vấn đề phát sinh. Sau khi đặt ra chỉ tiêu, cố gắng hoàn thành trong hạn mức cho phép.
Thường xuyên "mặc cả"
Theo Janice Lieberman - tác giả cuốn Thủ thuật thương mại, trong môi trường tài chính hiện tại, các công ty sẵn sàng cung cấp cho khách hàng của họ mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, công ty sẽ không tự làm việc này. Vì thế, hãy suy nghĩ một mức giá hợp lý và đưa ra yêu cầu.
Ngay cả với những cơ sở nhỏ, bạn cũng nên áp dụng điều này. Nếu bạn bị nhân viên bán hàng từ chối, hãy thử nói chuyện với người quản lý và giải thích tình hình. Đưa ra ý kiến thường xuyên và chịu khó "mặc cả", nhất định công sức của bạn sẽ được đền đáp.
Việc tiết kiệm tiền sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn áp dụng những bí quyết vàng trong chi tiêu.
Kiên nhẫn
Kiên nhẫn trong chi tiêu là điều vô cùng quan trọng. Khi bạn thích một món đồ, hãy yêu cầu các nhân viên cửa hàng giữ nó cho bạn trong một ngày. Nếu hôm sau đến, bạn vẫn muốn nó thì nên mua. Luôn áp dụng quy tắc này trong việc chi tiêu hàng ngày và bạn sẽ nhận ra, mình không còn "vung tay quá trán" và giảm hẳn số lượng đồ "mua rồi không bao giờ dùng tới".
Luôn luôn kiểm tra giá tiền
Mua tự phát là một sai lầm quá phổ biến khiến hầu bao của bạn "xẹp lép". Khi đó, bạn hầu như không nhận được mức giá thấp nhất có thể. Thay vì mua vội vàng, tức thì, bạn có thể kiểm tra các trang web so sánh giá cả rồi mới quyết định mua hay không và nên mua ở đâu. Để mua những đồ có giá trị lớn như xe hơi, nên tìm kiếm mọi thông tin và giá cả cũng như các vấn đề về giảm giá, ưu đãi…
Lấy động lực từ bạn bè
Khi bạn đưa ra mục tiêu tiết kiệm vì mục tiêu lớn và ý nghĩa như đặt cọc nhà, tổ chức đám cưới hoặc thậm chí là đóng góp cho một tổ chức từ thiện, hãy sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ với những người bạn quan tâm. Bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn và trong thời gian ít hơn nhờ sự hỗ trợ và cổ vũ của gia đình và bạn bè thân thiết.