MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 yếu tố lèo lái giá vàng hiện nay

17-07-2016 - 07:00 AM | Thị trường

Việc tích trữ vàng đã trở thành truyền thống hàng thập kỷ nay của các nhà đầu tư khi “đánh hơi” được khủng hoảng đang tới gần, và hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc nước này đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) cũng gần tương tự như vậy.

Giá vàng đã tăng mạnh ngay sau khi 51,8% ủng hộ Brexit, viết tắt của việc Anh rời EU, khi các nhà đầu tư cần tìm tới một kênh đầu tư an toàn và vàng là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn của họ. Đã có thời điểm, giá vàng tăng lên định trong vòng 3 năm qua do những lo ngại về Brexit tăng cao.

Giá vàng hiện nay đang giao dịch ở mức 1.333 USD/ounce, tăng từ mức 1.257 USD/ounce của ngày 23/6. Tuy nhiên, giá vàng tăng vọt sau khi đã tăng đều trong suốt năm 2015 chứ không phải là sau khi giảm. Tính đến thời điểm này, giá vàng đã tăng 25% so với thời điểm cuối năm 2015.

Diễn biến giá vàng kể từ đầu năm tới nay

Giờ đây các nhà đầu tư rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Liệu đợt phục hồi này sẽ kết thúc tại đây hay sẽ tiếp diễn?

1. Tác động của Brexit

Giá vàng đã tăng mạnh sau cuộc bỏ phiếu về Brexit nhưng đang có những dấu hiệu sự bình tĩnh quay trở lại thị trường.

Chỉ số FTSE 100 đã phục hồi lại sau khi bà Theresa May chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Anh sau khi người tiền nhiệm là ông David Cameron tuyên bố từ chức ngay sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Điều này đã giúp những bất ổn chính trị giảm bớt tại khu vực châu Âu và trên toàn cầu.

Diễn biến chỉ số FTSE 100 kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6

Thị trường vàng bạc trực tuyến BullionVault cho biết người dùng của họ đã giao dịch khối lượng vàng ở mức kỷ lục 30 triệu USD chỉ trong ngày 24/6, tức phiên giao dịch ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, sau đó, khối lượng giao dịch đã giảm trở lại mức bình thường.

Giám đốc phân tích Adrian Ash của BullionVault cho rằng thị trường vàng bạc tư nhân đang cân bằng trở lại và bớt hoảng loạn sau khi tăng mạnh bởi Brexit.

Có thể do các nhà đầu tư tại Mỹ lo ngại về những biến động của Brexit sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 nên họ là những người dẫn đầu xu thế mua vàng hiện nay.

2. Lãi suất

Nhu cầu mua vàng thường cao khi lãi suất thấp. Mặc dù vàng là tài sản không có lãi suất nhưng lại là nơi có thể kiếm lời khi những kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu hay tiết kiệm có lãi suất rất thấp hoặc thậm chí là âm.

Cuối năm 2015, gió có vẻ như đổi chiều với giá vàng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần 1 thập kỷ. Tuy nhiên, FED lại liên tiếp trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay mặc dù đã có rất nhiều dự báo về việc lãi suất sẽ được nâng trong cuộc họp tháng 6.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) do lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nên nhiều khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần này.

Diễn biến giá vàng trong mỗi lần FED tăng lãi suất

Nhưng ngay cả khi lãi suất tăng, điều đó chưa chắc đã là tin xấu với giá vàng.

Chuyên gia hàng hóa Matthew Michael tại Schroders cho rằng diễn biến giá vàng đang khá khác thường sau đợt tăng vừa rồi. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy giá vàng luôn diễn biến tốt sau khi FED tăng lãi suất.

Vậy tại sao các ngân hàng trung ương lại tăng lãi suất? Đó là bởi vì thanh khoản và tăng trưởng tăng – những yếu tố khiến mọi người đổ xô vào vàng.

3. Đồng USD

Đồng USD là đối thủ lớn của vàng và cả 2 dường như có xu hướng di chuyển ngược với nhau. Khi nhu cầu giữ đồng USD giảm, các nhà đầu tư và ngân hàng trên thế giới sẽ dùng tiền để mua vàng, qua đó khiến giá vàng tăng.

Khi đồng USD tăng giá, các nhà đầu tư lại có xu hướng chuyển tiền từ vàng sang đồng USD. Nhu cầu vàng giảm dẫn tới giá trị của kim loại này giảm theo.

Diễn biến đồng USD 1 năm qua so với rổ tiền tệ gồm 10 đồng tiền lớn nhất thế giới

Nhà phân tích cao cấp Laith Khalaf tại Hargreaves Lansdown giải thích rằng việc đồng USD mạnh lên sẽ tác động tiêu cực vào giá vàng nhưng lại mang đến lợi nhuận cho các nhà đầu tư sử dụng đồng Bảng Anh. Tốt nhất các nhà đầu tư nên dùng vàng như một loại tài sản phòng chống rủi ro.

4. Khủng hoảng khu vực Eurozone

Những lo ngại về sự sụp đổ của châu Âu chưa bao giờ biến mất, ngay cả khi Hy Lạp đạt được một thỏa thuận nợ vào tháng 5 vừa qua. Tác động của Brexit tới nền kinh tế châu Âu rộng lớn cho tới thời điểm này vẫn chưa được xác định.

Trong bối cảnh đó, trái phiếu được chính phủ Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đầu Nha phát hành không thể có lãi suất cao, khiến vàng càng trở nên có giá.

Điển hình như lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã giảm 30 điểm cơ bản xuống còn 1,13%. Tương tự ở Bồ Đầu Nha, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giảm tới 1%, từ 4,1% trong tháng 2 xuống còn 3,1% sau sự kiện Brexit.

Với lãi suất thấp như vậy, sẽ rất khó để kênh đầu tư này nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

5. Nhu cầu của Trung Quốc

Giá vàng đạt đỉnh trong 3 năm qua có công không nhỏ của người Trung

Ông Michael đã phải dùng từ “vô độ” khi nói về nhu cầu mua vàng tại Trung Quốc và điều đó không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây. Trung Quốc thích nắm giữ vàng bởi điều đó giúp đa dạng hóa nguồn dự trữ chính thức cũng như giữ được giá trị.

Trong vòng 12 tháng qua, dự trữ vàng của ngân hàng trung ương nước này đã tăng 71,4%, trong khi đó mức tăng trung bình của các ngân hàng quốc gia khác chỉ là 2,85%.

Theo Thạch Thảo

NDH

Trở lên trên