50% nhân viên Apple chưa học hết đại học: Những người trẻ đang bị hủy hoại bởi tư tưởng “học hành cũng vô dụng”
Điều tôi muốn nói ở đây đó là, đã là năm 2019 nhưng vẫn có người đi tuyền truyền rằng “học hành là vô dụng”, cá nhân tôi cảm thấy thật đáng thương, rốt cuộc đã có bao nhiêu thanh niên bị hủy hoại bởi câu nói “học hành cũng vô dụng” này.
- 23-12-2019Trả lời 11 câu hỏi này, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận khi đi mua sắm
- 23-12-20194 loại người "giàu" này nhất định không nên chơi, kẻo có ngày "cõng rắn cắn gà nhà"
- 23-12-2019CEO Dropbox tiết lộ 4 cuốn sách "gối đầu giường" để trở thành một nhà lãnh đạo thành công
Gần đây tôi có đọc được một bài báo, trong đó, giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook nói rằng có tới 50% nhân viên của Apple chưa học hết đại học, Tim Cook cho rằng, năng lực mới là mấu chốt, chứ không phải là học lực.
Khi phóng viên hỏi "Người tốt nghiệp từ các trường Cao đẳng cộng đồng, liệu có khả năng làm CEO của Apple hay không?", Tim Cook cười và nói: "Steve Jobs chẳng phải là như vậy sao?"
Những người có hiểu biết nhất định về Steve Jobs đều biết ông không hề có bằng đại học. Năm 17 tuổi, Steve theo học tại trường cao đẳng Reed ở Ba Lan được 6 tháng thì nghỉ học.
Tất nhiên, Steve Jobs hoàn toàn không phải là trường hợp duy nhất có thể thay đổi thế giới mà chưa học hết đại học, những thiên tài khác ta có thể kể đến đó là Bill Gates, Mark Zuckerberg hay tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, người chỉ có tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, rồi Larry Ellison, ông trùm tư bản người Mỹ, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của tập đoàn Oracle đã học qua 3 trường đại học nhưng lại chưa có một cái bằng nào.
Mỗi một lần những thông tin tương tự được lên mặt báo, nó sẽ dẫn tới những sự tranh luận không hồi kết rằng "học lực và năng lực, cái nào quan trọng hơn", trong đó "học hành cũng vô dụng", "đại học cũng chẳng được tích sự gì" tất nhiên không thể vắng mặt.
Điều tôi muốn nói ở đây đó là, đã là năm 2019 nhưng vẫn có người đi tuyền truyền rằng "học hành là vô dụng", cá nhân tôi cảm thấy thật đáng thương, rốt cuộc đã có bao nhiêu thanh niên bị hủy hoại bởi câu nói "học hành cũng vô dụng" này.
Thi đỗ rồi nhưng không học và căn bản không thi đỗ, nó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau
Tất nhiên, học lực không cho thấy năng lực, mọi người luôn nhìn vào các tấm gương của Steve Jobs hay Albert Einstein như một ví dụ cho câu nói "học hành cũng vô dụng", nhưng trên thực tế đưa ra kết luận chỉ từ một vài ví dụ "đếm trên đầu ngón tay" căn bản không phù hợp với logic ở thực tế.
Một người mua vé số trúng hàng tỷ đồng, vậy không lẽ tất cả mọi người bây giờ đều không cần đi làm, cứ ở nhà đi mua vé số là được hả?
Mặc dù Đại học Reed mà Jobs theo học không nổi tiếng gì cho cam, nhưng lựa chọn của ông khi đó còn có hai trường đại học nổi tiếng thế giới khác là Đại học Stanford và Đại học California, hơn nữa, sau khi bỏ học, ông vẫn nằm trên sàn trong ký túc xá của một người bạn vào buổi tối nói chuyện thế giới và đến tham gia các lớp học mà mình yêu thích vào ban ngày.
Bill Gates bỏ học Đại học Harvard giữa chừng vì ông nhận ra sự nhiệt huyết của mình với máy tính, và cũng biết rằng cơ hội chỉ là thoáng qua. Nếu cứ đợi học xong đại học rồi mới khởi nghiệp, ông có thể sẽ bị loại rất sớm, vì vậy ông đã quyết định tạm dừng việc học, nắm bắt cơ hội mà thời đại ban cho để rồi tạo ra một kỉ nguyên mới cho chính mình.
Vào được đại học rồi bỏ và việc căn bản là không vào được đại học, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một người thực sự tài giỏi, ít nhất phải có cho mình năng lực thi được vào đại học.
Có người nói, những người ủng hộ tư tưởng "học hành cũng vô dụng", không phải vì tri thức vô dụng mà bởi chính bản thân họ vô dụng.
Tôi nhớ lại câu chuyện mình đọc được trên mạng. Người em họ của T., sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề đã một mình bỏ lên thành phố lớn kiếm sống, nhưng vì học lực không được cao, nên hai năm nay chỉ làm mấy việc như nhân viên bán hàng hay những công việc lặt vặt với đồng lương ít ỏi.
Năm ngoái hai anh em T. có gặp nhau, cậu ấy than thở với T. rằng công việc hai năm nay không thuận lợi, T. nói hay thử học cho mình lấy một chuyên ngành gì đó, có bằng cử nhân tìm việc cũng dễ hơn rất nhiều.
Người em họ tỏ ra khinh khỉnh với lời khuyên của T.: "Học nhiều như vậy có ích gì? Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (top 3 trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc) không phải cũng về quê chăn lợn à? Em có mấy người bạn, không học hết đại học, nhưng giờ đều làm ông chủ, xã hội này người ta nhìn năng lực chứ không nhìn học lực."
T. không còn gì để nói.
T. biết rõ, cậu em của mình chỉ đang tìm cho mình cái cớ. Cậu ấy từ bé đã không thích học, học hết cấp 3 vì bị mẹ ép nên mới miễn cưỡng đi học nghề. Nếu có bảo đi thi thật thì cũng chưa chắc đã đỗ.
Vì vậy mới dùng chủ nghĩa "học nhiều vô dụng" để che đậy năng lực kém của mình.
Thế giới này thực ra đang khích lệ, cổ vũ những người thích học tập
Hầu hết những người nghĩ rằng "học là vô dụng" đều đứng từ quan điểm của chủ nghĩa thực dụng đi định nghĩa hai từ "vô dụng". Nếu chỉ đứng từ quan điểm "kiếm tiền" để đi đánh giá ý nghĩa của việc học, cá nhân tôi cho rằng như vậy là rất thiển cận, nhưng, suy cho cùng thì thực tế cũng nói với chúng ta, thế giới này đang thưởng cho những người xem trọng việc học hành.
Cách đây không lâu có đọc được một bài báo với tiêu đề "Tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học danh giá đi nuôi lợn, lương 20.000 tệ (khoảng 66 triệu VNĐ)". Một doanh nghiệp nuôi lợn nào đó muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học Phúc Đán (top trường đại học tại Trung Quốc) với mức lương cao gấp 3,4 lần mức lương công sở, cử nhân là 20.000 tệ, thạc sỹ 22.000 tệ, tiến sĩ 24.000 tệ/tháng.
Trong yêu cầu tuyển dụng nói rõ, chỉ nhận sinh viên tới từ các trường đại học danh tiếng như Phúc Đán, không phải tốt nghiệp ra từ các trường đại học có tiếng tăm như vậy, thì đến tư cách nộp CV cũng không có.
Thực ra, hiện nay có rất nhiều vị trí công việc đã không còn yêu cầu quá nghiêm khắc đối với việc bằng cấp, nhưng trên thực tế, cùng một vị trí công việc, người có học lực khác nhau, mức lương cũng vẫn có sự chênh lệch.
Cẳng hạn như ở Samsung, là một phiên dịch viên tiếng Hàn, ngoài việc phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành về tiếng ra, nếu bạn có bằng tiếng Hàn Topik cấp 4, thì ngoài lương cứng bạn sẽ được thưởng thêm 3,2 triệu đồng, có topik 5 mức thưởng tăng lên 4,8 triệu và bằng cao nhất là topik 6 bạn sẽ có được 5 triệu. Và tất nhiên, muốn được nhiều tiền, bạn phải bỏ công sức ra để học và mài dũa.
Cũng có rất nhiều tin tức nói rằng các kì thi, đặc biệt là kì thi đại học đã hủy hoại đi thanh xuân của rất nhiều bạn trẻ, nhưng, không thể không thừa nhận một điều rằng, các kì thi hiện tại là cơ chế tuyển chọn công bằng nhất.
Nó cho mọi người cơ hội như nhau để đưa tay ra ôm lấy thế giới, không nói đến những ví dụ đẻ ra đã rất giỏi ra, đối với hầu hết những người bình thường, thì điểm số và nỗ lực mà họ bỏ ra luôn tỷ lệ thuận với nhau.
Ý nghĩa của việc học, tuyệt đối không chỉ là để kiếm tiền
"Học hành có tác dụng hay không", sở dĩ được bàn luận lâu tới như vậy đó là bởi mọi người quá khao khát muốn có được một cái gì đó thông qua học tập, tri thức cũng được, tiền tài cũng được, họ cho rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua học hành.
Kết quả, sau mấy năm học hành vất cả, phát hiện ra trong sách vở căn bản là không có thùng vàng nào hết, so với sách vở, hiện thực xã hội quá khác, quá tàn khốc, vậy là liền mắng "học hành cũng vô tích sự". Nhưng, học hành vốn dĩ không phải loại thuốc có thể trị được bách bệnh, nó cũng chẳng phải là công cụ chắc chắn có thể giúp bạn phát tài nhanh chóng.
Ý nghĩa quan trọng hơn của việc học hành, đọc sách đó là giúp chúng ta mở ra một góc mới của thế giới, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn ra một lĩnh vực rộng lớn hơn, giúp chúng ta có thể học cách sống sao cho tốt trong thế giới này, học cách bao dung với những tư tưởng khác ta tồn tại trong cuộc sống này...
Tôi rất thích câu nói của nhà văn, nhà dịch giả người Đài Loan, Tam Mao rằng: "Đọc nhiều sách, thần thái tự nhiên sẽ thay đổi. Nhiều khi, chúng ta cho rằng những thứ mình đã đọc qua đều chỉ như khói ảnh, đọc rồi sẽ quên, nhưng thực ra, nó vẫn tiềm tàng ở đó. Nó vẫn ở đó, ở trong khí chất, trong lời nói, trong hành động và trong chính cuộc sống của bạn."
Giống như một câu nói trên mạng rằng: "Ý nghĩa của học hành và đọc sách là gì? Đáp án hay nhất mà tôi từng nghe đó là: lúc nhỏ, chúng ta từng ăn rất nhiều thứ, bây giờ lớn rồi, chẳng còn nhớ gì cả, nhưng chúng đã ăn vào máu và thịt giúp chúng ta lớn lên. Đọc sách cũng vậy, những cuốn sách chúng ta đọc, rồi sẽ trở thành khí chất và thần thái, cũng như đại diện cho chính con người chúng ta."
———
Khí chất của bạn, đều ẩn giấu đằng sau những con đường bạn đã đi, những cuốn sách mà bạn đã đọc.
Đọc sách hay học hành có lẽ không thể giúp chúng ta "phất lên chỉ sau một đêm", nhưng đọc sách, có thể khiến chúng ta trở nên tốt hơn với chi phí thấp nhất....
Trí thức trẻ