MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

55.000 đồng cho một cổ phiếu của doanh nghiệp bán sắn

Doanh thu của doanh nghiệp những năm qua lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 8/6 tới đây, 10,89 triệu cổ phiếu APF của CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi – APFCO sẽ chính thức chào sàn Upcom với giá tham chiếu 55.000 đồng/cp. Tại mức giá này, vốn hóa APF được định giá gần 600 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, APF là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Công ty hiện có 7 Nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên các địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên và Lào. Sản phẩm tinh bột của công ty một phần tiêu thụ nội địa và phần lớn đã xuất khẩu đi các nước Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản …

Bên cạnh đó, APF còn có nhà máy cồn với công suất 50.000 tấn/năm. Sản phẩm cồn của Công ty đạt tiêu chuẩn B cồn thực phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty đã xuất bán cho thị trường nội địa và xuất khẩu qua Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Australia.

Những năm qua, doanh thu của APF lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc bán thành phẩm tinh bột sắn và cồn thực phẩm do công ty tự sản xuất (khoảng 99%). Doanh thu vận tải hàng hóa, sử dụng nguồn lực là lượng xe chuyên chở có sẵn của công ty chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Năm 2016, do giá hàng nông sản trên thế giới và trong khu vực giảm liên tục, thời tiết diễn biến bất lợi nên doanh thu bán hàng của APF chỉ đạt 2.850 tỷ đồng – giảm mạnh 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế APF cũng giảm 24% xuống 79 tỷ đồng.

Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2016 đạt 6.740 đồng. Tại mức giá chào sàn Upcom lên tới 55.000 đồng/cp, APF được định giá P/E hơn 8 lần.

Cơ cấu cổ đông APF hiện khá phân mảnh khi chỉ có 2 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ – ông Võ Văn Danh nắm 5,74% và Phó Chủ tịch HĐQT – ông Vũ Lam Sơn nắm giữ 6,19% cổ phần. Trước đó, trong năm 2015, SCIC đã thoái hơn 1 triệu cổ phần APF cho 8 nhà đầu tư với mức giá bình quân 49.189 đồng/cp.

APF có gì hấp dẫn?

Những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 10 trên thế giới về sản lượng sắn và là nước xuất khẩu tinh bột sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan. Tinh bột sắn đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu có triển vọng được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển. Năm 2016, do điều kiện thời tiết không thuận lợi và giá sắn giảm sâu nên sản lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm mạnh so với năm 2015.

Dự báo nhu cầu thế giới đối với sắn tinh bột sắn sẽ gia tăng. Viện nghiên cứu chính sách lương thực thế giới (IFRRI) đã tính toán và dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn toàn cầu với tầm nhìn đến năm 2020, thì sản lượng sắn toàn cầu ước đạt 275,1 triệu tấn.

Theo thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam, giá tinh bột sắn dự báo sẽ sớm tăng trở lại và nhu cầu thu mua của Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2017. Theo đó, triển vọng xuất khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam trong năm 2017 sẽ khả quan hơn và điều này sẽ mang lại niềm vui cho những doanh nghiệp như APF.

Một yếu tố hấp dẫn khác của APF là việc chi trả cổ tức khá cao và đều đặn. Mức chi trả cổ tức của năm 2015, 2016 lần lượt là 66,2% và 50,2% vốn điều lệ. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 201 7 là 40% vốn điều lệ. Đến thời điểm này, APF đã tạm ứng cổ tức của năm 2016 với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu.

Vay nợ lớn, giá sản phẩm “bấp bênh”

Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn nói chung và của APF nói riêng chủ yếu là Trung Quốc. Do vậy, đầu ra hàng hóa của công ty phụ thuộc lớn vào nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này. Trong năm 2016, Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ nên giá trị xuất khẩu hàng nông sản của Công ty giảm, tác động đến giảm doanh thu.

Giá dầu giảm thấp, đang ở ngưỡng 30-40USD/thùng nên xăng sinh học E5 sử dụng cồn ethanol hiện nay không được nhiều đơn vị sản xuất do giá thành sản xuất cao. Do vậy, thị trường cồn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gặp khó khăn, giá giảm liên tục. Công ty phải chủ động giảm sản lượng sản xuất theo nhu cầu khách hàng.

APF có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao với nợ vay gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu nên Công ty gặp áp lực trong việc quay vòng vốn và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tính tới cuối năm 2016, tổng nợ vay của APF lên tới 1.417 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 425 tỷ đồng.

Ngoài ra, APF còn phải đối mặt với tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, hạn hán và mưa lũ kéo dài trên diện rộng các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn nguyên vật liệu của Công ty.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên