MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5.602 chuyến bay bị chậm – ai chịu trách nhiệm?

5.602 chuyến bay bị chậm – ai chịu trách nhiệm?

Với 5.602 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến, chiếm tỉ lệ 18,2% số chuyến bay thực hiện trong tháng 6, tăng 9% so với tháng 5-2022, Bộ Giao thông Vận tải đã phát công văn yêu cầu chấn chỉnh.

Bình yên cho những chuyến bay Chuyến bay chở những du khách quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam

Hàng ngàn chuyến bay bị chậm trong 1 tháng

Theo Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2022, khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt 43,35 triệu lượt hành khách, tăng 65,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm 24,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Lý do là khách nội địa tăng 10,5% nhưng khách quốc tế giảm 88,3%. Riêng các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển khoảng 21,4 triệu hành khách (tăng 62,4% so với cùng kỳ 2021), trong đó khách nội địa là 20,8 triệu khách (tăng 57,3% so với cùng kỳ 2021). Các đường bay nội địa đã hồi phục như giai đoạn trước dịch COVID-19 với lượng vận chuyển tăng 10,5% so với cùng kỳ 2019. Hằng ngày trung bình có trên 900 chuyến bay chở 150.000 lượt hành khách trên các chuyến bay nội địa.

5.602 chuyến bay bị chậm – ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt 43,35 triệu lượt hành khách.

 

Cùng với lượng hành khách gia tăng, trong tháng 6 (từ 19-5 đến 18-6-2022), các hãng hàng không Việt Nam khai thác 30.808 chuyến bay, tăng 528,7% so với cùng kỳ 2021 và tăng 18% so với tháng 5-2022. Số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 25.206 chuyến (tỉ lệ đúng giờ đạt 81,8%), giảm 15,9 điểm so với cùng kỳ 2021 và giảm 9,4% so với tháng 5-2022.

Điều đáng ngại là số chuyến bay bị chậm giờ chiếm 18,2% tổng số chuyến bay với 5.602 chuyến bị chậm, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2021 và tăng 9,4% so với tháng 5-2022. Số chuyến bay bị hủy trong tháng 6 là 65 chuyến, chiếm 0,2% tổng số chuyến bay khai thác, tăng 4,8 điểm so với cùng kỳ 2021, giảm 0,1 điểm so với tháng 5-2022.

Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là do máy bay về muộn (chiếm tới 13,4% trong số 18,2%). Các lý do khác gồm: Do hãng (chiếm 2,5%), trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay (chiếm 1%), thời tiết (0,4%)... Trong công văn gửi Cục Hàng không ngày 29-6, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến có xu hướng tăng gây bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.

Yêu cầu điều phối Slot chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật

Trước thực trạng trên, ngày 1/7, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không về việc có giải pháp xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè.

Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác điều phối Slot (giờ cất, hạ cánh) chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật (giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không, thu hồi Slot theo quy định...), đặc biệt là tại các cảng hàng không xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.

Cục Hàng không tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý; công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.

Ngoài ra, Cục Hàng không chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022; tuyên truyền, thông tin tới hành khách, người dân về chuyến bay, thời gian làm thủ tục,... một cách đầy đủ và kịp thời; khuyến khích hành khách sử dụng quầy thủ tục tự động (kios check-in) hoặc các hình thức làm thủ tục trực tuyến khác để giảm tải cho khu vực làm thủ tục tại cảng hàng không.

Cùng đó, khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách tại các cảng hàng không, sân bay; đặc biệt là các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có)...

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm Slot đã được xác nhận theo đúng quy định pháp luật; tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm; tuân thủ tuyệt đối các quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không.

Hãng bay thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến; tiếp nhận, xử lý phản ánh của hành khách, người dân về hoạt động vận chuyển của hãng một cách nhanh chóng, kịp thời.

Theo Nhật Uyên

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên