MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 áp lực đè nặng khiến chứng khoán Việt giảm sâu với thanh khoản kỷ lục 53.000 tỷ trong phiên 23/12

6 áp lực đè nặng khiến chứng khoán Việt giảm sâu với thanh khoản kỷ lục 53.000 tỷ trong phiên 23/12

Tâm lý nhà đầu tư hoang mang cực độ, áp lực đè nặng. Nhiều nhà đầu tư lo lắng "mất Tết" vì đang phải gồng lỗ 20-30% khi mua vào ở mức giá cao do nhiều nhóm cổ phiếu bank, thép, đầu cơ… trong xu hướng giảm tiếp tục giảm sâu phiên hôm nay.

VN-Index chốt phiên giao dịch ngày 23/12 giảm sâu 20,7 điểm về 1.456 điểm, VN30 còn giảm mạnh tới 26,75 điểm. Trong phiên đã có lúc VN30 giảm hơn 30 điểm. Tâm lý nhà đầu tư hoang mang cực độ. 

Đáng chú ý thanh khoản phiên hôm nay cũng tăng kỷ lục, riêng HOSE khối lượng giao dịch vượt 1,36 tỷ cổ phiếu, tương ứng 45.562 tỷ đồng. Giá trị giao dịch của HNX đạt 4.624 tỷ đồng, còn UpCoM gần 2.800 tỷ. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt gần 53.000 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu giao dịch lên tới 1,66 tỷ cổ phiếu. Đây là mức thanh khoản kỷ lục trong 21 năm thị trường chứng khoán hoạt động. 

Thanh khoản cao kỷ lục phiên hôm nay do áp lực giảm điểm sâu khiến tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng, bán tháo hàng. Nhiều nhà đầu tư lo lắng "mất Tết" vì đang phải gồng lỗ 20-30% khi mua vào ở mức giá cao do nhiều nhóm cổ phiếu bank, thép, đầu cơ…đang trong xu hướng giảm tiếp tục giảm sâu phiên hôm nay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phiên giảm điểm hôm nay và kỷ lục thanh khoản. 

Thứ nhất, tuần giao dịch cuối tháng 12 là tâm điểm cơ cấu chốt NAV của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư tổ chức. Thường theo quy luật của các quỹ, nhà đầu tư tổ chức họ thường bán dịp cuối năm để cơ cấu danh mục, mua vào đầu năm. Ngay trong phiên 23/12, khối ngoại tiếp tục bán ròng 872 tỷ đồng nâng con số bán ròng lên gần 63.000 tỷ đồng. 

Thanh khoản thị trường rất lớn, đạt 53.000 tỷ, trong đó lượng giao dịch thoả thuận tăng đột biến cho thấy động thái cơ cấu danh mục của cả nhà đầu tư tổ chức diễn ra mạnh mẽ trong phiên hôm nay. 

Đáng chú ý, lượng giao dịch thoả thuận hôm nay khá cao như NVL thoả thuận 4,28 triệu cổ phiếu giá 109.000 đồng/cổ phiếu, VHM thoả thuận gần 28 triệu cổ phiếu giá hơn 81.000 -82.500đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá khớp lệnh trên sàn, ít nhiều tạo áp lực cho các cổ phiếu này. Đây lại là những cổ phiếu có vốn hoá lớn chi phối tới chỉ số VN-Index. 

Thứ hai, áp lực cho vay margin của công ty chứng khoán, cuối năm thường các công ty chứng khoán sẽ phải chốt NAV để làm báo cáo tài chính cuối năm 2021. Tiền margin không được cung cấp ra thị trường thì cũng là một lực cản lớn cho đà tăng của thị trường. Margin thời gian vừa qua tập trung ở các nhóm vốn hoá vừa và nhỏ vì nhóm này có đà tăng lớn giai đoạn vừa rồi nên hút margin.

Thứ ba, đà tăng quá nóng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua sau hiệu ứng đấu giá đất Thủ Thiêm 2,44 tỷ đồng/m2 đã nguội lạnh bớt. Nhóm cổ phiếu này có nhiều phiên tăng trần liên tiếp song phiên nay đã quay lại giảm sàn la liệt, tạo áp lực lớn đến VN-Index khi không còn dòng dẫn dắt thị trường. Một số cổ phiếu bất động sản tăng nóng quay đầu giảm sàn phiên hôm nay là DIG dư bán sàn 220.000 cổ phiếu, giảm sàn xuống 89.600 đồng/cổ phiếu, DXG cũng dư bán sàn 151.000 cổ phiếu giá giảm còn 33.950 đồng/cổ phiếu, HDC cũng lộ giá sàn, giảm sâu 6,9% còn 92.000 đồng/cổ phiếu, CII dư bán sàn 310.000 đồng/cổ phiếu còn 39.100 đồng/cổ phiếu, CEO dư bán sàn 675.000 đơn vị giảm sàn còn 59.300 đồng/cổ phiếu, IDJ cũng dư bán sàn giảm 9,8% xuống còn 38.500 đồng/cổ phiếu…Cổ phiếu bất động sản đầu ngành như VHM cũng giảm 3,7% còn 82.500 đồng/cổ phiếu lấy hết thành quả tăng điểm của tuần này. 

6 áp lực đè nặng khiến chứng khoán Việt giảm sâu với thanh khoản kỷ lục 53.000 tỷ trong phiên 23/12 - Ảnh 1.

Cổ phiếu bất động sản quay đầu giảm sau đà tăng nóng khiến cho thị trường mất đi dòng dẫn dắt áp lực đè nặng lên chỉ số VN-Index

Thứ tư, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đem tiền vào đầu tư chứng khoán, thời điểm cuối năm cũng là lúc những doanh nghiệp này phải hạch toán báo cáo tài chính, thu tiền tạo áp lực bán lên thị trường những ngày cuối năm. 

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nói với chúng tôi rằng năm nay họ đã đầu tư 200 tỷ vào các mã chứng khoán trên sàn, khẩu vị yêu thích là đầu cơ theo dòng tiền mong muốn kiếm lợi nhanh vì đây là tiền của doanh nghiệp nên cuối năm phải thu hồi về để làm báo cáo tài chính. 

"Chúng tôi mua bán theo dòng tiền, trong lúc lãi suất tiết kiệm xuống thấp gửi ngân hàng không được bao nhiêu, đem vào thị trường chứng khoán đầu tư tạm thời, khi nào dịch bệnh ổn, cơ hội kinh doanh mở ra chúng tôi mới rút khỏi. Tuy nhiên cuối năm, chúng tôi phải thu hồi dòng tiền về để làm báo cáo tài chính có kiểm toán", chủ doanh nghiệp này chia sẻ. 

Thứ năm, cuối tháng 12 năm 2021, cũng là thời điểm Tổng cục Thống kê sắp công bố GDP và các chỉ số kinh tế năm 2021. Mặc dù quý 4, kinh tế đã mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh dần phục hồi. Song, hiện chưa nhiều các biện pháp hồi phục kinh tế, gói kích cầu được áp dụng nên giới đầu tư cũng lo lắng về sự phục hồi kinh tế quý 4 không quá bứt phá. Tuy vậy, kỳ vọng phục hồi năm 2022 lại rất sáng. 

Mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS) đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,1%-2,44%. Dự báo cả năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 6,8%-7,2%. Lạm phát năm 2022 dự báo ở mức  4,0% - 4,5% cho cả năm 2022. 

Thứ sáu, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có xu hướng nhích dần lên những ngày cuối năm đạt 1,05% vào ngày 21/12. Lãi suất 1 tuần cũng tăng lên 1,38%. 

Theo thống kê của chúng tôi, lãi suất huy động trong 2 tuần gần đây đã tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,4%/năm thay vì mức 7,1%/năm hồi đầu tháng.  Cụ thể, NamABank áp dụng biểu lãi suất mới từ 15/12/2021, theo đó lãi suất cao nhất là 7,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên và không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu, tăng 0,3%/năm so với trước đó. Tương tự các kỳ hạn 12 tháng -15 tháng, lãi suất cũng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại tăng từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.

SSI Research cho biết bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, trong khi mặt bằng lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp không có nhiều biến động lớn.

Mức tăng ghi nhận từ 0,1 – 0,3 điểm %, chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng nhỏ nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác trong giai đoạn cuối năm.

"Lãi suất tiết kiệm nhích tăng chủ yếu chỉ mang tính cục bộ, đặc biệt trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm sút trước các kênh đầu tư khác", SSI Research đánh giá.

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên