6 điều ai cũng cần biết về căn bệnh ung thư phổ biến nhất: Phát hiện càng muộn, cơ hội sống càng ít
Ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và cũng khó điều trị nhất. Bệnh tiến triển khá âm thầm trong giai đoạn sớm nên người bệnh thường bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất.
- 10-07-20207 dấu hiệu sức khỏe của bạn đang "xuống dốc không phanh", chần chừ đợi đến khi phải gặp bác sĩ thì đã quá muộn
- 06-07-2020BS tiết lộ số bước đi bộ trong ngày tác động lớn đến sức khỏe: Thể dục tốt hơn thuốc bổ
- 05-07-2020Phát hiện ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 50, cựu lãnh đạo Google cảnh tỉnh: Ngừng ham muốn vật chất mà bỏ bê sức khỏe, hãy làm điều này ngay hôm nay
Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Hầu hết những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư gan thì tiên lượng rất xấu vì thời điểm phát hiện ra bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Bệnh ung thư gan thường khó nhận biết ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng mờ nhạt.
Ung thư gan là bệnh ung thư vô cùng nguy hiểm, hầu hết mọi người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn quá muộn. Dưới đây là 6 điều đặc biệt lưu ý về căn bệnh này mà bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức đưa ra trong video sức khỏe mới đây:
1. Ung thư gan vô cùng ác tính, kẻ giết người hành đầu trên thế giới
Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các nhóm ung thư trên toàn thế giới. Bệnh nhân mắc ung thư gan có tiên lượng rất xấu.
Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới với số mắc năm 2018 là 25.335 ca.
2. Ung thư gan liên quan chặt chẽ với người bị viêm gan B, viêm gan C và uống nhiều rượu.
3. Ở Việt Nam, người bị ung thư gan được phát hiện rất muộn
Ung thư gan khó phát hiện sớm vì không có các triệu chứng đặc hiệu. Hơn nữa, nhiều người thường không đi khám sàng lọc nên, phần lớn người bệnh đến khám và phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị rất tốn kém mà ít hiệu quả. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
4. Cách phát hiện ung thư gan
Ung thư gan thường khó xác định trong giai đoạn đầu vì nó ít xảy ra các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết. Các triệu chứng sẽ xuất hiện chỉ khi khối u phát triển và trở nên lớn hơn trước. Chúng ta có thể nhận biết ung thư gan qua một số dấu hiệu và triệu chứng sau: Đầy bụng, chán ăn; đau thượng vị; gan to; bụng sưng, tụ dịch trong bụng; cảm giác nặng bụng trên; vàng da, vàng mắt; phân màu bạc, nước tiểu vàng sẫm...
Để xác định bệnh ung thư gan, người bệnh sẽ được yêu cầu làm các bước kiểm tra như:
- Xét nghiệm yếu tố ung thư gan trong máu, chức năng gan.
- Siêu âm ổ bụng.
- Chụp CT đánh giá tổn thương gan chi tiết.
- Sinh thiết.
5. Chữa trị ung thư gan rất khó
Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào mức độ (giai đoạn) của bệnh cũng như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và sở thích cá nhân của bạn. Một số phương pháp điều trị ung thư gan bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đây là biện pháp tốt nhất. Nhưng không phải ai cũng có thể phẫu thuật vì đa số bệnh nhân phát hiện bệnh đã quá muộn, khối u lớn, khó can thiệp.
- Phẫu thuật ghép gan.
- Phương pháp điều trị tại chỗ: là phương pháp được tiêm trực tiếp vào các tế bào ung thư hoặc khu vực xung quanh các tế bào ung thư.
- Các lựa chọn điều trị tại chỗ cho bệnh ung thư gan bao gồm: làm nóng tế bào ung thư, làm đông các tế bào ung thư, tiêm cồn vào khối u, tiêm thuốc hóa trị vào gan, cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90.
- Xạ trị.
- Liệu pháp thuốc nhắm trúng đích.
- Liệu pháp miễn dịch.
- Hóa trị.
6. Giải pháp dự phòng ung thư gan
- Tiêm phòng viêm gan B, C đầy đủ. Những người có nguy cơ cao mắc HBV hoặc HCV nên được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi bệnh gan và điều trị nếu cần.
- Hạn chế uống rượu mạnh, đặc biệt là những người mắc viêm gan B, C: Uống rượu có thể dẫn đến xơ gan, do đó, không uống rượu hoặc uống điều độ có thể giúp ngăn ngừa ung thư gan.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây ung thư: Thay đổi cách thức lưu trữ một số loại ngũ cốc, không sử dụng thực phẩm bị mốc, hỏng, giảm tiếp xúc với các chất gây ung thư như aflatoxin. Nhiều quốc gia phát triển đã có quy định để ngăn chặn và giám sát ô nhiễm ngũ cốc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.
Tham khảo kênh video DR Khánh, Vinmec.com