MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 năm mới lấy được bằng thạc sĩ, tôi vẫn bỏ việc văn phòng đi làm chân tay: Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng thoải mái, không phải sống theo định kiến xã hội

09-06-2023 - 10:50 AM | Sống

Hy sinh công việc văn phòng là xứng đáng, ngay cả khi lương hiện tại chỉ bằng 1/4 trước đây.

6 năm mới lấy được bằng thạc sĩ, tôi vẫn bỏ việc văn phòng đi làm chân tay: Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng thoải mái, không phải sống theo định kiến xã hội - Ảnh 1.

Khi Eunice Wang được tuyển vào làm cố vấn chiến lược tại một công ty dược phẩm Bắc Kinh, cô biết giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực.

Theo CNBC, Wang tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học, sau đó lấy bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ. 6 năm phấn đấu không ngừng nghỉ ngỡ rằng đã hái được trái ngọt, song 3 tháng làm việc tại công ty dược phẩm khiến Wang vỡ mộng.

“Tôi nghĩ mình có thể ở lại 1 năm, nhưng không, tôi thà chết còn sướng hơn. Tôi thực sự vô vọng”, cô nói.

Quá mệt mỏi và áp lực, Wang quyết định về quê làm nhân viên pha chế. Xu hướng chuyển từ công việc văn phòng sang lao động nhẹ đang trở nên vô cùng phổ biến.

Hashtag “Lần đầu trải nghiệm công việc chân tay” hiện đã thu hút 30,3 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu. Chúng bao gồm những công việc như quản lý nhà hàng thức ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn, dọn dẹp hoặc bất cứ thứ gì ngoại trừ ngồi trong văn phòng.

Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York, Thượng Hải, cho biết: “Có rất nhiều cuộc thảo luận trực tuyến nơi những người trẻ tuổi chia sẻ về việc họ đã từ bỏ công việc văn phòng như thế nào”.

“Điều đó khá bất thường. Nếu bạn có bằng đại học, bạn đã được coi là lao động tri thức”, Wu Xiaogang, một giáo sư xã hội học nói, đồng thời cho biết ước tính ít nhất 24% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm - con số cao nhất từ trước đến nay.

“Không thể phủ nhận là sau COVID-19, rất nhiều thanh niên chật vật tìm việc làm. Một số người đã chọn một công việc lao động nhẹ để cố gắng trang trải cuộc sống”, Miao nói.

Tuy nhiên, điều này không đúng với những lao động trẻ như Wang - người mà các chuyên gia gọi là “tự nguyện rút lui” khỏi nghề.

6 năm mới lấy được bằng thạc sĩ, tôi vẫn bỏ việc văn phòng đi làm chân tay: Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng thoải mái, không phải sống theo định kiến xã hội - Ảnh 2.

Sự cạnh tranh khốc liệt cùng văn hóa 996 khiến nhiều người cạn kiệt cảm xúc và nhiệt huyết.

Trước đây, Wang nghĩ công việc tư vấn văn phòng sẽ rất thú vị, song thực tế khác xa những gì cô mong muốn. “Tôi không có thời gian giao tiếp với bất kỳ ai vì khối lượng công việc quá lớn”, cô nói, đồng thời cho biết mình phải dành cả ngày soạn thảo các slide, viết báo cáo và dịch chúng sang tiếng Anh.

“Khi xã hội công nghiệp hóa, nhiều công việc không đòi hỏi quá nhiều sự sáng tạo hay tự chủ”, Miao nói. “Điều tương tự đang xảy ra, nhất là khi nền kinh tế của chúng ta trở nên phức tạp hơn… Rất nhiều người trẻ cảm thấy thất vọng về công việc của mình. Công ty không thuê họ để làm việc. Họ được thuê để vận hành máy tính trên bàn giấy”.

Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt cùng văn hóa 996 cũng khiến nhiều người cạn kiệt cảm xúc và nhiệt huyết.

Dẫu vậy, những người trẻ tuổi như Wang vẫn tiếp tục vật lộn với kỳ vọng “truyền thống” là vào đại học, sau đó kiếm được một công việc văn phòng ổn định.

“Tôi được dạy rằng nếu hy sinh thời gian và nỗ lực ngày càng nhiều, cuối cùng cũng sẽ trở thành một người ưu tú, đáng ngưỡng mộ”, cô nói. “Cảm giác như nếu tôi không kiếm được một công việc thực sự, mọi cố gắng trước đây đều sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi rất sợ thất bại”, Wang tâm sự.

Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của việc đi làm, nhất là khi phong trào “nghỉ việc trong âm thầm” và “ngày thứ Hai tối thiểu” dần trở nên phổ biến. Trung Quốc còn xuất hiện hiện tượng “tang ping”, nghĩa là “nằm thẳng” và ngừng phấn đấu.

“Thế hệ cũ được làm việc trong một nền kinh tế kế hoạch hóa - nơi công việc gắn liền với tinh thần yêu nước. Đi làm đồng nghĩa với việc bạn đang đóng góp cho một đất nước giàu mạnh và phát triển hơn”, Xiao nói. “Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã đi lên một cách nhất định, những người trẻ muốn cảm nhận chủ nghĩa cá nhân. Họ không tin rằng mục tiêu cuối cùng của mình chỉ là đóng góp cho đất nước”.

Một cách muộn màng, Wang nhận ra rằng bản thân cô chưa bao giờ “muốn” theo đuổi một công việc văn phòng. “Tôi nhìn lại và nhận ra rằng đó là vì bố mẹ bảo tôi chọn nó. Mọi người nói nó sẽ giúp tôi có một tương lai tươi sáng, song tôi chưa bao giờ nghĩ về việc liệu công việc đó có phù hợp với mình hay không”.

6 năm mới lấy được bằng thạc sĩ, tôi vẫn bỏ việc văn phòng đi làm chân tay: Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng thoải mái, không phải sống theo định kiến xã hội - Ảnh 3.

Ít nhất 24% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm.

Mùa thu năm đó, Wang nghỉ việc. Cô hiện là nhân viên tại một quán cà phê ở quê nhà Thẩm Dương với mức lương chỉ bằng 20% so với trước, song cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình.

“Mọi người đều cho rằng chinh phục được một dự án hoặc giành được hợp đồng lớn là điều tuyệt vời và tôi đã từng tin là như vậy”, Wang nói về công việc cũ, đồng thời cho biết quan niệm giờ đây đã khác xưa rất nhiều. “Tôi sẽ không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm điều này. Bố mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính”.

Chia sẻ với CNBC, Wang cho biết trước đây mình kiếm được khoảng 12.000 nhân dân tệ Trung Quốc (gần 40 triệu đồng) mỗi tháng từ công việc văn phòng. Làm nhân viên pha chế chỉ cho mức lương 10 triệu/tháng cùng chút kinh phí hỗ trợ từ bố mẹ.

“Mọi người sẽ nghĩ bạn mất rất nhiều thời gian để học thạc sĩ nhưng cuối cùng lại đi phục vụ cà phê ư. Công việc này người học hết cấp hai hoặc tiểu học cũng có thể làm được”, Wang nói. “Định kiến của người Trung Quốc là: Nếu bạn không học đại học, cuối cùng bạn sẽ thành nhân viên quét dọn hoặc bồi bàn”.

Tuy nhiên, Wang khẳng định công việc pha chế không đơn giản như nhiều người nghĩ. Nó giúp cô học nhiều kiến thức về cà phê, thậm chí vượt qua nỗi sợ bắt chuyện với mọi người.

“Những công việc như thế này cũng cần được tôn trọng. Tại sao chúng lại bị coi là thấp kém chứ”, Wang nói, đồng thời cho biết bản thân rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.

“Tôi đang rất hạnh phúc”, cô cười nói. “Những năm qua tôi đã phải cố gắng để phù hợp với khuôn mẫu xã hội. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể trở thành người mà định kiến mong muốn”.

Theo: CNBC, The New York Times

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên