6 "người lạ" nửa đêm gõ cửa từng xe trên cao tốc Pháp Vân
Cao tốc Pháp Vân kẹt cứng nhiều giờ, họ cặm cụi gõ cửa từng xe trước sự ngỡ ngàng của người đối diện.
- 20-03-2018Vụ BS. Lương: "Giờ đây các bác sĩ có thể vì an toàn mà từ chối cấp cứu khi chưa hoàn tất các thủ tục hành chính"
- 19-03-2018Luật cho phép xe cứu hỏa được đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ
Anh Điệp (áo trắng, ngoài cùng bên trái) cùng nhóm bạn tình nguyện mua đồ ăn, thức uống giúp những người kẹt xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Nửa đêm mưa, vẫn từ nhà lao vào chỗ... tắc đường
Chiều tối 18/3, 4 vụ tai nạn liên tiếp trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến tuyến đường này tắc suốt nhiều giờ. Có tới gần 20km trên tuyến cao tốc dài 32,4km tê liệt hoàn toàn. Hàng nghìn ô tô các loại khốn đốn nằm chờ trong mưa lạnh. Nhiều xe hết xăng, phải điện thoại hoặc lên mạng nhờ cứu viện.
"Tình hình cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn tắc rất dài, dự sẽ kéo tới sáng mất. Em đang tính chạy đi mua ít bánh mì, nước lọc, sữa, xúc xích rồi chạy xuống hỗ trợ cho những người đã kẹt ở đó mấy tiếng. Trẻ em, người già chắc đói lắm rồi. Em ở Linh Đàm, các cụ đi được hú em, trên 3 xe hoặc 3 người là lên đường" - Lo lắng cho những người bị kẹt xe, anh Hoàng Khánh Điệp (45 tuổi) ở Hà Nội đã viết trên diễn đàn Otofun.net.
Chiều chủ nhật 18/3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) xảy ra 4 vụ tai nạn liên tiếp làm 3 người chết, hơn 10 người bị thương và cả tuyến đường tắc cứng trong nhiều giờ. Trong số người tử vong, có một chiến sỹ PCCC gặp tai nạn trên đường đi cứu hộ. |
Anh Điệp kể lại với PV Báo Giao thông, do đã từng rơi vào hoàn cảnh đó nên rất chia sẻ và muốn giúp đỡ. Mặc dù đã gần 23h và trời mưa to, song ngay sau khi kêu gọi, anh đã nhận được sự hưởng ứng của 4 người không quen biết, trong đó có cả một người ở tận Thái Bình.
Mọi người cùng thống nhất sẽ tự mua đồ ăn, thức uống rồi hẹn gặp nhau tại Pháp Vân để cùng đến khu vực tắc đường.
Nhưng lúc đó, các cửa hàng, siêu thị đều đã đóng cửa. Anh Điệp và vợ phải gọi điện thoại cho chủ cửa hàng tạp hóa quen gần nhà, nhờ mở cửa.
"Chúng tôi chỉ kịp kêu chủ cửa hàng chất đầy cốp xe nào lương khô, bánh mỳ, xúc xích, nước, sữa... rồi đi luôn, còn chưa kịp thanh toán", anh Điệp nhớ lại.
Gần 24h đêm, anh Điệp cùng vợ và 4 người không quen biết trước đó gặp nhau tại đầu Cầu Giẽ, lập tức chia nhau đội mưa đi bộ tới từng xe gõ cửa hỏi thăm, chuyển nước, sữa, đồ ăn.
Anh Trình Tống, một thành viên tham gia cứu trợ cho biết không ít người ngạc nhiên, bất ngờ, thậm chí ban đầu ngần ngại không đón nhận.
"Tiếc là chúng tôi lên đường hơi muộn, nên chỉ mới giúp được ít người thì đường đã thông dần", anh Tống nói và cho biết thêm, trên đường về, anh và nhóm bạn cũng gặp và hỗ trợ một số xe hết nhiên liệu.
Hàng cứu trợ được anh Điệp và những người bạn mang đến hiện trường tắc đường |
Tặng không hết đồ cũng... áy náy |
Do đường đã thông nên đồ ăn thức uống mọi người chuẩn bị chưa kịp phân phát hết. Anh Điệp đã bàn bạc với mọi người mang tới Bệnh viện K Tân Triều tặng cho bệnh nhân và người nhà. Mãi tới 3h sáng 19/3, cả nhóm mới kết thúc "nhiệm vụ".
Anh Điệp nói: “Tôi vẫn áy náy vì lẽ ra có thể giúp được nhiều người hơn nếu tới đó sớm hơn. Nhưng dẫu sao, nếu không lên đường, tôi sẽ còn áy náy nữa. Chỉ hy vọng, một số bệnh nhân viện K và người nhà của họ sẽ có một bữa sáng ấm lòng".
Người đàn ông này nói anh đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, thiện nguyện nhưng là lần đầu vận động giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp như vậy nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Song cũng qua đó, anh Điệp ấp ủ mong muốn có thể thành lập một đội cứu trợ tắc đường, giúp đỡ mọi người trong những tình huống tương tự.
Đội cứu trợ sẽ có các thành viên của Otofun ở các địa phương làm đầu mối. Khi xảy ra tắc đường hay sự cố ở nơi nào, những người tham gia cứu trợ có thể liên lạc với các đầu mối ở địa phương đó để cập nhật thông tin, phối hợp giúp đỡ, từ đồ ăn, thức uống, hỗ trợ kỹ thuật cho phương tiện gặp trục trặc, thậm chí sơ cứu người bị nạn...
Ước mơ đó thật đẹp và tôi tin rằng anh Điệp và những thành viên có trách nhiệm của Otofun hay bất cứ diễn đàn, hội nhóm nào đó trên mạng xã hội sẽ làm được, chỉ cần có người hiệu triệu.
Báo Giao thông