MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 tháng đầu năm, CPI Việt Nam vượt mốc 4%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

6 tháng đầu năm, CPI Việt Nam vượt mốc 4%- Ảnh 1.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.

Theo đó, trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức 0,75% (tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm). Trong đó, lương thực tăng 0,05% ; thực phẩm tăng 1,07% (tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26% .

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 2,84%; nhà khách, khách sạn tăng 0,19% do tháng 6 là tháng học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,6%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 1,05%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,42%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,35% chủ yếu do các nguyên nhân sau: Giá điện sinh hoạt tăng 0,67%; nước sinh hoạt tăng 2,38% do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên; giá thuê nhà tăng 0,35%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,13%. 

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, có một số mặt hàng giảm giá: Giá gas giảm 0,66% do từ ngày 01/6/2024, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 3.400 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 10 USD/tấn so với tháng trước xuống mức 572,5 USD/tấn; giá dầu hỏa giảm 0,28% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17% do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cùng với đó trong tháng có ngày Tết Đoan Ngọ nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong đó, giá dịch vụ sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,52%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,38%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,35%; quạt điện tăng 0,15%. Ngược lại, một số mặt hàng có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Bếp gas giảm 0,3%; ấm, phích nước điện giảm 0,25%; bàn là điện giảm 0,17%; tủ lạnh giảm 0,1%.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05% tập trung chủ yếu ở các dịch vụ hiếu hỉ, cụ thể: Giá dịch vụ về hiếu tăng 0,26%; vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng 0,21%. Ở chiều ngược lại, giá đồ trang sức giảm 2,94% theo giá vàng trong nước; đồng hồ đeo tay giảm 0,11%.

- Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,02% do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng. Trong đó, giá dịch vụ sửa chữa điện thoại tăng 0,28%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tăng 0,16%.

photo-1719629039223

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6/2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ở chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

- Nhóm giáo dục giảm 0,01%, trong đó giá sách giáo khoa giảm 0,42% do nhà xuất bản giảm giá sách tham khảo cho người tiêu dùng.

- Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,11% do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm trong dịp hè. Trong đó, giá giày dép giảm 0,32%; quần áo may sẵn giảm 0,07%; vải các loại giảm 0,02%. Ngược lại, giá dịch vụ giày dép tăng 0,36%; mũ nón tăng 0,12%; dịch vụ may mặc tăng 0,09%; may mặc khác tăng 0,03% do giá nguyên liệu đầu vào và giá nhân công tăng.

- Nhóm giao thông giảm 2,27% (góp phần giảm CPI chung 0,22 điểm phần trăm), chủ yếu do: Giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,17%; giá dầu diezen giảm 0,95%; giá xăng giảm 5,86% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. 

Ở chiều ngược lại, có một số nhóm hàng tăng giá: Giá lốp, săm xe đạp tăng 0,41%; giá lốp săm xe máy tăng 0,2% do chi phí nhập khẩu linh kiện tăng; giá vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 2,04%; đường bộ tăng 0,16%; vận tải hành khách bằng taxi tăng và vận tải hành khách kết hợp tăng 0,03% do nhu cầu đi lại dịp hè tăng; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,15%; phí học bằng lái xe tăng 0,01% do nhu cầu tăng.

CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giáo dục tăng 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%; hàng hóa và dịch khác là 6,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48%; giao thông tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%. Riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm). 

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,95%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Không chỉ vậy, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 6 tháng tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%.

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm 2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân sáu tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giang Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên